Những tổn thương “vô hình” của trẻ em trong đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 kéo dài đã gần 2 năm, không chỉ người lớn mà trẻ em cũng đang hứng chịu những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt là tổn thương vô hình về tinh thần rất cần được quan tâm.

Sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 vào tháng 12/2019 bắt đầu ở Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố là đại dịch vào tháng 3/2020. Sau gần 2 năm, nó đã ảnh hưởng đến hơn 200 quốc gia trên thế giới với tổng số bệnh nhân COVID-19 là hơn 225 triệu và số ca tử vong được báo cáo là 4.641.349 ca (tính đến ngày 12/9/2021).

Vào đầu đại dịch, trẻ em và thanh thiếu niên là nhóm có nguy cơ thấp nhất: tỷ lệ mắc thấp, khả năng phục hồi cao. Tuy nhiên, đến hiện tại, trẻ em đang nổi lên với những " tổn thương vô hình" trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này.

Trẻ em trong đại dịch COVID-19 bị tổn thương trên nhiều phương diện. Hình ảnh: Nguồn UNICEF

Các nghiên cứu chỉ ra sự gia tăng các triệu chứng bên trong (lo lắng và trầm cảm), các triệu chứng bên ngoài (hành vi gây rối và chống đối), và các triệu chứng thể chất liên quan đến căng thẳng (như đau đầu, đau bụng) ở trẻ em và thanh thiếu niên kể từ khi bắt đầu đại dịch. Vì sao lại có tình trạng đó?

Sau đây là một số thách thức chính mà trẻ em trong đại dịch phải đối mặt:

Thay đổi thói quen của trẻ em trong đại dịch

Đại dịch đã dẫn đến sự thay đổi đáng kể các thói quen hàng ngày. Trẻ rút ngắn thời gian học tại trường, chuyển sang học tập trực tuyến. Cách ly xã hội làm giảm thời gian trẻ vận động ngoài trời, giao tiếp bị giảm khi đeo khẩu trang,… 

Nhiều trẻ em trong đại dịch cũng bị rối loạn lịch sinh hoạt tại nhà, bao gồm tương tác giữa các thành viên trong gia đình và thậm chí cả lịch ngủ.

Giảm kết nối xã hội

Ngoài những thay đổi ở trường học và các thói quen trong gia đình, hầu hết trẻ em trong đại dịch bị giảm đáng kể cơ hội tiếp xúc với người khác. Trẻ phải giữ khoảng cách 2m với các bạn ở trường, chúng cũng không được phép đến nhà bạn bè hoặc chơi ngoài trời, các buổi về quê/đi thăm người thân bị hoãn lại vô thời hạn.

Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh hay thương tật
Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

Tăng căng thẳng ở cha mẹ

Người lớn cũng chịu ảnh hưởng của thay đổi thói quen, áp lực kinh tế, làm gia tăng căng thẳng của họ. Nghiên cứu cho thấy, căng thẳng có thể tác động lớn đến hành vi nuôi dạy con cái. Những phụ huynh này ít quan tâm đến con cái hơn và có những biện pháp kỷ luật quá mức hơn.

Nguồn thông tin về dịch bệnh không phù hợp với trẻ em

Thông tin về dịch bệnh lan tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng (cả đúng và sai). Những tin tức này hiếm khi được thiết kế để dành cho trẻ em, điều này có thể làm trẻ cảm thấy lo lắng liên tục hoặc gia tăng những hành vi gây rối.

Trẻ em phải trải qua mất mát do đại dịch

Với hơn 225 triệu người nhiễm và hơn 4,6 triệu ca tử vong, nhiều trẻ em đã phải trải qua những mất mát to lớn. Những mất mát đáng kể này luôn làm gia tăng các triệu chứng về sức khoẻ tâm thần.

Trong hơn 4 tháng nay (từ 27/4/2021 đến 08/9/2021) chỉ tính riêng TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận gần 15.000 trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19, trong đó có 13 ca tử vong.

Sự gia tăng các rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên song song với sự gia tăng các triệu chứng ở người lớn. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn là mức độ hiểu biết và quan điểm sống mà chúng ta sở hữu. Người lớn dễ dàng hiểu rằng dịch bệnh rồi sẽ trôi qua, và có những biện pháp để điều chỉnh lại lịch sinh hoạt, giảm bớt căng thẳng. 

Ngược lại, đối với trẻ em, khoảng thời gian gần 2 năm là một khoảng rất dài so với tuổi, và chúng thường có rất ít khả năng kiểm soát môi trường, kiểm soát những thay đổi đã áp đặt lên bản thân.

Trên thế giới, nhiều bệnh viện Nhi đã báo cáo sự gia tăng 100% số ca nhập viện vì các vấn đề sức khỏe tâm thần, tăng 200% số ca nhập viện vì sử dụng chất gây nghiện và cố gắng tự tử. Một nghiên cứu trên 80.879 trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu (được công bố vào tháng 8.2021 trên JAMA Pediatrics) cho thấy số trẻ em phải trải qua triệu chứng trầm cảm và lo âu lần lượt là 25,2% và 20,5%. Tỷ lệ này đã tăng cao gấp đôi so với trước đại dịch.

Đây là hồi chuông báo động, khi mà đại dịch vẫn tiếp tục kéo dài, số trường hợp trẻ em và thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần sẽ ngày càng tăng lên. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.

 

 

Theo afamily.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU