Cách hạn chế tăng cân hiệu quả đối với trẻ thừa cân, béo phì

(lamchame.vn) - Những năm gần đây, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em đang gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là trẻ ở khu vực thành thị. Điều này khiến bậc cha mẹ phải đau đầu tìm cách hạn chế tăng cân hoặc giảm cân cho con.

 Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, trên thế giới có khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5-19 tuổi bị béo phì, thừa cân. Nếu như năm 1996, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Hà Nội và TP HCM là 12%, thì sau 13 năm (năm 2009) tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP HCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.

Theo TS.BS Lâm Vĩnh Niên - trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM,  bên cạnh thói quen ăn uống bồi dưỡng quá mức thì các yếu tố như di truyền, chuyển hóa, môi trường xung quanh, thời gian ngủ, hoạt động thể lực cũng góp phần đáng kể gây nên tình trạng béo phì ở trẻ.

Tình trạng thừa cân, béo phì dẫn đến nhiều hậu quả trước mắt và lâu dài đối với sức khỏe thể chất, tình cảm, giao tiếp xã hội của trẻ. Trẻ bị thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất như hen, khó thở khi ngủ, các vấn đề xương khớp, đái tháo đường type 2, nguy cơ bệnh tim... cao hơn. Về dài hạn, trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ cao bị béo phì khi trở thành người lớn, đồng thời tăng nguy cơ bệnh tim, hội chứng chuyển hóa, ung thư. Bên cạnh các nguy cơ về sức khỏe, những trẻ có thân hình quá khổ dễ bị trêu chọc, để ý dẫn đến trầm cảm, kém tự tin.

Vậy, bố mẹ cần làm gì để giảm thiểu tình trạng tăng cân cho con một cách hiệu quả nhất?

Lập chế độ ăn uống hợp lý

Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, vì thế dù trẻ có bị thừa cân, béo phì thì cũng cần có chế độ ăn uống hợp lý đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cân đối giữa đạm, sinh tố, khoáng chất với ít béo để trẻ luôn khỏe mạnh, ít tăng cân nhưng vẫn phát triển trí não, chiều cao và khối cơ; Phối hợp nhiều nhóm thực phẩm (nhóm lương thực, đậu đỗ, sữa/chế phẩm của sữa, thịt các loại, trứng, rau xanh, các loại củ quả có màu vàng/đỏ và nhóm dầu mỡ). Nên cho trẻ ăn điều độ, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì quá đói trẻ sẽ ăn nhiều hơn bình thường trong bữa sau làm trẻ dễ tăng cân, nên chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn một lần quá no.

Trẻ thừa cân, béo phì cũng cần có chế độ ăn uống hợp lý (Ảnh minh họa)

Tránh cho trẻ ăn uống những thực phẩm chỉ chứa calori rỗng như các loại nước ngọt, trà sữa có đường, nước trái cây có đường, các loại bánh kẹo ngọt, thức ăn giàu béo như mayonnaise, gà rán, pa tê, xúc xích… là những thứ cao năng lượng nhưng nghèo chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin và chất khoáng làm trẻ khó tăng chiều cao nhưng rất dễ tăng cân. 

Cho trẻ ngủ đủ giấc

Tập cho trẻ thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc: cha mẹ nên tập cho trẻ ngủ trước 21 giờ. Số giờ ngủ trung bình mỗi ngày tùy từng lứa tuổi: số giờ ngủ trung bình mỗi ngày của trẻ sơ sinh, dưới 1 tuổi và từ 1-2 tuổi tương ứng là 14-17 giờ; 12-15 giờ và 11-14 giờ; Trẻ từ 3-5 tuổi là 10-13 giờ/ ngày; Trẻ từ 5-10 tuổi ngủ 10 giờ/ ngày; trên 10 tuổi ngủ đủ 9 giờ/ ngày.   

Tăng cường hoạt động thể lực

 Trẻ cần hoạt động trung bình 60 phút mỗi ngày. Bé dưới 2 tuổi không xem tivi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới hai giờ mỗi ngày hoặc dưới 14 giờ mỗi tuần. Tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ qua các hoạt động như trượt trên cầu trượt, bập bênh, đu quay. Trẻ lớn hơn tham gia trò chơi vận động và các hoạt động ngoài trời ở sân trường, công viên và các khu giải trí khác.

Trẻ cần hoạt động trung bình 60 phút mỗi ngày (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, bố mẹ cần theo dõi tốc độ tăng trưởng của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng tại gia đình và trường học đẻ phát hiện sớm thừa cân, béo phì để xử lý kịp thời.

Bố mẹ không nên làm mọi cách để giảm cân cho con

Bởi cơ thể trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên cha mẹ giảm cân tùy tiện cho con sẽ gây nên thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Nếu trẻ ăn thiếu đạm sẽ dẫn đến thiếu máu, giảm khả năng tạo kháng thể làm cho trẻ dễ bị bệnh nhiễm trùng, rối loạn phát triển tế bào khối cơ, thiếu đạm dẫn đến việc gắn kết calci đưa vào xương bị thiếu hụt làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Nếu cho trẻ kiêng béo quá mức làm thiếu hụt các chất béo có chứa axit linoleic, linolenic, DHA, hay một số chất rất cần thiết cho sự hoàn thiện tế bào não, thiếu trypthophan, cholin, vitamin A… sẽ ảnh hưởng đến sự hoàn thiện tế bào não của trẻ...

Thay vào đó, bố mẹ chỉ nên giúp trẻ giảm bớt tốc độ tăng cân hay giữ không tăng thêm cân mà vẫn tiếp tục tăng chiều cao tốt theo tuổi. Chỉ can thiệp giảm cân khi trẻ từ 2 tuổi trở lên thừa cân quá nhiều và có chỉ định của bác sĩ.

 

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang