Báo động dịch tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh

(lamchame.vn) - Từ hơn 1 tháng nay, TPHCM trở thành ổ dịch khi cùng 1 lúc cả tay chân miệng - sởi và sốt xuất huyết cùng nhau hoành hành. Ngành Y tế ở đây được phen chao đảo, các bậc phụ huynh như ngồi trên bếp lửa.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thì  số bệnh nhân mắc tay chân miệng - sởi và sốt xuất huyết đều gia tăng tại TP HCM. Theo số liệu thống kê mới nhất của tuần 44, tính đến đầu tháng 11/2018, toàn thành phố có 17.863 ca sốt xuất huyết, 5.668 ca tay chân miệng và 403 ca sởi. Những địa phương có ca mắc nhiều là quận Thủ Đức, quận 7, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, quận 12, huyện Bình Chánh.

Hiện nay, bên cạnh việc khuyến cáo người dân đề phòng bệnh cho trẻ nhỏ, Sở Y tế TPHCM sẽ đẩy mạnh việc tiêm phòng sởi cho trẻ và quyết tâm dứt điểm trong tháng 11 để tránh sự phát triển, lây lan trong những tháng cuối năm. Ngành y tế sẽ tổ chức tiêm sởi tại trường học nếu trường đó có đông số trẻ chưa tiêm đủ các mũi.

Cùng 1 thời điểm TPHCM đang phải đối diện với cả dịch tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết

Có thể nói cả tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết đều là bệnh  nhiễm vi rút cấp tính, dễ lây truyền. Trong khi đó hiện đang là thời điểm giao mùa, sức đề kháng của trẻ giảm sút vì thế bệnh càng có nguy cơ lây lan mạnh. Các bậc phụ huynh không nên chủ quan khiến trẻ có nguy cơ lây nhiễm cao. Nên chủ động phòng chống 3 dịch này dù bạn đang ở ngay tâm của dịch bằng cách:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Tăng cường sức đề kháng của trẻ bằng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và đa dạng các loại vitamin và khoáng chất.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

 

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang