Trẻ thường nói dối để:
– Bao biện hết mọi thứ và trẻ sẽ không gặp vấn đề gì cả
– Để xem bạn phản ứng như thế nào khi chúng nói dối
– Làm cho câu chuyện hào hứng hơn và làm cho chúng cảm thấy tốt hơn
– Tạo sự chú ý, thậm chí ngay cả khi chúng biết bạn biết sự thật
– Có được thứ mà trẻ muốn , ví dụ: trẻ nói với bà nội “ mẹ cháu thường cho ăn kẹo trước khi ăn tối”.
Khi trẻ bước vào độ tuổi đến trường, chúng sẽ nói dối thường xuyên hơn (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Trẻ bắt đầu biết nói dối lúc nào?
Trẻ có thể học được cách nói dối từ rất nhỏ, thường là lúc 3 tuổi. Đó là khi trẻ nhận ra bạn không thể đọc được suy nghĩ của chúng, vì vậy trẻ có thể nói những thứ không đúng sự thật khi trẻ nhận ra bạn không biết về những thứ đó.
Giai đoạn trẻ 4-6 tuổi, lúc này trẻ nói dối nhiều hơn. Trẻ cảm thấy tốt hơn khi nói dối bằng cách điều chỉnh những biểu cảm trên mặt và giọng nói sao cho phù hợp với cái trẻ đang nói. Nếu bạn đề nghị trẻ giải thích cái trẻ đang nói, trẻ thường sẽ thú nhận.
Khi trẻ bước vào độ tuổi đến trường, chúng sẽ nói dối thường xuyên hơn và có thể cảm thấy nói dối sẽ tốt hơn. Những lời nói dối sẽ ngày càng phức tạp, bởi vì trẻ biết được nhiều từ vựng hơn và hiểu hơn về việc người khác suy nghĩ như thế nào.
Lúc lên 8 tuổi, trẻ có thể nói dối điêu luyện không có chút sơ hở nào.
Làm gì để trẻ không nói dối?
Nếu trẻ cố ý nói dối, đầu tiên hãy để trẻ biết nói dối là không tốt chút nào. Sau đó hãy giải thích tại sao nó lại không tốt và cho trẻ biết bạn không thể tin tưởng trẻ về lâu dài nếu trẻ tiếp tục nói dối như vậy.
Không tạo điều kiện cho con nói dối
Khi biết rõ sự thật nào đó về con, để kiểm chứng lại, cha mẹ không nên áp dụng cách “vòng vo Tam Quốc” mà hãy đi vào trực diện vấn đề. Đơn cử như (thông qua cô giáo hoặc bạn bè của con), cha mẹ biết con hôm nay bị điểm kém/bị cô giáo phạt nhưng vẫn hỏi: “Hôm nay ở trường ổn chứ con?’; “Hôm nay không có gì nghiêm trọng chứ?”; “Mọi chuyện học hành vẫn tốt đấy chứ?”… Khi chúng ta hỏi như vậy, con sẽ nghĩ rằng bố mẹ chưa biết gì. Và vì thế, con sẽ trả lời bố mẹ rằng mọi sự vẫn ổn, rằng không có chuyện gì nghiêm trọng… Vô hình trung, cách hỏi vòng vo của cha mẹ đã tạo điều kiện để con trả lời bằng cách nói dối (để giấu diếm/để làm an lòng cha mẹ).
Cha mẹ cũng không nên chọc ghẹo, kể lể với người khác về việc nói dối của bé (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Cha mẹ làm gương cho con
Trong nhiều tình huống cha mẹ nói dối nhau mà không hề để ý đến con trẻ và con trẻ sẽ bắt chước từ đây. Tốt nhất cha mẹ không nên nói dối trước mặt trẻ, trong trường hợp không thể, cha mẹ nên giải thích rõ ràng để trẻ hiểu và thấy lời nói dối đó không có hại.
Không đặt quá nhiều kỳ vọng vào con
Cha mẹ không nên thể hiện sự kỳ vọng ở con quá mức. Sự mong chờ quá mức ở cha mẹ là áp lực lớn đối với trẻ. Trong trường hợp này, cha mẹ sẽ khiến trẻ dễ nói dối để làm an lòng phụ huynh.
Không bóc mẽ, nói xấu con với người khác
Cha mẹ cũng không nên chọc ghẹo, kể lể với người khác về việc nói dối của bé. Khi lòng sĩ diện của bé bị tổn thương thì bé rất dễ làm liều. Vậy nên tốt nhất bạn nên nhỏ nhẹ dạy riêng con để con nhận ra khuyết điểm và sửa chữa mà thôi.
Cha mẹ nên kiềm chế nổi giận khi biết con nói dối
Chuyên gia tâm lý cho rằng: Nếu bạn tức giận, bạn chỉ tập trung vào việc trừng phạt và phán xét thay vì giúp con rút ra bài học và không lặp lại việc nói dối thêm lần nào nữa. Khi con lỡ nói dối, bạn không nên nổi giận la mắng con mà hãy bình tĩnh động viên con mình rất muốn lắng nghe sự chân thật từ con. Khi con thành thật nhận lỗi, dù chỉ là lỗi nhỏ bạn nên khen ngợi con. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị của sự thật thà, và sẽ phát huy điều này hơn. La mắng sẽ làm bé sợ hãi và không dám nói ra sự thật mà thôi.