Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: "Chúng ta dạy chữ, dạy kiến thức cho con trẻ không phải là cách sắp đặt chữ vào đầu"

Nếu bỏ qua vẻ đẹp của ngôn từ, bỏ qua sự tinh tế của câu chữ, bỏ qua cảm xúc, ngữ điệu văn của từng câu, từng đoạn văn, chỉ chú ý đến thao tác kĩ thuật từ mới, thì chắc chắn không chỉ thất bại mà còn nguy hiểm.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.

Nguyễn Quang Vinh, sinh năm 1959 ở Quảng Bình, là nhà văn, nhà biên kịch (điện ảnh, truyền hình, sân khấu), đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật. Các tiểu thuyết trước đây của ông: Người và dã thú, Dòng sông vàng, Người thất bại trở về, Phía Mặt trời lặn, Đêm thức... Ông cũng là biên kịch của Chuyện tình bên dòng sông, bộ phim do Lê Khanh đóng vai chính (giành giải Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 10 năm 1993).

Trước những tranh cãi về nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 năm nay, nhà văn đã chia sẻ quan điểm riêng của mình. Chúng tôi xin đăng tải lại bài viết của ông như sau:

"Tôi trân trọng và trao đổi thẳng một số điều về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh diều:

1. Về văn bản:

- 46 bài/82 bài đọc là các văn bản sao phỏng từ các truyện ngụ ngôn nước ngoài, trong đó có 8 bài được tách ra thành 2 phần cho 2 bài, làm lệch lạc về nội dung.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh:
 

- 2 bài văn vần, trong đó có bài vè nói ngược, kiểu "Chó thì mổ mổ". Vắng bóng thơ, đồng dao, ca dao...

- Còn lại là các bài văn xuôi tiếng Việt, không có tác giả hoặc loại tác giả "vô danh", văn vẻ lặp đi lặp lại nhiều câu ngô nghê, nội dung ít tính giáo dục.

Việc lựa chọn văn bản như trên dẫn đến những hạn chế về nội dung và ngôn ngữ diễn đạt của sách, như nhiều người đã chỉ ra.

2. Về nội dung:

- Có gần 50% các bài đọc dựa trên các cốt truyện có nội dung liên quan đến các yếu tố bạo lực, thói xấu, hoặc xa lạ với trẻ (đe doạ, bắt nạt, lừa đảo, lười biếng, sinh đẻ), không có tính giáo dục. Một bộ sách Tiếng Việt 1 không hề có bài nào về xin lỗi, về biết ơn thì nó dạy cái gì cho các cháu?

- Các nhân vật chủ yếu trong bài đọc có quan hệ không thân thiện (dê đen - dê trắng, quạ - sẻ, hổ - thỏ, thỏ - rùa, ve - gà, gà nhí - quạ, cò - quạ, chó - quạ, quạ - gà, cua - cò - cá, chuột út - mèo, chuột út - gà trống, chồn - gà rừng, cá măng - cá mập, thợ săn - vượn, lừa - thỏ - cọp v.v), hoặc không có quan hệ gì trong thực tế để liên tưởng (thỏ - cún - vượn)...

- Các hoạt động, cảm xúc chủ yếu của các nhân vật này là: sợ (thống kê sơ bộ ở mấy bài đã khoảng chục lần), lo, ăn thịt, dọa, dữ, dám, giả vờ, la, than, cuỗm, quắp, tợp, tha, la, cắn, mổ, nhá, chộp, tóm cổ, kẹp cổ, nuốt mồi, bắt, chén, hùng hục, phàn nàn,than thở, lầm rầm, van xin, than thở, liếm, la liếm, vùng vằng, lem lẻm, cằn nhằn, gật gù..

3. Về ngôn từ:

- Dùng quá nhiều các từ ngữ phương ngữ, khẩu ngữ, từ ngữ ít dùng: gà nhí, gà nhép, sẻ ri, ca ri ri, pianô, xe téc, nhá cỏ, nhá dưa, quà quà, chả (lo), tí gì, vù, vọt, hí hóp, la liếm, tỏ vẻ, thô lố, ngó, ngộ, nom, ướt nhẹp, dăm (nhà)...

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh:

Có gần 50% các bài đọc dựa trên các cốt truyện có nội dung liên quan đến các yếu tố bạo lực, thói xấu, hoặc xa lạ với trẻ (đe doạ, bắt nạt, lừa đảo, lười biếng, sinh đẻ), không có tính giáo dục.

- Dùng nhiều kết hợp bất thường: quạ "quà quà", sẻ ca ri ri, cho ve tí gì, chả có gì, (đẹp) mà chẳng khôn, giúp má sắp cơm, quạ kiếm cớ la cà, cua khệ nệ ôm yếm, chó thì mổ mổ, gà thì la liếm...

- Dùng nhiều câu quá dài (khỉ đi thăm bà. Khi đi nó hứa sẽ đem về đủ thứ cỏ lạ hoa thơm làm quà cho thỏ và nhím; Cả nhà Nga đi phố, ghé nhà dì, nghe pi a nô. Giá bà ra phố chơi, Bi đỡ nhớ bà, nhớ bố mẹ...) hoặc kiểu câu không thông dụng (quà là rổ khế, rổ mơ, cá rô, cá quả. Cò chả đáp gì).

- Một số mẫu câu lặp lại đơn điệu ở nhiều bài, ví dụ X có Y... (Bề có cá, có cỏ. Hà có ghế gỗ, ba Hà có ghế da. Bờ Hồ có ghế đá. Cỗ có giò, có gà. Hồ có cá mè, ba ba. Nhà có na, nho, khế. Nhà bà có gà, có nghé. Gà có ngô. Nghé có cỏ, có mía. Bi có phở. Bé Li có na. Bố có cà phê...).

4. Kho tàng văn học Việt Nam ở đâu trong bộ sách?

Với con trẻ bước vào lớp 1, ngôn ngữ giao tiếp, học, đọc là một ưu tiên hàng đầu. Ngay từ mẫu giáo, bố mẹ, cô giáo đã phải dạy, uốn nắn, chỉ bày từng từ, từng câu, cách gọi, cách nói, cách xưng hô. 

Đến khi vào lớp 1, chữ đầu tiên, câu đầu tiên trong sách cũng phải thế, hết sức cẩn trọng, hết sức sạch sẽ, hết sức trong sáng. Tuổi các cháu là tuổi học theo, nói theo, rất dễ thấm sâu vào tư duy, vào ý nghĩ, vào cảm xúc. Nếu bỏ qua vẻ đẹp của ngôn từ, bỏ qua sự tinh tế của câu chữ, bỏ qua cảm xúc, ngữ điệu văn của từng câu, từng đoạn văn, chỉ chú ý đến thao tác kĩ thuật từ mới, thì chắc chắn không chỉ thất bại mà còn nguy hiểm. 

Nhà biên soạn sách không thể máy móc áp từ mới vào bất cứ câu nào, đoạn văn nào, miễn là phù hợp. Hơn thế nữa, những câu, đoạn văn, khúc thơ có sự xuất hiện từ mới phải được lựa chọn vô cùng công phu, bảo đảm những câu văn thật nuột nà, ý tứ thật nhân văn, đoạn văn phải diễn đạt thật trong sáng, thật gần gũi. Gần gũi ở mức mà các cháu đọc lên, ngân lên là thuộc ngay, thích ngay, thuộc và thích đã thì mới bắt đầu bước phân tích từ mới.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh:
 

Chúng ta dạy chữ, dạy kiến thức cho con trẻ không phải là cách sắp đặt chữ vào đầu, mà đưa chữ, đưa kiến thức vào đầu các con, vào tư duy các con. Muốn thế, “phương tiện” chuyên chở phải thật ngọt ngào, thật lung linh, thật lôi cuốn, để không chỉ các con nhận mặt được từ mới, mà còn là cách để các con bổ sung nhận thức mình về cảm quan, về xúc cảm, làm giàu tâm hồn. Mỗi tiết học như thế nó gần gũi, thương mến, lôi cuốn và sống động, học là nhớ luôn.

Như đã nói, chọn câu, đoạn văn, khổ thơ đưa vào sách nhằm chuyên chở từ mới cho các con là phải hết sức kĩ. Trước khi nghĩ tới từ mới, thì đoạn văn đó, khổ thơ đó phải đẹp, đẹp cả ngôn ngữ, đẹp cả nội dung, đẹp cả đạo đức. Không thể dùng những câu chữ với thứ ngôn ngữ hàng chợ, thứ ngôn ngữ bông phèng, thứ ngôn ngữ bỗ bã để chuyển tải từ mới. 

Kho tàng văn hoá dân gian, thơ ca, hò vè, văn học xưa nay ở nước ta tha hồ lựa chọn, và biết bao nhiêu câu, đoạn, khổ thơ hay, hay và trong trẻo, gần gũi, tại sao lại phải lấy từ văn học nước ngoài, tại sao lại phải “ phỏng theo”? 

Một nhà biên soạn sách phỏng theo nguyên tác một nhà văn lớn mà dễ thế sao? Văn chương trước khi đưa ý, đưa chuyện, đưa đạo tới người xem là ngôn từ, ngôn từ không hay, ngôn từ khô khốc, vô cảm như người ta đang làm theo cách “phỏng theo” liệu lợi hay hại? Biết chữ nhưng lại biết thêm những ngôn từ xấu, ý tứ xấu thì biết chữ làm gì? Đây là cơ hội cho con trẻ không chỉ học chữ mà còn tiếp nhận văn hoá dân tộc, tại sao không làm?

Vốn chữ, nghĩa của từ Việt phổ thông nó phong phú, nó đủ sức chuyển tải mọi thứ trong câu, trong đoạn văn, khổ thơ, tại sao phải dùng phương ngữ. Tại sao lại phải ép học sinh học phương ngữ khi vốn từ vựng Việt đang rất phong phú và quý giá? Đó sự là sự áp đặt khiên cưỡng, tai hại, cần phê phán và loại bỏ.

Nếu có thời gian, có thể, ở buổi học thêm, ở cuối mỗi tiết học, thầy cô có thể nêu ra cho học sinh tham khảo thêm một số từ ngữ phổ thông nhưng ở các địa phương, vùng miền trong nước lại dùng từ khác để gọi tên, như thế là cách để bổ sung vốn từ cho các con. Chứ dứt khoát không thể dùng phương ngữ thay thế từ phổ thông".

Nếu bạn có ý kiến khác về bộ sách giáo khoa lớp 1, hãy gửi bài viết cho chúng tôi theo địa chỉ: giaoduc@afamily.vn hoặc nhắn tin cho fanpage tại đây.

Chúng tôi luôn hoan nghênh các ý kiến của quý độc giả xoay quanh vấn đề này.

 
 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang