Các chuyên gia da liễu khuyến cáo, vảy nến là một bệnh mạn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng cũng có nhiều trường hợp tái phát liên tục. Việc điều trị cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh để có thể tìm ra phương pháp điều trị tối ưu, hiệu quả, ít tác dụng phụ và phù hợp với hoàn cảnh người bệnh về kinh tế, công việc và gia đình, xã hội.
Ngày nay, khoa học hiểu rõ bệnh vảy nên không đơn thuần là bệnh ngoài da mà là bệnh toàn thân, có liên quan với các bệnh lý về tim mạch, gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa.
20 năm nay, anh Vũ Chí C. (ở Bạch Mai, Hà Nội) đã được các bác sĩ chẩn đoán là mắc bệnh vảy nến và cho thuốc điều trị. Tuy nhiên vì tin theo quảng cáo chữa khỏi bệnh này, anh C. đã tự ý điều trị bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Hậu quả bệnh không những không khỏi còn khiến anh C. bị suy thận phải cấp cứu.
Nghe theo quảng cáo chữa khỏi vảy nến, người đàn ông ôm hận vì bị suy thận nặng |
Trao đổi với chúng tôi, Bệnh nhân C. chia sẻ, khi thấy bất thường ở da, anh C. đã đến khám tại BV Da liễu Trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị vảy nến và kê thuốc uống, thuốc bôi. Sau đó anh được điều trị bằng chiếu tia UVB dải hẹp, bệnh đã ổn định hơn.
Khi thấy mọi người mách bảo uống thuốc nam sẽ chữa khỏi được bệnh vảy nến nên anh liền tin theo. Sau một thời gian uống, bệnh vảy nến của anh càng nặng nề hơn, bùng phát thành bệnh vảy nến thể mủ toàn thân với những tổn thương da hết sức nghiêm trọng khiến anh phải nhập viện cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh C. còn bị suy thận nặng do một thời gian dài dùng các thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương cảnh báo, đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân dùng các thuốc lá, thuốc nam chữa vảy nến gây hậu quả nặng nề, phải vào BV Da liễu Trung ương cấp cứu.
Tuy nhiên, cho đến nay y học vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh vảy nến hoàn toàn mà chỉ có thể quản lý bệnh tốt hơn, từ thể nặng sang thể nhẹ và ổn định. Do đó, người bệnh cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu giúp kiểm soát và chung sống hòa bình với bệnh được tốt hơn. Tuyệt đối không tin lời đổn thổi, quảng cáo chữa dứt điểm bệnh vảy nến tránh tiền mất bệnh lại nặng thêm"- PGS. Doanh lưu ý.
Về điều trị bệnh vảy nến, một trong những phương pháp được ưu tiên hiện nay hiện đang được áp dụng tại BV Da liễu Trung ương đó là điều trị bằng UVB dải hẹp toàn thân. Theo PGS. Doanh, đối với kiểm soát trường hợp bệnh nhân vảy nến mức độ vừa và nặng thì UVB dải hẹp đáp ứng tốt (khoảng 80% các trường hợp được nghiên cứu là đáp ứng tốt đến rất tốt; một số trường hợp khác cần chuyển phác đồ điều trị tùy đáp ứng của bệnh nhân).
Đây là phương pháp mới, ổn định bệnh lâu dài (so với các phương pháp trước đây là điều trị ánh sáng UV, UVA dải rộng). Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng gần 50% bệnh nhân vẫn ổn định bệnh sau 6 tháng điều trị.
Bệnh không lây, tránh kỳ thị
Theo chuyên gia da liễu, bệnh vảy nến là bệnh viêm da mạn tính và ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan khác nhau nên gọi là bệnh hệ thống. Căn nguyên gây bệnh hiện chưa rõ ràng nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh vảy nến có liên quan đến gen di truyền và rối loạn miễn dịch ở cơ thể người bệnh, từ đó dẫn đến các tế bào da tăng sinh rất nhanh và bất thường. Ngoài ra, một số yếu tố môi trường cũng góp phần khởi phát, thúc đẩy cũng như làm nặng thêm bệnh vảy nến.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh là da dày lên và đỏ, tróc vảy, ngứa, đau. Người mắc bệnh vảy nến có thể thường kèm theo các bệnh trầm cảm, đái tháo đường, viêm khớp vảy nến, bệnh tim mạch…
BV Da liễu Trung ương đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề "Chủ động quản lý toàn diện bệnh này nến" |
Đáng chú ý có đến 30% bệnh nhân vảy nến tiến triển đến bệnh viêm khớp vảy nến.
Theo PGS. Doanh, bệnh vảy nến là bệnh không lây, bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến da làm cho đỏ da, bong vảy, da xấu xí khiến người xung quanh có sự kỳ thị, thậm chí bản thân người bệnh cũng mặc cảm. Bệnh lại rất dễ tái phát, bệnh nhân hay ngại ngùng, giấu bệnh, tâm lý căng thẳng, lo âu.
"Bệnh vảy nến ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống khiến người bệnh giảm khả năng lao động, bị cô lập, lo âu, trầm cảm stress nặng… Stress làm bệnh vảy nến nặng lên và rất nhiều trường hợp bệnh nhân sau stress làm khởi phát bệnh vảy nến" - PGS. Doanh nói.
Theo thống kê, hiện có hơn 125 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh vảy nến, tương đương gần 3% dân số thế giới sống chung với bệnh vảy nến. Trong đó có 1/3 các bệnh nhân mắc vảy nến mảng có tình trạng bệnh ở mức độ trung bình đến nặng.
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.