Bà bầu ở tháng thứ 6 có nên đi du lịch không?

(lamchame.vn) - Rất nhiều bà bầu vẫn rất thích du lịch đó đây dù đang phải vất vả với việc mang em bé trong bụng. Vấn đề đặt ra là, liệu bà bầu 6 tháng có nên đi du lịch không? Làm sao để đi du lịch mà đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Bà bầu 6 tháng có nên đi du lịch không?

- 3 tháng đầu thai kỳ: Lúc này mẹ bầu bụng vẫn còn nhỏ, vận động dễ dàng nhưng lại hay bị nghén, nôn ói, mệt mỏi... Ngoài ra 3 tháng đầu tiên, thai nhi dễ bị động và tổn thương. Vì thế, đây là thời điểm chị em nên… ở nhà.

- 3 tháng cuối: Giờ bụng các mẹ to lên trông thấy, người nặng nề, mệt mỏi, thậm chí còn bị phù nề. Khó khăn trong việc di chuyển, vận động và nguy cơ đau đẻ khi đi xa nên đây không phải thời kỳ thích hợp cho chuyến đi xa các mẹ nhé.

- 3 tháng giữa: Theo các chuyên gia, từ tháng thứ 4 trở đến tháng thứ 6 mẹ bầu có thể tham gia vào các hoạt động du lịch để thỏa mãn đam mê. Khi bụng chị em chưa to lắm, vận động còn nhanh nhẹn, cơ thể cũng dần ổn định, giảm tình trạng nghén ngẩm. Đây sẽ là khoảng thời gian lý tưởng cho các chuyến đi "du hí". Vậy nên bà bầu tháng thứ 6 vẫn có thể đi du lịch nghỉ dưỡng, nếu sức khỏe ổn định.

 

Đồng thời khi mang bầu các mẹ nên chọn các địa điểm du lịch lành mạnh, với chế độ nghỉ dưỡng đa dạng. Không nên đi tới các vùng núi cao, rừng núi hay sông nước. Nơi có nguy cơ nhiễm dịch sốt rét, sốt xuất huyết, và cơ sở vật chất không đảm bảo.

Tuy nhiên đối với những bà bầu có một số biến chứng khi mang thai, bao gồm tiền sản giật, vỡ ối sớm và chuyển dạ sinh non thì không nên đi du lịch xa. Đi du lịch cũng không phải là một ý hay nếu thai phụ đang mang đa thai.

Mẹ bầu cần chuẩn bị gì cho chuyến đi?

Để bảo đảm cho cả mẹ và con khỏe mạnh, an toàn, bên cần lên kế hoạc cho chuyến đi: đi đâu, ăn gì, khi nào… Hãy viết ra những thứ cần thiết, lập kế hoạch trước khiến cho mọi việc không quá dồn dập vào phút cuối cùng.

Phải tìm hiểu trước trung tâm y tế, bệnh viện, nhà thuốc nào ở gần khu bạn đến. Nếu đang phải uống thuốc gì thì mang tất cả theo cùng với hồ sơ bệnh án khám thai và để vào một chỗ trong vali phòng trường hợp cần thì có ngay và luôn.

Ngoài ra, chị em cũng nên tận dụng các nguồn lực khác từ bên ngoài như ông xã, bạn bè, người thân để giúp đóng gói, sắp xếp đồ đạc. Khi biết nhờ hỗ trợ đúng lúc là các mẹ đã bớt mệt mỏi hơn nhiều rồi.

Tâm lý trước khi “xuất hành” cũng khá quan trọng. Tâm lý thoải mái, thư giãn trước khi đi, không nên quá lo sợ đi sẽ có chuyện này chuyện kia. Nếu có một tâm lý tốt sẽ giúp các mẹ bình thản hơn thay vì khó chịu và mệt mỏi, ảnh hưởng đến bé con trong bụng và không khí chung của cả nhà.

Để tránh rơi vào trường hợp nguy hiểm, các mẹ bầu khi đi du lịch xa cần lưu ý những vấn đề dưới đây:

- Khám sức khỏe toàn diện, xin ý kiến bác sĩ trước khi đi.

- Cho dù theo các bác sĩ, bà bầu có thể đi du lịch ở tháng thứ 6 thai kỳ, nhưng nhiều hãng hàng không vẫn đòi hỏi bạn phải có giấy phép của bác sĩ trước khi lên máy bay. Bạn nên hỏi kĩ vấn đề này khi đặt vé để chuẩn bị giấy tờ đầy đủ.

- Chuyến bay của mẹ cũng không nên kéo dài quá 6 tiếng vì ngồi trên máy bay quá lâu rất dễ dẫn đến hiện tượng sinh non, tăng huyết áp và những cục máu đông trong các tĩnh mạch ở chân.

- Đem theo các loại thuốc bạn được kê đơn sẵn, vitamin tiền sản và cả các biện pháp khắc phục hậu quả khi dùng thuốc không kê đơn, nhất là nếu nơi bạn đến những loại thuốc này không có sẵn. Nên giữ từng loại thuốc nguyên trong hộp để dễ hơn khi tìm kiếm trong túi và sử dụng chúng mà không cần nhìn đơn thuốc.

- Bà bầu không nên xách, mang, vác hành lý quá nặng trong chuyến đi. Nên nhờ người khác giúp nếu phải mang hành lý.

- Tuyệt đối tránh các hoạt động leo núi, tắm nắng, lặn, bơi lội quá sức hay các hành vi nguy hiểm khác trong quá trình du lịch…

Những trường hợp cần gọi cấp cứu ngay khi bà bầu đi du lịch

Khi bà bầu đi du lịch ở tháng thứ 6 mà xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào sau đây cần được đưa đến bệnh viện hoặc gọi dịch vụ y tế khẩn cấp ngay lập tức:

- Chảy máu âm đạo

- Đau vùng chậu, đau bụng hoặc xuất hiện các cơn co thắt

- Vỡ ối (túi nước ối bị vỡ)

- Các dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật (đau đầu liên tục không thuyên giảm, xuất hiện các đốm mờ trong tầm nhìn và một số thay đổi về thị lực, sưng phù ở mặt hoặc tay)

- Nôn ói hoặc tiêu chảy nặng

  • - Dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu.

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang