Há hốc với sân khấu siêu hiện đại và kiểu biểu diễn “1.000 người như một” của Triều Tiên

(lamchame.vn) - Dù bị cấm vận kinh tế nhưng nền nghệ thuật Triều Tiên rất phát triển. Khán giả nào cũng phải kinh ngạc khi chứng kiến sân khấu hiện đại chứa gần 1.000 nghệ sĩ biểu diễn đồng đều tăm tắp với hiệu ứng kỹ xảo bắt mắt.

Những nghệ sĩ Việt Nam từng đặt chân đến Bình Nhưỡng đều chia sẻ rằng họ vô cùng ấn tượng với các màn biểu diễn hoành tráng của nước bạn. Từng đưa đoàn của Nhà hát Tuổi Trẻ sang Triều Tiên biểu diễn nghệ thuật, ông Trương Nhuận kinh ngạc với những nhà hát có sức chứa lên tới 3.000-5.000 người với hệ thống âm thanh hiện đại, chất lượng âm thanh tuyệt vời.

"Âm thanh của họ được thiết kế sao cho dù bạn ngồi đâu trong nhà hát cũng nhận được âm thanh tốt nhất. Dù có ngồi gần sân khấu cũng không cảm thấy tức ngực như ở Việt Nam. Đội ngũ từ người soát vé, người đứng ở cánh gà đều rất chuyên nghiệp. Bên ngoài nhà hát của họ có những bức tranh sơn dầu diện tích cả trăm mét mô tả vẻ đẹp non nước Triều Tiên vô cùng diễm lệ. Điều đáng nói là họ tạo cảm giác sân khấu, nhà hát đúng là một thánh đường, khiến bất kỳ khán giả nào đến đây cũng cảm thấy sung sướng, tự hào” – ông kể.

Sân khấu Triều Tiên với màn hình hiện đại.

Thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành chỉ có nhạc cách mạng. Nhạc Jazz bị cấm bởi họ cho rằng đại diện cho văn hóa tư sản. Đến giai đoạn ông Kim Jong Il lãnh đạo đất nước năm 1994, ông khuyến khích nhiều thể loại mới phát triển. Ông thành lập ban nhạc The Pochonbo Electronic Ensemble, chuyên hát các ca khúc cách mạng và dân gian. Các ca sĩ opera cũng rất được yêu mến ở Triều Tiên.

Chủ tịch Kim Jong Un là người có gu nghe nhạc hiện đại. Một người bạn học của ông tiết lộ ông là fan của ban nhạc Đức Modern Talking. Do đó, lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên năm 2012, ông có nhiều cải cách. Ông lập tức thành lập ban nhạc Moranbong - hay còn được gọi là "Dàn nhạc đồi Moran". Nhóm nhạc gồm các thành viên nữ, được truyền thông Triều Tiên xem như một nỗ lực hiện đại hóa văn hóa nước này. Moranbong thường mặc quân phục, biểu diễn trên các sân khấu xa hoa, hát quốc ca với nhạc cụ điện tử. Họ cũng đưa một vài nét văn hóa phương Tây vào các tiết mục. Đôi khi nhóm mặc váy ngắn, có lúc thể hiện ca khúc My Way của Frank Sinatra chứ không chỉ nhạc truyền thống Triều Tiên.

Triều Tiên có những nhà hát lớn với sân khấu có thể chứa hàng trăm người biểu diễn.

Triều Tiên đặc biệt chú trọng phát triển nghệ thuật hàn lâm. Họ nổi tiếng với những dàn giao hưởng, hợp xướng khổng lồ. Truyền thống này được duy trì đến nay. Trẻ em Triều Tiên được học các ca khúc ngợi ca quê hương, đất nước từ khi còn nhỏ. Ngoài âm nhạc hàn lâm, họ phát triển nhiều loại hình như múa dân gian, ballet, xiếc... Tất cả đều chỉn chu, hoành tráng.

Phó giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, NSƯT Hoàng Xuân Bình, cho biết lần nào đến Triều Tiên cũng choáng ngợp với nhà hát dù được xây dựng từ những năm 1970-1980 nhưng tổ chức vô cùng hợp lý, khoa học, hiện đại với hệ thống thiết bị tự động. Họ có thể đưa cả một dàn hợp xướng 700 người một lúc vào sân khấu bằng hệ thống di chuyển tự động, hệ thống mic từ dưới sân khấu tự động nhô lên thay vì có người chạy ra đưa như Việt Nam. Đặc biệt từ rất sớm họ đã có công nghệ hologram với trình độ làm hình ảnh tuyệt với. Những hình ảnh họ chiếu trên sân khấu đều rất chân thật, sắc nét, chứ không chói như màn hình LED.

Một tiết mục 1.000 người đều tăm tắp của Triều Tiên.

Họ làm nghệ thuật đúng là khổ luyện, cực kỳ kỷ luật. Nghệ thuật của họ rất chân thực, không có kiểu ồn ào, màu mè. Chương trình của họ rất hoành tráng nhưng không có kiểu rầm rộ, khoe khoang. 700 nghệ sĩ giống như một, động tác biểu diễn đều tăm tắp. Đội hợp xướng khẩu hình trăm người như một.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang