Lúc 23 giờ 3 phút ngày 29-11, chuyến bay VJ356 của hãng Vietjet khởi hành từ TP HCM đi Buôn Ma Thuột hạ cánh vào lúc 23 giờ 5 phút tối 29-11 đã gặp trục trặc, sự cố kỹ thuật. Cụ thể, hai bánh trước của máy bay đã bị gãy trong quá trình hạ cánh và đến nay vẫn đang tìm kiếm hai bánh này. Sau khi hạ cánh bằng càng tóe lửa, chiếc máy bay đã dừng lại trên đường cất hạ cánh tại sân bay Buôn Ma Thuột.
Máy bay Viet jet gặp sự cố |
May mắn, sau sự cố, toàn bộ 207 hành khách đã thoát hiểm an toàn. Tuy nhiên, vẫn có có 6 hành khách bị chấn thương đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để kiểm tra sức khỏe, hiện 4 hành khách đã được xuất viện với tình trạng sức khoẻ bình thường.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều thông tin và hình ảnh về chuyến bay “bão táp” này, trong đó có đoạn clip quay lại cảnh hỗn loạn trong khoang hành khách với âm thanh la hét, giục giã của các hành khách bỏ lại hành lý nhanh chóng rời khỏi máy bay.
Nhiều người Việt Nam khi đi máy bay vẫn rất chủ quan, không trang bị kiến thức khi gặp sự cố. Trừ những sự cố bất khả kháng, còn lại trong nhiều tình huống nếu biết cách xử lý kịp thời, đúng cách, những kiến thức sẽ giúp chúng ta an toàn sau sự cố.
Anh Vinh Vũ (quận 3, TP HCM) cho biết do công việc liên quan giáo dục nên chuyện đi máy bay diễn ra như cơm bữa. Tuy nhiên, anh vẫn nghĩ những sự cố hàng không ở đâu đó nước bạn, hoặc chuyện của người ta chứ không phải mình.
“Khi xem đoạn clip hành khách hoảng loạn, tôi rất sợ hãi và tưởng tượng nếu mình ở trong trường hợp như vậy sẽ xử lý thế nào, hay cũng hốt hoảng la ó như bao người khác. Vậy mới biết kiến thức xử lý khi đi máy bay của mình còn rất yếu kém”, anh Vũ nói.
Dưới đây là những mẹo giúp bạn an toàn hơn khi đi máy bay:
1.Trong các sân bay hoặc các chuyến bay đông đúc, cố gắng tìm một người bạn trong hàng hoặc ngồi cạnh bạn nếu đi một mình, có thể hữu ích vì bạn có thể trông túi, hành lý giúp họ và người đó có thể quan sát giùm bạn.
2. Khi mang hành lý xách tay qua cửa an ninh, hãy đặt máy tính xách tay vào lô hàng cuối cùng để nó đi ra sau các hành lý khác để khỏi mất.
3. Đặt hành lý vào ngăn chứa hành lý ngay trên đầu chỗ ngồi của bạn để nếu có ai mở hành lý trong suốt chuyến bay, bạn có thể biết ngay.
4. Ăn mặc thoải mái và an toàn, tốt nhất là bận đồ từ các sợi tự nhiên (cotton, denim, da, len), ít hấp thụ nhiệt, lửa.
5. Chỗ ngồi an toàn nhất là trên lối ra ở đằng sau của máy bay - thường ít bị tác động và xa nơi đựng nhiên liệu khi cháy nổ.
|
6. Thời gian cần đặc biệt tập trung chú ý là khi máy bay cất cánh và hạ cánh vì đây là giai đoạn dễ bị tai nạn nhất của chuyến bay. Trong tâm trí bạn luôn có một kế hoạch sơ tán và ghi nhớ từ chỗ mình đến cửa thoát hiểm phải qua mấy hàng. Tốt nhất, hãy chọn máy bay lớn bất cứ khi nào có cơ hội, vì chúng cung cấp cơ hội sống còn của hành khách tốt hơn máy bay nhỏ. Máy bay với hơn 30 chỗ ngồi hành khách được thiết kế và chứng nhận theo các quy định nghiêm ngặt nhất.
7. Luôn mang theo đèn pin nhỏ để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp khi không có nguồn sáng khác. Làm theo hướng dẫn từ phi hành đoàn bay và ra khỏi máy bay càng nhanh càng tốt.
8. Hãy chắc rằng bạn biết vị trí cất áo phao và các thiết bị nổi trên nước, cách sử dụng. Thực hiện đúng các yêu cầu thắt dây an toàn của tiếp viên.
9. Mang hộ chiếu của bạn ngay cả trên các chuyến bay nội địa. Trong một cuộc khủng hoảng, các chuyến bay nội địa cũng có thể chuyển hướng đến các sân bay nước ngoài và có hộ chiếu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi qua biên giới.
10. Đừng uống quá nhiều rượu, chất chứa caffeine vì có men trong người sẽ khiến bạn càng mệt khi lên cao.