Con khóc thét mỗi khi gặp ông bà dịp Tết, bố mẹ phải làm gì?

(lamchame.vn) - Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy khó xử khi hễ ông bà đụng vào là cháu khóc thét sợ hãi khiến kỳ nghỉ Tết mất vui. Thậm chí, có chị em còn bị cha mẹ chồng trách móc vì không biết dạy con, dẫn đến chuyện cháu phản ứng gay gắt với ông bà.

Nhiều trẻ không thích ông bà vì râu, kính hay giọng nói lớn

Cha mẹ nào cũng muốn có sự gắn kết giữa con cái với ông bà, đặc biệt với những gia đình sống xa quê. Mỗi năm về quê ăn Tết một lần, ông bà luôn muốn tranh thủ những ngày lễ ngắn ngủi để bồng ẵm đứa cháu xa cách hàng trăm cây số một cách thân thiết, vui vẻ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy khó xử khi hễ ông bà đụng vào là cháu khóc thét sợ hãi khiến kỷ nghỉ mất vui. Thậm chí, có nàng dâu còn còn bị cha mẹ chồng trách móc vì không biết dạy con, dẫn đến chuyện cháu phản ứng gay gắt với ông bà.

Trẻ biết lạ là trẻ đang lớn

Các nhà nghiên cứu cho biết những phản ứng tiêu cực của một đứa cháu đối với ông bà lâu ngày gặp mặt là phản ứng tự nhiên, chứng tỏ trẻ đang lớn. Vào khoảng 6 tháng, nhiều em bé bắt đầu phản ứng xấu với người lạ - đó là những người không gặp mặt bé thường xuyên. Biểu hiện lo lắng khi gặp người lạ phổ biến nhất với trẻ từ 6-12 tháng tuổi nhưng cũng có thể xảy ra tới khi trẻ lên 2.   

Sự lo lắng này có thể được giảm dần khi trẻ hơn 2 tuổi vì các con hiểu rằng cha mẹ khuất mắt nhưng sẽ không biến mất mãi mãi.

“Lạ” cũng tùy người

Tuy nhiên, lời giải thích trên không thực sự thuyết phục trong trường hợp trẻ về quê gặp cả ông lẫn bà nhưng bé chỉ thích bà, phản ứng tiêu cực với ông. Về lý thuyết, nếu ông là “người lạ” thì bà vẫn thế, nhưng nhiều đứa bé lại chấp nhận người này và từ chối người kia.

Những nguyên nhân phổ biến

Trong những dịp về gặp ông bà ở xa, cha mẹ và những người xung quanh thường băn khoăn không biết tại sao con mình phản ứng như vậy. Không có nguyên nhân khoa học nào lý giải được những phản ứng này nhưng dưới đây là một số kinh nghiêm rút ra từ quan sát của phụ huynh:

- Con có thể thích một giới tính này hơn giới tính khác

- Bé không thích người có râu hay đeo kính

- Bé ghét người có mùi nặng, đặc biệt thuốc lá và nước hoa

- Bé không thích giọng nói to hoặc chói tai

 

Vậy ông bà nên làm gì khi bị cháu từ chối?

Ông bà không thể kiểm soát những phản ứng của cháu nhưng có thể tạo ra cách tiếp cận thích hợp. Rất hiểu tâm lý những ông bà xa cháu rất muốn ôm hôn cháu lập tức nhưng đừng vội vã nắm tay, ôm hôn một đứa bé còn do dự. Đặc biệt, đừng cố giằng trẻ khỏi vòng tay cha mẹ khiến con cảm thấy không an toàn, dễ la hét, khóc thét.

Một cách khác là ông bà cứ lơ cháu vài phút, nói chuyện với cha mẹ chúng. Sau đó, ông bà lấy ra một món đồ chơi thú vị nhưng đừng đưa trẻ, các cháu sẽ tự tìm đến. Ngoài ra, nhiều trẻ không bao giờ từ chối khi được ông bà bế đi ra ngoài trời chơi.

Vun đắp tình cảm dần dần

Việc ông bà sống xa cháu trong thời gian dài là nguyên nhân gây ra sự lo lắng, xa lạ của trẻ dẫn đến phản ứng tiêu cực. Do đó, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, hãy giúp ông bà sử dụng các ứng dụng gọi điện video call, giúp cháu quen với khuôn mặt, giọng nói ông bà.

Có thể đó là tính khí của trẻ

Theo các nhà nghiên cứu, thực tế việc một đứa trẻ thể hiện sự lo lắng, khó chịu khi gặp ông bà liên quan đến tính khí của trẻ là chính. Nhiều trẻ có thiên hướng lo lắng, sợ hãi kinh niên. Do đó, cha mẹ hãy giải thích với ông bà rằng đó không phải lỗi tại họ, mà tại tính khí trẻ đề phòng đối với tất cả người lạ mặt.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang