Tuyệt chiêu giúp mẹ xử trí khi con hay khóc "ăn vạ"

(lamchame.vn) - Chắc hẳn nhiều cha mẹ đang rất đau đầu và bất lực bởi con mình có thói quen xấu là hay quấy khóc ăn vạ khi không có được thứ mình muốn. Sau đây là những cách ứng xử khôn khéo dành cho những phụ huynh có con hay mè nheo, khóc ăn vạ.

Những lý do sẽ khiến trẻ khóc ăn vạ
Trạng thái hành vi này được các chuyên gia tại ĐH Connecticut, Mỹ định nghĩa đơn giản với 1 câu nói: “Con không biết nói hoặc nói đầy đủ ý, nhưng ý con là muốn được ngay điều con muốn”. Theo GS. James A Green, đây là một hành vi hoàn toàn bình thường vì trẻ có 2 cái khó:
* Khó thứ 1: Trẻ không có đủ ngôn ngữ để diễn đạt ý kiến hoặc suy nghĩ.
* Khó thứ 2: Trẻ chưa đủ nhận thức để nhận ra hành vi này là chưa đúng tại thời điểm xảy ra.

- Tính cách: Có những bé tính cách mềm mỏng, có bé mạnh mẽ, bé lại "miễn dịch" trước mọi sự, nhưng cũng có bé hay giận dỗi. Tất cả những nét tính cách này đều ảnh hưởng tới cách các bé phản ứng trước sự việc. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là cha mẹ không thể hạn chế cơn ăn vạ vô lối của con.
- Trẻ bị đói, mệt, buồn ngủ, căng thẳng hoặc bị kích động quá mức. Trường hợp này các bé rất dễ lăn ra ăn vạ, đơn giản vì không còn đủ bình tĩnh để diễn đạt ý muốn của mình.
- Các bé không tự xử lý được, ví dụ bị bạn khác lấy mất đồ chơi yêu thích.
- Cảm xúc mạnh mẽ như lo lắng, sợ hãi, xấu hổ và tức giận có thể quá sức chịu đựng đối với trẻ.

Không phải đứa trẻ nào cũng biết cách diễn đạt được cơn giận giữ của mình thành lời cho cha mẹ hiểu. (Ảnh minh họa)

Cách hạn chế cơn khóc ăn vạ của trẻ

Cách tốt nhất để hạn chế trẻ khóc ăn vạ là bố mẹ đọc các tín hiệu, hiểu rõ biểu hiện của con để đoán trước những tình huống có thể khiến con bùng nổ. Ví dụ lúc con mệt, buồn ngủ, đói thì rất dễ ăn vạ và khó dỗ. Hoặc như trước các tình huống có thể khiến con có cảm xúc mạnh, ví dụ sắp tiêm chủng, bố mẹ cần chuẩn bị trước để con sẵn sàng đón nhận.

Phụ huynh nên ghi nhớ mấy điều sau:

- Giảm căng thẳng cho con, không để con bị quá đói, quá mệt, quá buồn ngủ...

- Hiểu cảm xúc của con và giúp con hiểu về cảm xúc. Hãy khuyến khích con gọi tên cảm xúc. Ví dụ bạn hãy đặt câu hỏi: "Có phải con ném hộp bút đi vì con cảm thấy tức giận khi không mở được đúng không? Con có thể làm gì khác nào?".

- Xác định những yếu tố có thể dẫn đến cơn tức giận. Ví dụ, các bé có thể lèo nhèo khi theo mẹ đi chợ. Để giảm thiểu, bạn có thể chọn đi chợ sau khi con vừa ngủ dậy hoặc vừa ăn bữa xế.

Cách giúp mẹ có thể ứng phó mỗi khi bé xuất chiêu ăn vạ

- Phớt lờ hành động ăn vạ của bé
Ví dụ, mẹ dặn bé ngồi chơi để nấu cơm, nhưng bé mè nheo đòi chơi điện thoại. Đầu tiên người mẹ không đồng ý, nói rằng trẻ con không nên chơi điện thoại, nhưng bé tiếp tục mè nheo và khóc càng to. Trường hợp này, người mẹ thường phản ứng (sai) theo hai cách: (1) Quát con, thậm chí đánh con, khiến con khóc càng to hơn; (2) Người mẹ đầu hàng, đưa điện thoại để con nín khóc và để yên cho mình nấu cơm. Điều này khiến trẻ hiểu rằng khi mẹ bận làm gì mình có thể đòi chơi điện thoại của mẹ và nếu mình khóc, mẹ sẽ đáp ứng đòi hỏi. Kết quả là càng ngày cơn mè nheo của con càng thường xuyên hơn và mức độ càng gay gắt hơn.
 

Phớt lờ hành động ăn vạ của bé (Ảnh minh họa)

Nói chung, phản ứng thông thường của bạn là phải nhanh chóng giải quyết, giúp đỡ để con nín ngay. Nhưng nếu không phải con đang gặp nguy hiểm, con đang bị đau, con chỉ đang khóc lóc vì có việc gì đó không như ý thì bạn cần bình tĩnh nói chuyện. Ngay lúc này, bố mẹ nên hít thở sâu, nếu cần thiết thì tự đếm từ 1 đến 10 để không phản ứng tức thì với trẻ, hoặc thậm chí tránh mặt sang phòng khác một lúc.


Khi mẹ thực hiện hành động này có thể sẽ khiến bé thất vọng mà ăn vạ dữ dội hơn để thu hút sự chú ý của mẹ, nhưng nếu mẹ tiếp tục lờ hành động đó đi bé sẽ tự nhận thấy ăn vạ cũng không có tác dụng. Vì vậy, khi bé ăn vạ mẹ nên lờ bé đi, đảm bảo những lần sau bé sẽ không thực hiện những chiêu ăn vạ vô tác dụng đó nữa.

- Giúp con gọi tên cảm xúc
Phớt lờ lúc bé ăn vạ không có nghĩa là sẽ bỏ qua luôn chuyện này. Sau khi bé bình tĩnh, các mẹ nên ôm bé vào lòng và bắt đầu nói về chuyện vừa xảy ra. Bạn có thể nói với con rằng bạn hoàn toàn hiểu được cảm giác khi ấy của bé, và giúp bé diễn đạt những cảm xúc khó chịu thành lời. Đôi khi các bé cáu giận đơn giản vì mệt, đói, lúc này bố mẹ không nên sử dụng hình phạt nghiêm khắc (như là phạt ngồi góc) mà nên an ủi, vỗ về, giúp bé thư giãn. Đây là cơ hội để bố mẹ dạy cho bé biết khi mệt, con cảm thấy thế nào và con nên làm gì thay vì cáu giận với người khác.

- Cho bé thấy khóc ăn vạ là hành động sai
Mẹ có thể cho bé thấy hành động ăn vạ của bé là sai nếu bé bắt đầu ăn vạ dữ dội hơn. Mẹ có thể áp dụng các hình thức phạt cho bé như úp mặt vào tường hay bảo bé khoanh tay xin lỗi với thái độ dứt khoát.

-Trị con ăn vạ, mẹ phải sắt đá
Khi đòi hỏi mà không được đáp ứng, bé sẽ phản ứng gay gắt và cư xử khó ưa hơn. Nhưng cha mẹ đừng vì thế mà nhượng bộ, hãy chuẩn bị tâm lý cho những giọt nước mắt hay tiếng la hét đau đầu cả tiếng đồng hồ. Bản thân cha mẹ cũng không nên bực tức, la hét với con. Như vậy, bạn đã vô tình xây dựng hình tượng xấu mà con rất dễ noi theo.
 

(Ảnh minh họa)

- Không để người khác xen vào

Nếu mẹ đang cương quyết với trẻ nhưng có những người xung quanh xúm vào dỗ dành, như vậy không những không khắc phục được thói quen ăn vạ của trẻ mà càng làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Cần thống nhất quan điểm nuôi dạy con với các thành viên trong nhà, khi trẻ ứng xử không tốt, mọi người không nên bênh vực sẽ khiến việc dạy dỗ càng khó khăn hơn.

Cơn cáu giận nào rồi cũng sẽ qua đi, nhưng sẽ để lại những bài học lớn cho trẻ về hành vi và cảm xúc. Không có đứa trẻ nào hư, chỉ có những đứa trẻ chưa có điều kiện để hiểu về cảm xúc và biết cách kiểm soát cảm xúc của mình mà thôi.

Link bài gốc

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU