Sumo xuất hiện ở Nhật Bản khoảng 1500 năm trước và gắn liền với Thần Đạo (đạo Shinto). Trước đây, Sumo là một giải đấu để mua vui cho các lãnh chúa thời xưa nhưng đến nay đã trở thành môn thể thao chuyên nghiệp và có truyền thống văn hoá linh thiêng tại đất nước phù tang.
Võ đài trong các trận đấu Sumo là một nền đất vuông cao với vòng rơm bện rộng 4,55 mét được chôn một nửa dưới đất. Mỗi sàn đấu đều có mái che mô phỏng theo kiến trúc của mái đền Thần Đạo. Truyền thống này cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng Thần Đạo trong Sumo. Trước khi trận đấu được diễn ra, nghi lễ rắc muối sẽ được thực hiện để xua đuổi ma quỷ hay còn gọi là lễ tẩy uế.
Gần đây trong một giải đấu Sumo, thị trưởng thành phố Maizuru, ông Ryozo Tatami đã bị đột quỵ khi đang đứng trên sàn đấu phát biểu. Trong lúc hỗn loạn, một số phụ nữ đã chạy vào để thực hiện sơ cứu cho ông, tuy nhiên những người này đã bị xua đuổi ra khỏi vòng tròn vì người ta cho rằng phụ nữ không được bước vào nơi linh thiêng này.
Vòng tròn rơm bện trong võ đài Sumo được coi là rất thiêng liêng, còn phụ nữ theo truyền thống bị xem là “ô uế”, họ bị cấm tuyệt đối không được bước vào vòng tròn. Thậm chí sau đó nhiều khán giả và ban tổ chức đã ném muối lên võ đài để tẩy uế.
Ngay sau đó, tại Nhật Bản đã có nhiều cuộc tranh luận về vấn đề này, họ cho rằng dù đó là chốn linh thiêng, nhưng việc đối xử với phụ nữ đang cố cứu sống người khác như thế là rất quá đáng.
Đoạn video ghi lại tình trạng hỗn loạn khi ngài Thị trưởng đột quỵ và sự thô lỗ khi họ xua đuổi những phụ nữ đang cố cứu sống ông.
Người đứng đầu hiệp hội Sumo Nhật Bản sau đó xin lỗi những phụ nữ này.
Nobuyoshi Hakkaku, trưởng hiệp hội Sumo nói trong một tuyên bố: “Thông báo [rời khỏi sàn đấu] đã được thực hiện bởi một trọng tài trong lúc bối rối, nhưng đây là một hành động không phù hợp trong tình huống liên quan đến mạng sống con người”.
“Chúng tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc”.
Một người sử dụng Twitter tại Nhật đã đăng trạng thái: “Thật thô lỗ khi họ đã ném muối để làm sạch vòng tròn sau khi phụ nữ bước vào”
“Đây là sự đền đáp khi ai đó đang cố gắng cứu sống một mạng người? Tôi nghĩ chúng ta nên rắc muối lên Hiệp hội Sumo”, một người khác viết.
Một số phương tiện truyền thông cũng lên án hành động rắc muối, ngụ ý phụ nữ là “dơ bẩn” và họ đang đối xử bất công với phụ nữ. Tuy Hiệp hội Sumo đã xin lỗi nhưng làn sóng bức xúc vẫn tồn tại trên các mạng xã hội Nhật Bản.
Ông Tatami đã được đưa đến bệnh viện và đang trong tình trạng ổn định.
Đây không phải là lần đầu tiên phụ nữ bước lên sàn đấu Sumo và gây ra tranh cãi.
Bạn nghĩ sao về văn hoá “trọng nam khinh nữ” vẫn ngấm ngầm tồn tại ở nhiều nước phương Đông?
Theo BBC