Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh không nên ồ ạt cho con đi xét nghiệm sán lợn

(lamchame.vn) - Mấy ngày nay hàng nghìn người dân ở Bắc Ninh đã vô cùng hoang mang và ồ ạt đưa con cái đến các bệnh viện ở Hà Nội để xét nghiệm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên bình tĩnh không cần phải ồ ạt cho con đi xét nghiệm sán lợn như hiện nay.

Liên quan đến vụ việc hơn 200 học sinh mầm non tại Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn nghi do thực phẩm cung cấp cho nhà trường không đảm bảo vệ sinh, trong buổi làm việc sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế điều động ngay bác sỹ, lực lượng chuyên môn, thiết bị về xét nghiệm nhiễm sán lợn cho các em học sinh tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an, UBND tỉnh Bắc Ninh xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc và sớm công khai kết quả.  

Ngày 18/3/2019,  tỉnh Bắc Ninh đã thành lập một số điểm lấy máu các học sinh mầm non huyện Thuận Thành để chuyển về các bệnh viện TW xét nghiệm… Theo đó, các chi phí của trẻ tại các trường mần non do công ty Hương Thành cung cấp thức ăn sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ….Đến chiều 18/3, tại cuộc họp giữa các cơ quan ban ngành, địa phương về vụ việc hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn, ông Nguyễn Nhân Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh - khẳng định tỷ lệ phần trăm nhiễm sán lợn của Bắc Ninh tương đương 55 tỉnh, không có gì bất thường.

Lo ngại con em mình bị nhiễm sán lợn các bậc phụ huynh ồ ạt cho con đi xét nghiệm

Ông Chiến cho hay đây không phải ngộ độc thực phẩm như “cháy nhà chết người ngay lập tức”. Các cháu đi khám vẫn khỏe mạnh bình thường. Vì thế, chúng ta yên tâm, không hoang mang. Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, không nên đổ tội cho cơ sở nào vì chưa có kết luận chính thức. Ban An toàn Thực phẩm, các cơ quan liên quan đang làm việc với thái độ trung thực, không bao che, để tìm ra nguyên nhân của vấn đề.

Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, thú y, người dân không nên lo lắng thái quá và cũng không cần phải cho con đi xét nghiệm sán lợn. Theo như bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi khẳng định: Việc làm xét nghiệm cho trẻ trong trường hợp này là không cần thiết, dù kết quả xét nghiệm có dương tính cũng là bình thường vì giun, sán có thể tự thải ra sau 1 thời gian lưu trú trong cơ thể con người. Còn Tiến sĩ Nguyễn Viết Không, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Thú y cũng cho rằng, giun, sán có mặt ở khắp nơi,  nhất là trong môi trường, trong đất, trong rau không sạch, trong phân, nước miếng của động vật. Hiện có 55 tỉnh ở nước ta đang lưu hành bệnh sán lợn.

Lý giải nguyên do vì sao thịt nấu chín vẫn có thể khiến hàng loạt trẻ vẫn nhiễm sán lợn? Các chuyên gia truyền nhiễm cho rằng, có thể là vì trong bếp ăn, thớt, dao dùng cho cả thịt chín lẫn thịt sống, từ đó xảy ra hiện tượng nhiễm chéo giữa thịt sống sang thịt chín. Khi ấy, người ăn ăn thịt sống chứ không phải thịt chín nữa và mắc bệnh.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân: Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, rau sống không đảm bảo vệ sinh. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh và không nuôi lợn thả rông. Nếu có sán trưởng thành trong ruột thì phải được điều trị theo phác đồ của Bộ y tế. Việc điều trì này chỉ trong thời gian ngắn là khỏi.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang