Mâm cỗ đúng chuẩn cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì?

(lamchame.vn) - Tùy theo phong tục tập quán của từng vùng miền mà đồ cúng lễ có những món khác nhau. Nhưng cơ bản mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ chuẩn nhất gồm có: Hương, hoa, vàng mã, nước; rượu nếp (cơm rượu); Các loại trái cây như: Mận, vải, hồng xiêm, chuối, dưa hấu..., bánh tro, thịt vịt, xôi chè.

Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là Tết Nửa năm (vì người Việt trước dùng lịch kiến Tý, tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch), Tết Đoan dương, Tết Trùng ngũ,… Đoan ngọ có thể hiểu là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Đoan nghĩa là bắt đầu, ngọ chỉ giờ ngọ, tức là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều).

Ở Việt Nam, ngày Tết Đoan ngọ còn gọi là Tết giết sâu bọ bởi thời tiết tháng 5 nóng nực, côn trùng và sâu bọ sinh sôi nảy nở gây nên nhiều dịch bệnh cho con người và mùa màng, vì vậy người nông dân phải tìm cách tiêu diệt các loài gây hại cho cây bằng các tục trừ phòng bệnh, đồng thời cúng lễ cầu mong một mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào.

Do vậy, mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ chuẩn nhất sẽ gồm những món sau:

Rượu nếp

Rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Đoan ngọ của người miền Bắc

Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc trong ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm thường là món không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ. Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì diệt sâu bọ rất hiệu nghiệm. Bởi theo quan niệm vị nồng cay của rượu nếp sẽ khiến các loại kí sinh trong cơ thể bị tiêu diệt.

Bánh tro (Bánh gio)

Bánh tro - một trong những món ăn phổ biến trong mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ

Đây là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Bánh tro được xem như là món ăn hội tụ tinh hoa của đất trời bởi khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến rất tỉ mỉ. Nếp làm bánh phải lựa loại đều hạt, thơm và nhất định không được lẫn với gạo tẻ. Nước tro nấu bánh được gạn từ nước tro đốt từ những cây rơm nếp vàng óng. Vì vậy bánh tro theo ông bà xưa là có sự hấp thụ các đặc tính của cây cỏ có tác dụng tiêu tan hết bệnh tật trong người đồng thời giải nhiệt trong tiết trời oi bức tháng 5.

Thịt vịt

Món thịt vịt trước đây được xem là món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Trung nhưng nay cũng được phổ biến ở nhiều vùng miền

Theo Đông y, thịt vịt có tính mát, ngọt, có tác dụng làm chuyển động phong huyết và làm tăng thêm năng lực, bồi bổ cơ thể cho người lực, lao tâm nhiều. Thịt vịt chữa nóng sốt cao đến co giật, thịt vịt giúp giải độc mụn sưng và hạ nhiệt. Vịt có sắc vàng trắng tác dụng “Bổ Trung Ích Khí” nghĩa là làm cho những người suy nhược được phục hồi nguyên khí. Người ta nói “ăn thịt vịt hiền và bổ khỏe”.

Chính vì vậy, theo quan niệm của người xưa thì ngày 5/5 âm lịch là ngày khí trời nóng nực, nhiệt độ cao nên người ta dùng thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt - hàn giữa Trời và Người.

Hoa quả theo mùa

 

Cùng với bánh tro, cơm rượu nếp thì hoa quả đúng mùa là vật phẩm không thể thiếu để người Việt thắp hương và thưởng thức trong Tết "giết sâu bọ". Hoa quả được chọn để cúng và ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ chủ yếu là các loại quả mùa hè, tươi ngon và có vị chua chua, thơm nức.

Ở miền Bắc, những loại quả thời vụ điển hình như mận, vải, đào đều không thể thiếu trong mâm cúng. Đặc biệt là mận, vải. Nếu thiếu đi những thứ hoa quả này thì Tết Đoan Ngọ sẽ mất đi nhiều ý nghĩa của nó. 

Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp “chuốc say”, chúng ta tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua sẽ khiến chúng chết nhanh hơn.

Ngoài ra, mọi nhà nên chuẩn bị thêm đồ lễ cúng Tết Đoan Ngọ như: Hương, hoa, vàng mã; Nước; Rượu nếp; xôi chè

 

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang