Bệnh phụ khoa
Phụ khoa cũng là một trong các bệnh thường gặp ở bà bầu khi mùa hè đến.
Viêm đường tiết niệu, viêm nhiễm âm đạo do nấm, do trùng roi, do loạn khuẩn, hoặc không do nhiễm khuẩn… là những bệnh phụ khoa bà bầu dễ gặp phải.
|
Thời kỳ mang thai, nội tiết tố tăng cao hơn bình thường vốn đã làm thay đổi môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn và nấm kí sinh phát triển gây bệnh lý về phụ khoa. Khi gặp thời tiết nóng ẩm của mùa hè, cơ thể càng tiết nhiều mồ hôi, độ ẩm ở “vùng kín” càng tăng cao kéo theo nguy cơ mắc bệnh phụ khoa của mẹ càng lớn.
Bệnh phụ khoa khiến luôn cảm thấy ngứa ngáy ở vùng kín, khí hư ra nhiều và có mùi khó chịu. Bệnh cũng khiến thai nhi có thể chậm phát triển, có nguy cơ chết lưu, sinh non, nhẹ cân. Nếu bị bệnh phụ khoa giai đoạn giữa thai kỳ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của bé, có thể gây sảy thai, nhiễm trùng nước ối. Đứa trẻ sinh thường từ người mẹ mắc bệnh phụ khoa cũng có nguy cơ cao mắc viêm phổi, viêm phế quản, viêm niêm mạc… do tiếp xúc phải nấm, khuẩn từ đường sinh dục của mẹ.
Khi nhận thấy các bất thường ở vùng kín như khí hư nhiều, ngứa, có mụn lở loét, hay đau, nóng rát trong lúc tiểu hoặc giao hợp, mẹ bầu cần lập tức đi thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần lưu ý:
- Giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô thoáng và sạch sẽ. Sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ thích hợp, an toàn để vệ sinh vùng kín hàng ngày bằng cách rửa nhẹ nhàng bên ngoài.
- Tránh quan hệ tình dục cho đến khi bệnh chấm dứt hoàn toàn.
- Dùng vòi sen để tắm, vệ sinh cơ thể thay vì ngâm mình trong bồn nước.
- Mặc đồ thoáng, nhẹ, đặc biệt là đồ lót có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết cũng là một trong các bệnh thường gặp ở bà bầu khi mùa hè đến.
Thời tiết nóng bức và mưa nhiều vào mùa hè ở nước ta là điều kiện cực kì lý tưởng cho muỗi truyền bệnh suốt xuất huyết phát triển. Nếu không phòng tránh muỗi đốt, mẹ bầu vốn là đối tượng rất dễ mắc sốt xuất huyết do sức đề kháng kém.
|
Bệnh có thể dẫn đến sẩy thai, sinh non, thai nhẹ cân, tỷ lệ rất nhỏ mẹ có thể truyền virus sang thai nhi, thậm chí là đe dọa tính mạng của người mẹ.
Sốt xuất huyết trong thời kì mang thai có những triệu chứng tương tự như cảm cúm khiến mẹ khó nhận biết và dễ nhầm tưởng.
Sốt xuất huyết thường có đặc điểm: sốt cao đột ngột, mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị, tiêu chảy, chảy máu răng, chảy máu cam, đau họng, viêm long, xuất tiết và đau mỏi cơ xương khớp. Khi có những triệu chứng này, mẹ cần đến khám ở các chuyên khoa sản phụ hoặc chuyên khoa truyền nhiễm để được xác định bệnh và có chỉ định điều trị phù hợp.
Mẹ bầu cần chủ động phòng tránh sốt xuất huyết bằng cách:
- Dọn dẹp nơi muỗi sinh sôi như bụi rậm, nước đọng trong chum, thùng, lốp xe hỏng, vỏ dừa, cống rãnh, ao tù…
- Mặc quần áo dài, sáng màu, chân đi tất để tránh bị muỗi đốt.
- Nằm ngủ và sinh hoạt trong màn, tránh ở những nơi có mật độ muỗi cao.
- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn nhiều hoa quả, rau xanh giàu vitamin C như cam, bưởi, dâu tây, đu đủ chín, bông cải xanh…
Thủy đậu
Bệnh thủy đậu thường bùng phát mạnh khi thời tiết giao mùa, nóng và nồm ẩm của mùa hè. Với người khỏe mạnh bình thường, bệnh thủy đậu khá lành tính, có thể không dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
|
Thế nhưng, với phụ nữ mang thai, thủy đậu có thể dẫn đến các nguy cơ theo từng giai đoạn như sau:
- Tam cá nguyệt thứ nhất: Mẹ bầu bị thủy đậu trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh vào khoảng 0,4 % và nguy cơ sảy thai cũng khá cao.
- Tam cá nguyệt thứ hai: Nếu mẹ bị thủy đậu trong giai đoạn giữa thai kỳ, em bé có nguy cơ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh khoảng 2%. Sau tuần thứ 20 của thai kỳ, nếu mẹ nhiễm thủy đậu thì thai nhi hầu như không bị ảnh hưởng, vì nhờ kháng thể chống lại bệnh tự xuất của người mẹ được truyền qua nhau thai đến thai nhi.
- Tam cá nguyệt thứ ba: Khoảng 5 ngày trước và 2 ngày sau sinh, nếu mẹ mắc thủy đậu, em bé có nguy cơ nhiễm bệnh từ mẹ khá cao. Bị nhiễm bệnh trong giai đoạn này, bé có nguy cơ tử vong lên đến 30%, vì cơ thể mẹ không có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh.
Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, não úng thủy, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, sinh con nhẹ cân, chậm phát triển tâm thần, teo hoặc liệt tứ chi.
Cách phòng tránh thủy đậu:
- Mẹ cần tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất ba tháng, cung cấp đủ chất dinh dưỡng từ thực phẩm hàng ngày, đồng thời uống thêm viên bổ sung vitamin thiết yếu theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Tránh tiếp xúc với người đang bị bệnh thủy đậu.
- Nếu nhiễm bệnh thủy đậu trong thai kỳ, mẹ đừng quên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có những bước điều trị an toàn, kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm. Song song đó, mẹ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa và tăng cường các thức ăn dồi dào vitamin C để hỗ trợ hệ miễn dịch đẩy lùi bệnh.
- Chú ý giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ các bóng nước, vì dễ gây bội nhiễm.
Theo Sohuutritue.net.vn