Độ này dân tình nói với nhau nhiều về những chuyến xe cấp cứu miễn phí cho người dân khó khăn, cũng độ này 2 năm trước tại Hà Nội có một chuyến xe như thế đã ra đời và hoạt động bền bỉ, âm thầm phục vụ hơn 400 trường hợp, đưa những người gặp hoàn cảnh khó khăn vượt qua "bậc thềm" sinh tử.
Những cuộc gọi tố hành động chạy xe cứu thương từ thiện chỉ là trò lừa đảo
Nói đến mô hình chuyến xe từ thiện bây giờ và 2 năm về trước gần như là một việc so sánh "khập khiễng", khi ấy khá ít người theo đuổi mô hình này, đặc biệt ở ngoài Bắc còn xảy ra những câu chuyện tiêu cực nơi cổng viện, những chuyến xe cấp cứu "lạ" vào được bệnh viện là rất khó, cùng với đó là vấn đề về pháp lý khiến những người như cô Phan Thị Bính (64 tuổi, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) chẳng có nhiều.
Vậy mà người phụ nữ nhỏ bé này lại quyết định bán đất mua xe, thực hiện bằng được mong mỏi giúp đỡ những bệnh nhân nghèo, không có tiền để thuê xe cấp cứu chạy đi các tỉnh xa. Những suy nghĩ đó xuất phát từ việc đã hơn 20 năm thường xuyên làm từ thiện và từ lần cô Bính theo dõi chương trình truyền hình năm 2016, khi câu chuyện về bệnh nhi 9 tháng tuổi (trú tại Quỳ Hợp, Nghệ An) chết trên xe cứu thương vì bị bảo vệ bệnh viện giữ xe không cho ra. Tiếp đó, hình ảnh anh Lò Văn Muôn (ở Sơn La) phải chở thi thể em gái bó chiếu trên chiếc xe máy về nhà đã thực sự ám ảnh cô.
Ngồi kể về những ngày tự mình nghĩ và quyết định mở mô hình xe cứu thương từ thiện, cô Bính tâm sự: "Thấy trong tỉnh An Giang có mô hình xe cứu thương từ thiện, tôi nhanh chóng bắt đầu khăn gói vào học tập cách hoạt động và cách để tiếp cận với đông đảo những người gặp khó khăn.
Điều khó nhất là mua một chiếc ô tô và "biến" thành một chiếc xe chuyên dụng để chở người bệnh, khi ấy tôi phải nhờ một số người bạn trong miền Tây đi tìm mua một chiếc xe phù hợp, đăng ký biển số TP HCM.
Sau thời gian chuẩn bị, chiếc xe đã có đầy đủ đăng ký xe ưu tiên, có đèn, còi cùng các thiết bị cấp cứu cơ bản như cáng chuyên dụng, bình oxy...
Khi tôi đã mua được xe cũng rất may mắn có cặp vợ chồng ông Mai Văn Toàn (quê An Giang) biết đến mô hình xe cứu thương miễn phí đã tình nguyện ra Hà Nội làm lái xe cho tôi, chỉ bắt đầu đi vào hoạt động được hơn 1 tháng nhanh chóng đã có nhiều người ở Hà Nội, tình nguyện lái xe giúp tôi, kể từ đó nhóm xe cấp cứu chở bệnh nhân nghèo có tên gọi nhóm thiện nguyện Từ Tâm".
Đã nghỉ hưu và đang phải điều trị bệnh, nhưng mỗi khi cô Bính cảm thấy mình khỏe lên là dự định về những việc làm từ thiện lại bắt đầu.
Ấy thế như những ngọn đuốc mở đường bao giờ cũng sẽ gặp nhiều sóng gió, khi chuyến xe tình thương bắt đầu lăn bánh không lâu, thì cũng là lúc số điện thoại của cô Bính liên tục nhận được những cuộc gọi mắng mỏ, nghi ngờ việc làm này chỉ là lừa đảo, chứ chẳng ai "điên" đi mua xe về rồi chở người miễn phí, liệu chiếc xe chạy bằng nước lã hay sao?
Không dừng lại ở đó, còn có cả những người giả danh là trưởng nhóm chuyến xe từ thiện để vụ lợi làm cô Bính phải đi khắp các bệnh viện để làm việc. Sau thời gian đầu gặp không ít sóng gió, giờ đây mô hình của cô Bính đã có 8 lái xe, vận chuyển hơn 400 trường hợp bệnh nhân.
Đến khi "khuất núi" chuyến xe từ thiện này vẫn sẽ được con cháu duy trì
Để cho mô hình chuyến xe cấp cứu từ thiện được hoạt động một cách ổn định, có chiếc xe rồi nhưng để thành công thì cần phải có những người góp sức. Là người đầu tiên ghi tên mình vào danh sách tài xế lái xe cấp cứu từ thiện của Nhóm từ thiện Từ Tâm là chú Đinh Công Khẩn (cán bộ trong Ban Quản lý Chung cư Bán đảo Linh Đàm).
Chú Khẩn tâm sự, "mặc dù tôi không giúp được nhiều về tài chính, nhưng tôi góp công sức của mình, hàng ngày tôi ở khu Bán đảo Linh Đàm, ngay tòa nhà của cô Bính nên chỉ cần có điện thoại, 5 phút sau tôi có thể lên xe đi giúp đỡ mọi người. Chuyến xe không chỉ đi các tỉnh xa mà còn giúp đỡ những bệnh nhân cấp cứu trong khu vực này, ai cần chúng tôi cũng đều sẵn sàng giúp".
Gần 2 năm kể từ khi chuyến xe này lăn bánh, không ít lần các thành viên rơi nước mắt về những hoàn cảnh gia đình không ai nghĩ là khó khăn đến vậy. Lật lại từng trang giấy ghi chép thông tin chuyến đi, cô nhớ như in những lần vận chuyển bệnh nhân, "có trường hợp bệnh nhân người Thái Bình hơn 50 tuổi nhưng bị tai nạn lao động nằm liệt giường gần 30 năm, người vợ bỏ đi vì không chịu được nỗi khổ, chỉ còn 2 ông bà già chăm sóc.
Có trường hợp chở bệnh nhân về quê thấy ngôi nhà khang trang, nhưng hỏi ra mới biết sau khi dành tiền xây nhà xong thì chồng tai nạn mất, con cái ốm đau khiến kinh tế kiệt quệ chẳng còn gì. Có trường hợp hy hữu đưa cả 2 bệnh nhi sinh đôi liên tục từ Bệnh viện Hòa Bình lên Bệnh viện Nhi Hà Nội, tình thế nguy cấp gia đình cũng khó khăn, tôi nhìn cũng rất thương tâm", cô Bính điểm lại vài trường hợp trong hàng trăm ca bệnh khó khăn đã được giúp đỡ.
Chỉ cần có cuộc điện thoại gọi điện đến đường dây nóng, chiếc xe giúp đỡ bệnh nhân nghèo ngay lập tức sẽ đến nơi.
Ấn tượng nhất chuyến xe 300km chở bệnh nhi qua đời về vùng sát biên giới, là người trực tiếp lái xe đưa gia đình về quê, chú Khẩn nhớ như in câu chuyện đặc biệt ấy, "khi ấy là những ngày cuối năm 2019, vào lúc 10 giờ sáng khi nhận được điện thì bệnh nhi đã mất rồi, nên xin Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Nhi TW giúp cho một chuyến xe về quê nhà. Lúc ấy vừa nhận được điện thoại thông báo, tôi ăn vội bát cơm rồi lên xe đến bệnh viện. Đến nơi 2 vợ chồng đều là người dân tộc, chồng không biết tiếng Kinh, ban đầu nhận thông tin gia đình ở TP Thanh Hoá.
Tuy nhiên khi lên xe cả 2 vợ chồng lại không biết đường, người anh họ đi cùng chỉ cho tôi thông tin là nhà ở gần huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hoá), nhưng không ngờ cuối cùng sau 100km đến địa điểm gia đình yêu cầu, chuyến xe phải đi thêm 200km nữa đến tận gần biên giới Việt - Lào.
Lúc đó trời mưa nặng hạt, tôi gửi lời chia buồn tới gia đình, rồi nhìn họ đưa thi thể của con lên xe máy tiếp tục 30km đường rừng để về nhà lo hậu sự.
Khi ấy đã định nghỉ qua đêm rồi ngày mai trở về Hà Nội, tuy nhiên trong cả chuyến đi trời mưa không ngớt mà ở khu vực này nếu xảy ra sạt lở thì sẽ mất vài ngày ở lại, vì thế tôi quyết định về Cẩm Thủy để nghỉ chân, trên đường đi khi ấy trời đêm không một bóng người dừng đang lo lắng vì không nhớ đường thì bất ngờ thấy một cụ bà đi bên đường, tôi bèn ghé vào hỏi thì được bà chỉ cho đường về tiết kiệm cả vài chục kilomet. Vào một quán ăn ngồi nghỉ ngơi một lúc, khi ấy tôi quyết định trở về Hà Nội, 2h sáng tôi về tới nhà trước sự bất ngờ của vợ.
Chuyến đi tới 300km này làm tôi nhớ mãi bởi đó là quãng đường xa nhất mà tôi đi, cũng là trường hợp đầy thương tâm khi đưa một bệnh nhi không may qua đời trở về nhà với quãng đường vô cùng khó khăn".
Có những tháng nhận được hàng chục cuộc gọi hỗ trợ, các thành viên trong nhóm thay nhau chạy. Vất vả là vậy nhưng không bao giờ đòi hỏi một thứ gì, chú Khẩn kể: "Có vài lần tôi đi đến nơi, gia đình họ nhiều khi muốn gửi tiền hay cho cả bao tải ngô... làm thứ thay cho lời cảm ơn, chúng tôi đều không nhận, có chăng chỉ xin 1 bắp ngô, chén nước chè để gia đình bớt ngại rồi lên xe quay về". Niềm vui lớn nhất mà cả nhóm thấy chân quý là những tin nhắn, cuộc điện thoại bày tỏ sự biết ơn của những người bệnh và gia đình. Như động lực vô giá, giúp nhóm luôn lấy đó làm tinh thần để tiếp tục.
Trong quá trình dài làm từ thiện trên chuyến xe cấp cứu nhận chở bệnh nhân 24/24h, cô Bính vẫn mong muốn được những bác sĩ về hưu hoặc những hội bác sĩ cùng chung tay giúp đỡ để chiếc xe có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, biết những phương pháp hỗ trợ kịp thời trong quá trình vận chuyển bệnh nhân từ nhà tới bệnh viện.
"Khi có yêu cầu chở bệnh nhân từ nhà đến bệnh viện cấp cứu, chúng tôi đều phải hỏi về tình trạng bệnh, nếu quá nguy kịch chúng tôi cũng khuyên nên gọi 115 để có lực lượng y tế đi cùng, trong trường hợp chở các bệnh nhân từ bệnh viện trở về cũng vậy, nếu gia đình cần bác sĩ đi cùng thì cần phải yêu cầu từ phía bệnh viện, còn chuyến xe của tôi vẫn đơn thuần là vận chuyển bệnh nhân và chỉ có những thiết bị y tế cơ bản", cô Bính tâm sự.
Chuyến xe cấp cứu từ thiện đã đưa những bệnh nhân từ các tỉnh miền núi, đồng bằng phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ đến và đi các bệnh viện một cách an toàn. (Ảnh: Nhóm thiện nguyện Từ Tâm)
Không chỉ có mô hình lái xe từ thiện, cô Bính còn có các hoạt động mổ mắt từ thiện, mở nhà thuốc giúp đỡ người khó khăn cũng sắp đi vào hoạt động, mặc dù tuổi đã cao, mang trong người bệnh hiểm ung thư, nhưng tinh thần nhiệt huyết giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội luôn được cô đề cao.
"Khi tôi làm từ thiện nhiều người khuyên tôi nên lấy một chút tiền xăng xe, tuy nhiên bản thân tôi cho đến khi “khuất núi” chiếc xe được con cháu duy trì thì cũng không lấy của bệnh nhân một đồng. Tôi có chiếc xe, những người tình nguyện giúp tôi lái xe, họ ủng hộ công sức, góp lại để tạo những việc thiện", cô Bính khẳng định.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/la-tren-doi-co-nguoi-phu-nu-ban-dat-mua-xe-cuu-thuong-giup-nguoi-ngheo-vuot-qua-bac-them-sinh-tu-cung-chuyen-di-dinh-menh-dua-xac-benh-nhi-vuot-300km-ve-voi-gia-dinh-162201210110008915.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.