Chị Nguyễn Diệp cho biết, dù Tết phải làm rất nhiều việc, khiến chị vô cùng tất bật nhưng chưa bao giờ chị thấy mệt. Ngược lại, chị cảm thấy ấm áp khi giúp các con có thói quen hướng về gia đình, người thân. Những hoạt động ngày Tết mà chị luôn kéo các con cùng tham gia: Trước Tết một vài ngày, vợ chồng chị và các con ra mộ để mời các cụ về ăn Tết. Ở đây, chị giới thiệu từng ngôi mộ và giải thích cặn kẽ để các con hiểu nguồn cội của mình.
Cùng xum họp gói bánh, trông nồi bánh chưng vào ngày 28 Tết tạo cảm giác ấm áp cho cả gia đình (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Chị cùng các con dọn dẹp, trang trí nhà cửa để tạo không khí đầm ấm trong ngày Tết. Chị đưa các con đi chợ hoa để thấy không khí xuân tràn ngập khắp nơi. Bước sang ngày đầu tiên của năm mới, vợ chồng chị cùng các con đi chúc Tết ông bà, họ hàng, con sẽ học được về lễ nghĩa, ăn nói nhẹ nhàng, nói lời tốt đẹp đầu năm, thói quen đi chùa làng lễ Phật cầu bình an...
Chị Nguyễn Diệp cho biết, thứ duy nhất chị mong muốn giảm bớt trong ngày Tết là thói quen ăn nhậu và lãng phí, còn những thói quen tốt năm nào chị cũng duy trì vì muốn truyền thống Tết ngấm vào các con.
Không ít lúc ngán Tết vì những cái “khổ” mà người lớn phải chịu nhưng chị Lưu Thu Hoài (Nam Định) lại muốn lưu giữ cho con những kỷ niệm ngọt ngào về Tết bởi đó là sợi dây giữ con gần gũi bên gia đình. “Việc dọn nhà được mẹ con cùng làm như nghi thức cho năm mới nên con rất vui. Việc gói bánh, trông nồi bánh chưng vào ngày 28 Tết, bên ánh lửa bập bùng cùng con ôn lại những việc đã làm được một năm qua và kế hoạch cho năm mới. Kể cho con những câu chuyện về cội nguồn hay nhắc con những điều kiêng kỵ trong năm mới. Việc đi chúc Tết với sự nghiêm trang và lời chúc Tết chân thành dành cho những người thân. Một nồi nước lá mùi thơm tho cả gia đình cùng tắm. Cùng con đọc sách, khai bút đầu xuân để con coi trọng việc học… Tất cả những điều đó sẽ giúp con thấy Tết thật ý nghĩa”, chị Thu Hoài chia sẻ.
Kể cho con những câu chuyện về cội nguồn hay nhắc con những điều kiêng kỵ trong năm mới. (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Cũng giống các bà mẹ, anh Ngô Duy Thái (Ninh Bình) cho rằng, Tết chính là dịp để dạy con ý nghĩa về gia đình. “Không môi trường học tập nào lý tưởng hơn gia đình. Bố không dạy con nhiều kiến thức nhưng bố biết những việc bố mẹ làm chính là những bài học cuộc sống mà con tiếp nhận hàng ngày. Bố gói bánh chưng, bố làm cơm thắp hương cảm ơn các cụ và cầu bình an cho cả nhà, bố chăm lo đến sức khỏe của ông bà, bố đi thăm hỏi họ hàng và chúc Tết gần xa… Đó là tình cả gia đình, là sự biết ơn mà bố đã thấm nhuần từ khi còn là một đứa trẻ. Con trai, hãy cứ đi, cứ làm những gì tốt đẹp mà con muốn. Hãy thực hiện giấc mơ của con. Làm cầu thủ bóng đã cũng được, làm công an bố cũng vui, làm chú lái xe bố vẫn thấy hạnh phúc nhưng đừng bao giờ quên con là con trai bố!”, anh Thái gửi gắm đến con.
Theo sohuutritue.net.vn