Vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ: Lạc lối do thiếu giáo dục gia đình

(lamchame.vn) - Gia đình, cha mẹ được xem như trường học và thầy, cô giáo đầu tiên, không thể thiếu trong hành trình phát triển của bất cứ ai. Thiếu giáo dục gia đình sẽ để lại những hệ lụy, thiệt thòi, thậm chí phát triển chệch hướng ở trẻ.

Học bài cùng con tạo gắn kết yêu thương. Ảnh Internet

Trẻ mong gì ở cha mẹ

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh bày tỏ quan điểm: Để một đứa trẻ phát triển toàn diện cần tới giáo dục gia đình ngay từ khi chúng còn đang nằm trong bụng mẹ. Có sự giáo dục sớm từ cha mẹ qua nhiều phương pháp khác nhau sẽ giúp trẻ dần phát triển thể chất, não bộ.

Khoa học cũng chứng minh trẻ có được giáo dục gia đình càng sớm (ở những năm đầu đời) giúp cho tiềm năng, năng lực trong tương lai được phát triển toàn diện. Đặc biệt, trẻ sẽ phát triển tốt về ngôn ngữ, tình cảm xã hội, tư duy logic, nghệ thuật, vận động…

Giáo dục trong gia đình không chỉ là việc lo cho trẻ ăn, ngủ mà phải dạy trẻ biết cách ăn, ngủ thế nào đúng cách, biết thực hiện những yêu cầu của người khác… Từ đó, trẻ không chỉ phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ và các năng lực khác cũng dần hoàn thiện trong tương lai.

Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục gia đình của bản thân, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho biết, giáo dục bằng nhiều phương pháp nhưng không bao giờ “đao to búa lớn” trong lời nói, thái độ, hoặc tác động tới thể chất con, cháu. Ông thường dùng những lời khuyên răn, lấy câu ca dao tục ngữ để dạy bảo, thậm chí giáo dục bằng những tấm gương của cha ông, người thân, bằng truyền thống gia đình. “Khi chứng kiến và tiếp nhận phương pháp giáo dục phù hợp, khoa học… thế hệ con, cháu đã không ngừng noi theo, học tập. Đến nay, con cháu nội, ngoại đã trưởng thành và thành công nhờ học tập, tu dưỡng, rèn luyện và góp phần không nhỏ là hiệu quả từ giáo dục gia đình”, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh bộc bạch.

TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh chia sẻ: Mức độ phồn vinh của một quốc gia bắt nguồn từ sự giáo dưỡng mỗi công dân và ngôi nhà cũng là ngôi trường đầu đời của mỗi đứa trẻ. Các dân tộc phát triển trên thế giới đều ghi nhận việc giáo dục trong gia đình chính là chìa khóa quan trọng để phát triển quốc gia.

Để giáo dục gia đình phát huy vai trò, hiệu quả thì trước hết người lớn trong gia đình phải trở thành tấm gương để con cái học hỏi noi theo từ nền nếp sinh hoạt, lời ăn tiếng nói đều chuẩn mực cho thế hệ trẻ tiếp nối.

TS Vũ Việt Anh đưa ra một vài gợi ý cho cha mẹ để việc giáo dục gia đình đạt hiệu quả: Con cái không muốn cha mẹ cãi nhau trước mặt chúng và muốn được cha mẹ đối xử công bằng với mọi thành viên khác. Cha mẹ là những người lương thiện, thành thật. Cha mẹ cũng cần bao dung, rộng lượng, niềm nở gần gũi, gắn kết với con và các bạn. Cha mẹ biết lắng nghe và giải đáp thắc mắc của con. Cha mẹ nên nhất quán và kiên định; có thể phạt trẻ khi cần nhưng tránh kỷ luật con trước mặt người ngoài; Tôn trọng nhưng không bỏ mặc hoặc áp đặt…

TS Vũ Việt Anh cho rằng, trong xã hội đầy biến động, cuộc sống ngày càng gấp gáp hơn, vì vậy, việc dành thời gian cho giáo dục gia đình cũng ít đi. Các thiết bị công nghệ hiện đại là rào cản lớn ngăn cách giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình với nhau; người ở chung một nhà cũng trở nên xa cách. Không có sự trò chuyện, khuyên bảo giữa bố mẹ và con cái đồng nghĩa sự chia sẻ, thấu hiểu đang ít đi rất nhiều và có thể dẫn đến mâu thuẫn, nghi ngờ, bất hòa, thiếu tin tưởng…

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU