Con phải cắt bỏ tinh hoàn vì cha mẹ chủ quan

(lamchame.vn) - Đau bìu là biểu hiện tiêu biểu nhất của chứng xoắn tinh hoàn. Nếu không được cấp cứu kịp thời bé có thể phải cắt tinh hoàn ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng sinh sau này.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM đã tiếp nhận trường hợp một bé trai 9 tuổi ở Ninh Thuận đến cấp cứu vì đau bìu trái 5 ngày. Lúc cháu có biểu hiện đau vùng bìu, gia đình có đưa con đến bệnh viện gần nhà để điều trị nhưng không hết nên mới chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Tại Bệnh viện nhi đồng 2, các bác sĩ nghi ngờ bé bị xoắn tinh hoàn nên chỉ định mổ cấp cứu. Kết quả phẫu thuật tinh hoàn trái xoắn 2 vòng. Do phát hiện quá trễ nên tinh hoàn thiếu máu nuôi, đã hoại tử. Em bé phải cắt bỏ tinh hoàn bên trái.

Trước đó, cũng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, một bé trai 2 ngày tuổi ở TPHCM cũng được gia đình đưa đến khám vì sưng bìu trái từ lúc mới sinh ra. Em bé cũng được chẩn đoán xoắn tinh hoàn và chỉ định mổ cấp cứu. Tuy nhiên, đây cũng là một trường hợp đưa đến bệnh viện quá trễ nên tinh hoàn đã hoại tử phải cắt bỏ.

Cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện ngay nếu con có biểu hiện đau vùng bìu, bẹn (ảnh minh họa)

Xoắn tinh hoàn trường hợp xoắn cấu trúc của thừng tinh, ngăn cản nguồn cung cấp máu gây hoại tử hoặc teo tinh hoàn. Bệnh hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là tuổi sơ sinh và tuổi dậy thì. Bệnh là một trong những nguyên nhân thường gặp trong các nguyên nhân gây mất tinh hoàn ở nam giới.

Theo các bác sĩ, triệu chứng điển hình của xoắn tinh hoàn là trẻ bị đau đột ngột dữ dội vùng bẹn, bìu. Đau làm trẻ có xu hướng gấp đùi lại và ít cử động. Trẻ lớn thường tự xác định được vị trí đau. Với trẻ sơ sinh và bú mẹ thì có biểu hiện quấy khóc nhiều.

Cha mẹ cũng có thể để ý thấy bìu và ống bẹn của con sưng to, nề, đau. Nếu thời gian bị bệnh lâu thì da có thể có màu đỏ. Tinh hoàn bị kéo lên cao phía lỗ bẹn nông, nắn vào tinh hoàn thấy đau và đau khi nắn dọc theo ống bẹn. Trẻ cũng có thể kèm nôn ói, đau bụng, tiểu lắt nhắt. Có những biểu hiện này, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện lớn để khám một cách sớm nhất.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, tinh hoàn sẽ bị hoại tử phải cắt bỏ (ảnh minh họa)

Theo các bác sĩ, nếu đến trước 6h, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Đến trong khoảng 6-12h thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24h thì chỉ còn 20% được cứu. Trên 24h sẽ không cứu được tinh hoàn.

Điều đáng lưu ý là có nhiều trẻ đến bệnh viện khi tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ giảm 50% khả năng sinh con. Đặc biệt khi lớn, chuyện chỉ còn một tinh hoàn trong bìu sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang