Các nhà tâm lý học vừa mới chứng minh được mối liên hệ trực tiếp giữa sự khó chịu, cáu kỉnh với sự thiếu ngủ. Thực tế, trước đây cũng có nhiều bằng chứng tồn tại chỉ ra rằng mất ngủ có thể làm trầm trọng hơn sự lo lắng, buồn bã, khiến bạn cảm thấy uể oải, thiếu nhiệt tình và mất cảm giác hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Iowa State University muốn đào sâu hơn về mối liên hệ giữa thiếu ngủ và sự dễ nổi giận của con người.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý thực nghiệm, đã chia 42 người tham gia thành hai nhóm. Một nhóm sẽ vẫn giữ thói quen ngủ bình thường của họ, trong khi nhóm kia bắt buộc cắt giảm 2 - 4 giờ mỗi đêm trong hai đêm liên tục. Nhóm đầu tiên có gần 7 giờ ngủ mỗi đêm, trong khi nhóm thứ hai chỉ có khoảng bốn tiếng rưỡi – số giờ ít ỏi mà con người hiện đại bây giờ hay dành cho việc ngủ. Trước và sau thí nghiệm, những người tham gia được yêu cầu đánh giá các mức độ khó chịu khác nhau của bản thân khi được cho nghe những loại tiếng ồn dễ gây cáu kỉnh, chẳng hạn tiếng nước phun, chó sủa.
Sự mệt mỏi sẽ chiếm đến hơn 50% nguyên nhân của sự cáu kỉnh, bực bội do thiếu ngủ |
Trưởng nhóm nghiên cứu Giáo sư Zlatan Krizan nói: “Kết quả chung cho thấy, những người thiếu ngủ có mức độ tức giận, cáu kỉnh cao hơn đáng kể so với những người ngủ đủ giấc”.
Các nhà nghiên cứu tính toán, sự mệt mỏi sẽ chiếm đến hơn 50% nguyên nhân của sự cáu kỉnh, bực bội do thiếu ngủ. Cảm giác buồn ngủ cũng được xếp đầu bảng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người ta cảm thấy “khó ở”. Hơn nữa, các nhà khoa học còn nhận thấy rằng, sự cáu kỉnh, khó chịu của những đối tượng thiếu ngủ này không diễn ra trong khoảnh khắc, mà còn có thể kéo dài, khiến bạn luôn trong trạng thái không được hạnh phúc và yêu đời.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu muốn chứng minh liệu bằng chứng thực nghiệm trong phòng thí nghiệm có đúng với cuộc sống hàng ngày hay không. Họ đang thu thập dữ liệu để đánh giá xem mất ngủ có thể gây ra hành vi hung hăng thực sự trong cuộc sống hằng ngày hay không. Số liệu từ Hiệp hội Y tế Công cộng ước tính rằng con người hiện đai trung bình chỉ ngủ 6,8 giờ/ một đêm. Điều đáng lo ngại là việc thường xuyên ngủ ít hơn 6 - 7 giờ một đêm có khả năng phá hủy hệ miễn dịch của bạn và có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Theo dữ liệu thu thập được, có tới hơn 40 triệu người bị rối loạn giấc ngủ dài hạn ở Mỹ. Trong khi đó, con số này ở Anh cũng đáng báo động khi lên tới 1.5 triệu người.
Bạn được cho là bị mất ngủ nếu thường xuyên thấy: khó đi ngủ; thưc dậy nhiều lần trong đêm; tỉnh giấc giữa đêm và khó để ngủ lại; cảm thấy cực kỳ rã rời, mệt mỏi sau khi thức dậy. Các nguyên nhân phổ biến nhất của chứng mất ngủ là: căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, tiếng ồn quá lớn, giường không thoải mái, các chất kích thích như rượu bia hoặc caffeine. Bạn có thể cải thiện giấc ngủ bằng cách thay đổi thói quen ngủ. Ví dụ bạn có thể tập đi ngủ và thức dậy cùng một lúc mỗi ngày, và chỉ đi ngủ khi thực sự cảm thấy mệt mỏi.