Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa đưa ra cảnh báo dịch sởi đang bùng phát trở lại ở mức độ đáng báo động, đặc biệt tại 10 quốc gia, nơi bệnh sởi chiếm hơn 74 % tổng số ca nhiễm mới và tại một số quốc gia khác trước đó đã tuyên bố loại bỏ được căn bệnh này.
Sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em |
Trên toàn thế giới, 98 quốc gia đã báo cáo tăng số ca nhiễm sởi trong năm 2018 so với năm 2017, đẩy lùi những tiến bộ đã đạt được đối với căn bệnh này, một căn bệnh có thể phòng ngừa được nhưng cũng có khả năng gây tử vong.
Ukraine, Philippines và Brazil là 3 quốc gia tăng số ca nhiễm sởi cao nhất trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2018. Chỉ tính riêng ở Ukraine, năm 2018 đã có 35.120 ca mắc sởi. Theo Chính phủ nước này, 24.042 người nữa đã nhiễm sởi trong 2 tháng đầu năm 2019. Còn tại Philippines đã có 12.736 ca nhiễm sởi và 203 ca tử vong, so với 15.599 ca trong năm 2018.
Bà Henrietta H. Fore - Giám đốc điều hành UNICEF cho hay: “Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh. Chúng ta có vaccine an toàn, hiệu quả và ít tốn kém để chống lại căn bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao này - một loại vaccine có khả năng cứu sống tính mạng của gần một triệu người mỗi năm trong vòng 2 thập kỷ qua. Những ca nhiễm bệnh này không xảy ra ngay trong một sớm một chiều. Dịch sởi bùng phát ở nhiều nơi mà chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay đã bắt đầu từ năm 2018. Nếu không hành động ngay hôm nay thì chúng ta sẽ để lại tai họa cho trẻ em trong tương lai”.
Hai ca bị sởi nhập viện để theo dõi |
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Một người có thể nhiễm virus sởi trong vòng 2 giờ đồng hồ sau khi một người mắc bệnh sởi ra khỏi căn phòng. Virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ em quá nhỏ chưa thể tiêm vaccine. Một khi người bệnh đã bị nhiễm sởi, thế giới chưa có thuốc điều trị cụ thể nào cho bệnh này; do vậy, tiêm phòng vaccine là biện pháp để cứu mạng sống cho trẻ em. Để ứng phó với dịch sởi bùng phát, UNICEF và các đối tác đang hỗ trợ các chính phủ khẩn trương tiếp cận hàng triệu trẻ em ở các quốc gia trên toàn thế giới.
Riêng ở Việt Nam, năm 2018, Việt Nam có 1.177 ca nhiễm sởi, cao hơn gấp đôi so với năm 2017. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay đã có 43/63 tỉnh, thành phố trong cả nước ghi nhận các trường hợp mắc sởi. Chỉ 2 tháng đầu năm 2019, toàn quốc ghi nhận gần 500 trường hợp dương tính với virus sởi trong tổng số hơn 5.246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Phần lớn các ca nhiễm sởi liên quan đến việc trẻ em chưa được tiêm vaccine đầy đủ do cha mẹ quyết định trì hoãn việc tiêm vắc xin cho con mình. Cuối năm 2018, Bộ Y tế đã tiến hành tiêm bổ sung vaccine sởi-rubella cho 4,2 triệu trẻ em từ 1 đến 5 tuổi tại 57 tỉnh thành trên cả nước. UNICEF đã kêu gọi các bậc cha mẹ hãy nỗ lực hơn nữa, tư vấn với các nhân viên y tế nhằm đảm bảo con em mình được tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo đúng lịch, giúp phòng bệnh cho trẻ em.
Tiêm vaccine là cách phòng chống sởi hữu hiệu nhất |
Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau: - Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi. - Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. - Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh. - Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. - Người lớn chưa tiêm vaccine sởi cần chủ động đi tiêm vaccine sởi (vaccine sởi, MR, MMR) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi. |
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.