Tác dụng của việc cho trẻ ngủ riêng
Theo kết quả điều tra gần đây, tỉ lệ trẻ em phương Tây ngủ chung với bố mẹ là khoảng 6%, trẻ em Nhật Bản là 26% và trẻ em Việt Nam chiếm con số lớn hơn rất nhiều. Thậm chí, có những gia đình còn để trẻ ngủ chung với cha mẹ cho đến tận khi đã đi học tiểu học. Sở dĩ như vậy là bởi nhiều cha mẹ không muốn con ngủ một mình, muốn con luôn bên cạnh để tiện quan sát và chăm sóc cho con. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, khi trẻ trên 3 tuổi, cha mẹ nên tách trẻ ngủ riêng.
Tác dụng của việc tách trẻ ngủ riêng. Ảnh: Internet. |
Thời điểm thích hợp để tập cho bé ngủ một mình
Thực tế cho thấy, rất nhiều trẻ sơ sinh khi ngủ chung với cha mẹ đã bị đột tử mà không rõ lí do và phần lớn các ca này đều được cho là bị mẹ đè lên gây ngạt thở. Không những thế, việc trẻ ngủ chung với cha mẹ quá lâu còn có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý của trẻ.
Trẻ sơ sinh trong 3 tuần đầu đời nên được ngủ chung với mẹ để có được sự chăm sóc kịp thời và toàn diện nhất. Sau đó, nếu bé hoàn toàn khỏe mạnh, cha mẹ nên tập cho bé ngủ một mình bằng cách để bé nằm nôi khi bé được 4-6 tuần tuổi. Tuy nhiên, khi tập cho bé nằm nôi, bạn cũng cần đảm bảo rằng vị trí nôi an toàn và vẫn trong tầm kiểm soát của mình.
Thời điểm thích hợp để tập cho bé ngủ một mình là khi bé được 3 tuổi. Ảnh: Internet. |
Mấy tuổi thì cho bé ngủ riêng là câu hỏi mà rất nhiều phụ huynh đặt ra. Thời điểm thích hợp nhất để tách trẻ ngủ riêng là khi trẻ được khoảng 3 tuổi. Lúc này, bé đã có khả năng nhận biết về nhiều thứ và có thể tự ngủ một mình mà không cần đến sự giám sát quá chặt chẽ từ người lớn. Cha mẹ nên tách trẻ ngủ riêng để cả 2 đều có giấc ngủ ngon và sâu hơn, trẻ cũng có cơ hội được rèn luyện tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ, lớn lên sẽ không cần phụ thuộc hay dựa dẫm vào người lớn nữa. Bên cạnh đó, việc tách trẻ ngủ riêng cũng giúp cha mẹ có đời sống riêng, góp phần làm tăng hạnh phúc gia đình.
Lưu ý khi tách trẻ ngủ riêng
Trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ em Á Đông thường có thói quen quấn cha mẹ, vì vậy, để tách trẻ ngủ riêng là điều khá khó khăn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên lo lắng quá nhiều mà tạo áp lực lên con khiến chúng hoảng sợ, hãy kiên nhẫn với con để con có thể dần dần làm quen với việc ngủ một mình.
Khi tập cho bé ngủ một mình, mẹ cũng cần lưu ý lựa chọn những loại chăn, đệm có chất liệu mềm mại và thoáng khí để đảm bảo con không bị nghẹt thở khi bị chăn đệm đè lên. Bên cạnh đó, những tấm chắn quanh giường cũng là thiết bị cần thiết để đề phòng việc trẻ ngã xuống đất khi ngủ say. Cha mẹ cũng đừng quên kiểm tra giấc ngủ của con vào ban đêm, xem con có ngủ ngon không, có bị chăn đè lên không,...
Việc để con lựa chọn màu sơn và trang trí phòng ngủ theo ý thích giúp con gần gũi với cha mẹ hơn, đồng thời thêm yêu căn phòng của mình, trẻ sẽ hứng thú với việc ngủ riêng hơn. Đặc biệt, cha mẹ không nên vì mong muốn trẻ ngủ riêng mà cho con sử dụng các thiết bị điện tử. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Nếu trẻ có xu hướng sợ bóng tối, cha mẹ có thể trang bị thêm một chiếc đèn ngủ có ánh sáng nhẹ nhàng, giúp con ngủ ngon hơn.
Để trẻ tự thiết kế phòng ngủ cho riêng mình. Ảnh: Internet. |
Khi tách trẻ ngủ riêng, cha mẹ cần ra khỏi phòng khi con đã ngủ thiếp đi để tạo cho con tâm lý không phụ thuộc vào người lớn nữa. Nếu con chưa quen và đòi ngủ chung lại, cha mẹ cần giải thích dứt khoát cho con hiểu và tuyệt đối không được mủi lòng, nếu không, việc tách trẻ ra ngủ riêng sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Cha mẹ cũng có thể mua cho con một chiếc gối ôm hay một chú gấu bông để con có cảm giác có người đồng hành, có bạn chơi cùng và ngủ cùng. Cha mẹ cũng đừng quên khen ngợi và động viên con kịp thời khi chúng làm tốt.
Những trường hợp không nên tách trẻ ngủ riêng
Một số trẻ sinh ra đã có thể trạng yếu ớt, mắc một số bệnh nguy hiểm,... Những trường hợp này cần nhận được sự chăm sóc toàn diện từ cha mẹ, do đó, không thể tách con ra ngủ riêng quá sớm. Muốn tập cho bé ngủ một mình, điều đầu tiên là cha mẹ cần xem xét tình hình sức khỏe của con.
Ngoài ra, một số gia đình vì nhiều lí do khác nhau mà chưa đảm bảo được cho trẻ một không gian ngủ an toàn và thoải mái. Như vậy, cha mẹ cũng chưa nên để con ngủ một mình, tránh xảy ra những việc không mong muốn.
Những trường hợp không nên tách trẻ ngủ riêng. Ảnh: Internet. |
Xem thêm:
Những ngày hè, hay để con được thoái mái có tuổi thơ đúng nghĩa
Không chỉ dành tình yêu cho con, cha mẹ cần làm gì để con được hạnh phúc nhất?
Theo sohuutritue.net.vn