Những điều cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng của trẻ vào mùa hè

(lamchame.vn) - Mùa hè thời tiết nắng nóng, oi bức cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi gây mất nhiều nước, các chất khoáng, chất điện giải khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, chán ăn đặc biệt đối với trẻ nhỏ thường xuyên vận động. Vì vậy chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng và hợp lý góp phần quan trọng giúp trẻ ăn ngon và khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật.

Chế độ dinh dưỡng của trẻ mùa hè là phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn cân bằng hợp lý và đa dạng thực phẩm, ăn chất béo ở mức vừa phải, tăng cường hoa quả tươi và uống đủ nước.
 

 

Bảo đảm đủ nhu cầu dinh dưỡng

Vào hạ, chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần mát để giúp giải nhiệt cho cơ thể. Phụ huynh nên cho bé ăn các nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt cao như: rau dền, rau muống, bí, mồng tơi, mướp, canh chua… Để tránh mệt mỏi cho trẻ, tránh cảm giác biếng ăn. Điều này giúp mang lại cảm giác mát mẻ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể, bổ sung chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Hạn chế các món ăn xào rán. Ngoài ra, cần cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn phụ bổ mát như: chè hạt sen, sữa, sữa chua, bánh flan…

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trung bình mỗi trẻ cần bổ sung từ 50 - 60 dưỡng chất khác nhau. Bởi vậy, để trẻ có thể hấp thụ đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, thì chế độ dinh dưỡng của trẻ mùa hè phải luôn hội tụ đủ các nhóm thực phẩm quan trọng gồm: Gluxit, protit, lipit, vitamin và khoáng chất.

Bên cạnh đó, để trẻ tiêu hóa tốt, cần bổ sung thêm 1-2 cốc sữa chua/ ngày, uống thêm 400- 500ml sữa/ngày. Có thể uống sữa tươi, sữa bột nguyên kem.

Bổ sung các nguồn cung cấp vitamin

Thời tiết nóng nực, cơ chế tiết mồ hôi nhiều cùng sự vận động cao có thể dẫn tới tình trạng thiếu vitamin ở trẻ. Với sự thất thoát nhiệt lượng và chất điện giải thông qua mồ hôi, bài tiết thì các khoáng chất và vitamin cũng mất đi. Đặc biệt là các vitamin B1, B2, B6, C và PP rất nhanh chóng bị mất.

Để bổ sung lại lượng vitamin bị mất trong quá trình vận động của trẻ, các bậc phụ huynh có thể lựa chọn các loại trái cây tươi ngon, bổ lành như dứa, cam, dưa hấu, dâu tây, bơ, đu đủ… Trái cây không chỉ là nguồn cung cấp khá nhiều vitamin, dưỡng chất và chất xơ cho trẻ mà còn giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống được các bệnh mùa hè.

Bổ sung đủ nước

 

 

Việc cơ thể thiếu nước trong những ngày oi bức là điều thường xuyên xảy ra đối với cả người lớn và trẻ nhỏ. Thiếu nước không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh phổ biến mùa hè như cảm cúm, sốt… Vì vậy, các mẹ cần đặc biệt chú ý cho trẻ uống nước thường xuyên và phải uống đủ lượng nước cần thiết một ngày. Ngoài ra cũng có thể bổ sung nước bằng cách cho trẻ uống các loại đồ uống có giá trị dinh dưỡng như: sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua uống, sinh tố, nước ép trái cây.

Không nên cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, đồ lạnh

Hầu hết trẻ em thích đồ ăn nhanh, nhưng các chuyên gia cho rằng phải cho trẻ ăn một cách hợp lý chứ không nên chuẩn bị cho trẻ những thức ăn mà trẻ thích. Bởi đồ ăn nhanh không đủ đảm bảo chất dinh dưỡng cho cơ thể, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Trong những ngày nắng nóng, nhiều bậc cha mẹ thường chuẩn bị trước bữa ăn trưa cho trẻ và trẻ chỉ cần để làm nóng thức ăn trong lò vi sóng khi ăn. Điều này rất tốt cho trẻ, nhưng món ăn để đông lạnh không được khuyến khích. Do vậy, các bậc cha mẹ nên chú ý khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ em, bữa ăn trưa dành riêng cho trẻ nên được thực hiện vào buổi sáng và được giữ tươi trong tủ lạnh, không nên chuẩn bị sẵn thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh. Đồng thời, các bậc cha mẹ thường xuyên nhắc nhở trẻ nên bỏ nước lạnh hoặc thực phẩm ra ngoài tủ lạnh trước khi ăn 5 đến 10 phút. Đặc biệt là không nên ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.

Trong những ngày nắng nóng, nhiều trẻ em thích uống nước lạnh. Các chuyên gia tư vấn, uống nhiều đồ uống lạnh và kem sẽ khiến nồng độ glucose tăng cao, có thể gây ảnh hưởng đến chế độ ăn uống bình thường của trẻ.

Khi thời tiết trở nên nóng nực, trẻ thường dễ nổi mụn, rôm sảy, mẩn ngứa... Vì thế, các bậc cha mẹ cần cho trẻ uống thêm các loại nước mát và bổ dưỡng, đồng thời tăng sức đề kháng cho cơ thể của trẻ, đối phó với các bệnh lý dễ xảy ra vào mùa nắng nóng. Không cho bé ăn nhiều kem hoặc kem còn đông cứng vì sẽ làm niêm mạc miệng bé bị tổn thương, dẫn đến bé mắc những bệnh về đường hô hấp.

Theo các chuyên gia, với đồ ăn vặt chỉ nên cho trẻ ăn với một lượng vừa phải và không nên thay thế các bữa ăn chính. Việc ăn vặt của trẻ trước bữa ăn sẽ làm giảm sự thèm ăn trong các bữa ăn chính. Do vậy, cha mẹ không nên cất trữ quá nhiều đồ ăn nhẹ trong nhà.

Chế biến thức ăn cũng rất quan trọng

Mùa hè là thời điểm dễ làm ảnh hưởng đến dạ dày của em bé, thường gây ra sự khó tiêu hóa. Vì thế, làm thế nào để chế độ dinh dưỡng của trẻ mùa hèđúng cách, thì chế biến thức ăn rất quan trọng, phải chế biến sao cho trẻ dễ ăn, dễ tiêu. Các thức ăn nên luộc, hấp, nấu canh... hơn là xào, rán, nướng vì dễ gây cảm giác ngán, khó ăn và gây khát nước cho các bé.

Cần chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm, do vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở trong môi trường nóng ẩm cũng như nước đá không tinh khiết nên bé dễ mắc bệnh tiêu chảy nếu ăn thức ăn ôi, thiu hoặc thực phẩm, nước uống không chế biến kỹ.

Vì vậy, thức ăn cho bé phải được tươi ngon, ăn ngay sau khi nấu, không lưu trữ thức ăn của trẻ quá lâu. Không nên cho trẻ ăn quá mặn vì sẽ gây gánh nặng lên thận; không nên chế biến thức ăn có nhiều loại gia vị cay nóng như ớt, tiêu, gừng... không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU