Đẻ rơi là trường hợp khẩn cấp nguy hiểm cho cả mẹ và con bởi nguy cơ nhiễm trùng, uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh. Sản phụ có thể bị sót nhau, băng huyết dẫn tới tử vong.
Những ngày gần đây dư luận xôn xao bởi hàng loạt vụ đẻ rơi con trên ô tô, trên phố hay thậm chí cả trên máy bay… Theo các chuyên gia việc đẻ rơi không phải là hiếm và có thể xảy ra với bất cứ ai, tuy nhiên nếu không biết cách sơ cứu đúng cách và kịp thời rất dễ dẫn tới băng huyết, mất máu ở sản phụ, nhiễm trùng ở cả mẹ và con nguy hiểm đến tính mạng.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới đẻ rơi
Tình trạng đẻ rơi xảy ra khi sản phụ chuyển dạ trong thời gian rất ngắn, em bé chui ra khỏi bụng mẹ nhanh chóng khi chưa kịp tới cơ sở y tế. Nguyên nhân có thể do việc tính ngày dự sinh sai hoặc người mẹ chủ quan không đi khám thai ở những ngày cuối của thai kỳ.
Những phụ nữ phải vận động mạnh thường xuyên, hoặc lao động nặng, cơ đáy chậu giãn nở tốt, sức chịu đựng tốt hơn thì hiện tượng đẻ rơi cũng dễ xảy ra hơn. Do đó, các bác sĩ khuyên chị em khi mang bầu tháng cuối nên hạn chế vận động mạnh, không làm các công việc nặng nhọc hay quan hệ tình dục thô bạo.
Xử lý đúng cách khi sản phụ đẻ rơi
Đẻ rơi là tình trạng sản phụ sinh con đột ngột và nhanh chóng khi không ở trong cơ sở y tế, hoặc không có sự chuẩn bị trước. Khi đó, thai nhi đã chui ra khỏi bụng mẹ nên việc đỡ đẻ không cần tiến hành mà quan trọng nhất là phải sơ cứu cho sản phụ và em bé nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Đặc biệt nếu người mẹ đẻ rơi em bé trong tình trạng bé vẫn nằm nguyên trong túi nước ối, dân gian còn gọi là “đẻ rơi cả bọc” việc đầu tiên cần làm là xé ngay túi nước ối, tránh để em bé bị ngạt thở hoặc sặc ối sẽ rất nguy hiểm.
Khi em bé đã ra khỏi bụng mẹ phải nhanh chóng giải thoát bé khởi quần hoặc váy, áo của người mẹ. Nhẹ nhàng bế em bé trên tay, dùng khăn hoặc vải khô ráo quần cho trẻ. Sau đó nhanh chóng tìm cách lau sạch nhớt trên người em bé, đặc biệt là ở mặt, miệng và mũi để thông đường hô hấp.
Nếu em bé khóc cho bú mẹ ngay lập tức, đặt bé nằm trên ngực mẹ để bú. Trong lúc đó xử lý dây rốn của trẻ. Tuyệt đối không dùng bất cứ vật dụng gì có sẵn chưa được khử trùng để cắt dây rốn. Hãy dùng một sợi dây bất kỳ buộc thắt ở dây rốn, càng xa chân rốn (ở bụng trẻ) càng tốt. Ủ ấm cho cả mẹ và con rồi nhanh chóng chuyển tới cơ sở y tế gần nhất. Các bác sĩ có chuyên môn sẽ cắt và làm lại dây rốn cho em bé.