Bất kỳ bậc cha mẹ nào đều mong con mình ngoan ngoãn, lớn lên trở thành người tài giỏi và thành công hơn "con ông A, bà B". Bố mẹ có quyền dạy dỗ và kỳ vọng vào con, tuy nhiên cần thực hiện đúng cách. Bởi đôi khi, chính bố mẹ bóp nát sự tự do và niềm vui của con mỗi ngày.
Có bao giờ bố mẹ tự hỏi: "Tại sao con nhà người ta thân thiết với bố mẹ như vậy nhưng con mình lại lạnh lùng, xa cách?", "Tại sao con sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện với người ngoài từ chuyện yêu đương đến học tập, công việc nhưng khi bố mẹ hỏi han lại chẳng hé răng một lời",... Câu trả lời là bởi: Con đang bị bố mẹ tạo quá nhiều áp lực vô hình và gia đình không còn là nơi bình yên để con tìm về.
Bố mẹ bắt con vâng lời tuyệt đối là bố mẹ dại
Nhiều bố mẹ châu Á thường quan niệm: Con phải vâng lời tuyệt đối và càng vâng lời thì càng hiếu thảo. Đây thực chất là một tư tưởng nuôi dạy không lành mạnh và đầy áp lực. Đứa trẻ sinh ra trong những gia đình như vậy thường gặp phải tổn thương về tâm lý, lớn lên nhút nhát và không dám bộc lộ bản thân. Không chỉ vậy, trẻ còn đâm ra ám ảnh, sợ hãi chính bố mẹ đẻ.
Doris Lam (Trung Quốc) là một cô gái không may rơi vào hoàn cảnh như vậy. Những năm tháng thơ ấu của cô luôn phải chịu đựng thứ áp lực vô hình từ bố mẹ. Cô gái trẻ không được làm trái ý người lớn dù chỉ một điều nhỏ.
"Khi trưởng thành, tôi luôn sợ hãi phải bước chân ra khỏi phòng ngủ. Bởi tôi biết, đằng sau cánh cửa kia là bố mẹ đang đứng đợi sẵn, với danh sách một loạt câu hỏi cũng như các yêu cầu buộc tôi phải sẵn sàng đáp ứng. Dù chỉ là một chiếc khăn, hay một chiếc thớt treo sai chỗ, bố mẹ cũng có thể mắng mỏ vì tôi đã làm không đúng. Họ nói tôi không phải là một cô con gái ngoan ngoãn, vâng lời.
Bố mẹ tôi gọi những phản ứng đó là thứ "tình yêu nghiêm khắc", là "yêu cho roi, cho vọt". Trong nhiều năm trời, tôi đã tin tưởng điều đó. Dù sao thì với các gia đình châu Á, lời nói của bố mẹ chính là luật pháp.
Hầu hết thời gian, các ông bố bà mẹ châu Á dạy cho con mình về lòng hiếu thảo và phải tôn trọng, yêu thương, chăm sóc bố mẹ để trả ơn sinh thành, dưỡng dục. Nhưng có một điều không ổn, đó là hình như họ đang nhầm lẫn và lạm dụng lòng hiếu thảo của con cái dành cho mình.
Rất nhiều ông bố bà mẹ lợi dụng truyền thống hiếu thảo lâu đời để bắt ép, định hình con sống một cuộc đời mà mình mong muốn.
Điều này đã xảy ra trong gia đình tôi! Suốt những năm tháng trưởng thành, tôi luôn cảm thấy áp lực nặng nề khi phải tuân thủ mọi điều đề ra để khiến bố mẹ hài lòng. Tôi đã phải kìm nén bản sắc, tiếng nói và ước mơ riêng của mình để khiến bố mẹ hạnh phúc. Tôi cũng đã phải chia tay bạn trai người nước ngoài vì lý do đó", Doris Lam tâm sự.
"Con nhà người ta" giỏi đến mấy cũng là chuyện của nhà họ!
Nếu dạo một vòng quanh mạng xã hội, đọc tin tức về các thủ khoa, á khoa đại học, những sinh viên giành học bổng hàng nghìn USD thì ai nấy đều nhận ra một điều đặc biệt. Đó là ngoài những lời khen ngợi, rất nhiều bạn trẻ vào bình luận nửa đùa nửa thật: "Mong mẹ mình không đọc được bài viết này", "Xóa bài này đi được không, tối nay mình lại ăn cơm chan nước mắt mất", "May mà mẹ mình không dùng Faecbook",...
Có lẽ với nhiều bạn trẻ, "con nhà người ta" chính là nhân vật gây ám ảnh nhất mọi thời đại. Bởi trong mỗi bữa ăn, trong mỗi lần dạy dỗ con, không ít bố mẹ Việt và cả nhiều nước khác thường lôi ra để so sánh với con mình. "Con nhà cô A giỏi thế. Chỉ học mỗi trên lớp, chẳng đi học thêm, học nếm ở đâu mà lần nào thi cũng được 10", "Con nhà cô B sáng đi học, tối làm thêm việc nhà giúp đỡ bố mẹ. Còn con mình mỗi việc học cũng chẳng xong",...
Lâu dần, những lời so sánh của bố mẹ dần biến thành lời chì chiết, đánh thẳng vào tâm lý con. Bố mẹ đừng nghĩ rằng, so sánh với người khác thì con sẽ có động lực để học tập tốt hơn. Thay vào đó, con chỉ càng cảm thấy tự ti và nảy sinh lòng đố kị. Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái vì vậy cũng trở nên căng thẳng.
Từng có câu chuyện, một đứa trẻ thường xuyên bị mẹ so sánh thành tích với bạn cùng lớp đã bức xúc hỏi: "Mẹ lúc nào cũng so sánh con với con người ta, vậy sao mẹ không tài giỏi như mẹ của bạn ấy?". Câu hỏi khiến người mẹ im lặng, không biết phải trả lời ra sao. Đó! Chính người lớn chúng ta cũng không muốn bị so sánh với người khác. Vậy thì tại sao chúng ta làm điều đó với con mình?
Dẫu tài giỏi hay kém cỏi, mỗi đứa trẻ vẫn là một cá thể riêng biệt và không nên bị so sánh. "Con người ta" giỏi đến mấy cũng là chuyện của nhà họ. Còn con của chúng ta, hãy tập trung nuôi dạy chúng trở thành những đứa trẻ tử tế và hạnh phúc. Bởi cuộc sống hạnh phúc mới là đích đến mà ai cũng mong đợi.
Khen ngợi không đúng cách có thể là... thuốc độc
Khi con đạt thành tích tốt, bố mẹ thường không tiếc lời ngợi khen: "Con mẹ giỏi quá", "con mẹ là giỏi nhất trên đời", "con thông minh quá"... Những lời khen nghe vui tai thật đó nhưng lâu dần nó có thể trở thành áp lực vô hình với con.
Những lần thi sau nếu không đạt được điểm tốt, con có thể sợ hãi - nỗi sợ không còn được nghe lời khen ngợi của bố mẹ. Nỗi sợ khiến bố mẹ thất vọng... Khen ngợi là tốt nhưng khen ngợi quá nhiều và không đúng cách có thể tạo ra nhiều hệ lụy xấu.
Bố mẹ tốt nhất không nên con thông minh hay giỏi giang. Thay vào đó, bạn hãy khen ngợi những nỗ lực học tập, làm việc của con. "Bố mẹ biết con đã cố gắng rất nhiều cho kỳ thi này", "Bố mẹ đánh giá cao sự chăm chỉ, nỗ lực của con",... - đó mới là những lời khen giúp con tiến bộ từng ngày mà không bị kiêu căng, tự phục hay áp lực.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.