Nhà văn nổi tiếng chỉ ra nguyên nhân khiến trẻ không chịu học và điều cha mẹ cần làm trong từng giai đoạn

(lamchame.vn) - Khi trẻ đang không thích học trên lớp, phụ huynh lại bắt học tiếp ngay ở nhà. Sự chán học thậm chí là sợ học sẽ tích tụ ngay trong đứa trẻ và sẽ đợi dịp để bùng phát.

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc.

Theo nhà văn Bùi Ngọc Phúc, anh luôn ủng hộ việc cha, mẹ sẽ là người quan tâm và học cùng con trong những năm đầu cấp này. Trừ môn tiếng Anh, nếu phụ huynh không dạy được thì cho con học ở ngoài, còn các môn tiếng tiếng Việt và Toán, cha, mẹ nên cùng con học thay vì phó mặc cho gia sư. 

Trong quá trình học cùng con, mọi người sẽ nhận ra mặt mạnh, mặt yếu của con mình để kịp thời điều chỉnh. Không ai là hoàn hảo cả, con bạn có thế kém về môn toán nhưng bù lại có thể sẽ rất khá về môn tiếng Việt. Có cháu kém về các môn tiếng Anh nhưng lại nổi trội về các môn khác. 

Con của đồng nghiệp bằng tuổi con bạn đạt được giải cao về tiếng Anh hay toán trong các kỳ thi, trong khi con mình thì bài trên lớp vẫn còn vất vả. Đừng vội lo lắng và đem con ra so với con người khác, đơn giản là bản thân con bạn chưa phát huy được hết khả năng cũng như chưa tập trung học tốt mà thôi. 

Nếu ngay từ bậc tiểu học phụ huynh thay vì trách mắng mà tìm cách trao đổi tâm sự với con, chắc chắn sự tương tác sẽ đến từ cả hai phía. Khi con bạn đã đặt niềm tin vào cha mẹ rồi thì có bất cứ khó khăn nào trên lớp, cháu sẽ đều tâm sự với bố mẹ. 

Việc có được trọn vẹn niềm tin yêu ở con trẻ chỉ hình thành khi mà phụ huynh bớt chút thời gian buổi tối dành cho con mình và các ngày cuối tuần thay vì đưa con đến các lớp học thêm, thì bố mẹ hãy đưa con đi chơi, đi dã ngoại càng nhiều càng tốt. Người xưa nói "lạt mềm thì buộc chặt", sự đồng hành còn cả một chặng đường dài phía trước.

2. Bậc THCS 

Đây chính là bậc học mà nhiều phụ huynh đau đầu nhất, vì khi lên cấp 2 lượng bài vở cũng nhiều hơn. Ngoài các môn đã học ở cấp 1, các con sẽ có thêm các môn Lý, Hóa... Ở bậc THCS bắt đầu có sự phân hóa khá rõ về sức học giữa các con trong cùng một lớp.

Trừ khi phụ huynh là giáo viên, còn không hầu hết sẽ cho đi học thêm để tăng cường kiến thức. Trong khi các phụ huynh sốt sắng tìm địa chỉ các thầy, cô có chuyên môn để gửi gắm con em mình, thì ở chiều ngược lại, nhiều bạn sẽ phản ứng và chống đối luôn khiến phụ huynh vô cùng bức xúc và đau đầu.

Vậy nguyên nhân từ đâu? Đơn giản là nhiều khi phụ huynh làm thay con nhiều quá. Có khi trong lớp cháu thân với một bạn học giỏi và được bạn đó giới thiệu thầy, cô đang học thêm, khi con háo hức về kể cho bố mẹ và muốn được học cùng bạn, thay vì đồng ý, nhiều phụ huynh đã gạt phăng đi và dẫn con tới chỗ mà bản thân mình được mọi người giới thiệu là rất tốt. 

Tìm cho con chỗ học tốt là niềm vui của bố mẹ nhưng người phải học là con chứ không phải bạn. Giai đoạn này vì các con sẽ phải đối mặt với kì thi vào 10, một kì thi được đánh giá là khốc liệt và hại não nhất đối với các phụ huynh, nên đôi khi vì quá lo lắng cho tương lai của con mình mà các phụ huynh đã mất bình tĩnh khi thấy kết quả học tập không được như ý. 

Nếu không có sự hợp tác của các con, đảm bảo mọi nỗ lực của phụ huynh cũng không đem lại kết quả. Lứa tuổi này, con bạn rất nhạy cảm với việc bị so sánh. Nếu phụ huynh cứ đề cập mãi về một bạn A, B, C nào đó quá giỏi, quá siêu thì con sẽ dị ứng ngay.

Giai đoạn học THCS, phụ huynh cần nhất là sự đồng thuận cùng con trong việc học tập, hãy lắng nghe nhiều hơn những ý kiến phản biện của con khi đề xuất các lớp học thêm, để từ đó sẽ thấy việc học như thế có thật sự cần thiết và phù hợp với con mình không. Đừng từ chối hay phản đối, nếu con bạn thay vì sang Chủ Nhật đến lớp học thêm toán theo ý của bố, mẹ lại ra sân tập bóng rổ với bạn. 

Ở lứa tuổi này, các con rất cần sự giao lưu và hoạt động thể thao, chứ không thể suốt ngày cắm đầu vào học theo ý của bố mẹ. Nhiều phụ huynh về nhà việc đầu tiên là ngó xem con có ngồi trước bàn học hay không? Chúng ta hay lên án việc học hành, thi cử nặng nề, trong khi chính cha mẹ mới là nguồn gốc của áp lực.

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc tổng kết giai đoạn này bằng câu '"muốn tròn phải khuôn, muốn vuông phải thước" tròn đến đâu, vuông cỡ nào là do bản lĩnh và kinh nghiệm của từng phụ huynh.

3. Bậc THPT 

Lên đến bậc này, con bạn đã trưởng thành hơn rất nhiều, các con cũng có nhiều mối quan tâm hơn ngoài việc học tập, nhưng sự lo lắng và bước chân đồng hành của phụ huynh thì vẫn kiên trì bền bỉ như ngày đầu. Bậc này cũng có thời gian ngắn nhất, nên việc học của các con cũng rất khẩn trương. Con bạn đã không còn là đứa bé hay mè nheo ngày nào nữa, giờ đây các con đã trở thành các nam thanh, nữ tú thậm chí đứng cao hơn cả bố mẹ. 

Nhiều bạn đi học chính khóa, học thêm bằng xe điện, xe máy điện, phân khối thấp để chủ động về thời gian. Tuy thời gian học bậc THPT ngắn, nhưng nó lại quyết định đến tương lai sau này rất nhiều. Bạn nào đã có định hướng đi du học thì vai trò của phụ huynh trong việc cùng con tìm ngành học, trường học và quốc gia rất quan trọng. 

Ở giai đoạn này, con đã thành người bạn thân của bố mẹ, các cháu đủ lớn để cảm nhận được công sức mà phụ huynh dành cho mình. Giai đoạn này tuy quan trọng nhưng cũng khá dễ chịu, vì các con sẽ hợp tác hơn, thậm chí các cháu còn chủ động đề xuất học thêm những môn mà mình thấy học chưa tốt. 

Vai trò của phụ huynh lúc này như ngạn ngữ "trồng cây sắp đến ngày hái quả", nhiều phụ huynh đã chủ động tìm kiếm thông tin và chia sẻ với con mình để cùng định hướng tương lai. Các phụ huynh cần trao đổi và tôn trọng quyết định chọn ngành học cũng như trường đại học mà con mình hướng tới, với kinh nghiệm sống của mình, cha mẹ chỉ tư vấn và đưa ra lời khuyên thôi, đừng ép buộc.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU