Những bệnh thường gặp khi thời tiết nồm ẩm kéo dài

(lamchame.vn) - Thời tiết nồm ẩm vào mùa Xuân đang khiến nhiều người rất mệt mỏi và sinh bệnh. Dưới đây là một số bệnh thường gặp và giải pháp để giúp bạn phòng tránh.

Bệnh sởi

Trẻ em mắc bệnh sởi

Sởi cũng là một bệnh thường thấy khi thời tiết nóng ẩm kéo dài, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus tồn tại và lây lan. Hiện tình hình dịch sởi trên thế giới và trong nước đang diễn biến khá phức tạp. Riêng tại Việt Nam, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10/2018, tính đến nay ghi nhận 2.924 trường hợp mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố. Hiện số người mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng. Số ca mắc sởi của Việt Nam tập trung chủ yếu tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sinh sống và tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn.

Cần tiêm vaccine để phòng sởi cho con em

Giải pháp: Tiêm vaccine là biện pháp phòng sởi an toàn nhất và hiệu quả nhất. Để dịch bệnh sởi không lây lan, bùng phát mạnh, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, y tế địa phương thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng để triển khai tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường. Triển khai có hiệu quả tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi, đặc biệt thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch sởi. Bên cạnh đó cần, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn. Tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng.

Tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ. Trường hợp đã tiếp xúc với nguồn lây bệnh, bạn có thể dùng globulin miễn dịch để phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh.

Thủy đậu

Những ngày thời tiết giao mùa nồm ẩm làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thủy đậu. Bệnh do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra và rất dễ lây truyền. Bệnh sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Khi khởi phát, người mắc thủy đậu sẽ nổi mụn nước tại các vùng đầu, mặt, tay chân và toàn thân. Mụn nước xuất hiện rất nhanh và trong vòng 12-24 giờ có thể nổi toàn thân. Bệnh rất dễ truyền nhiễm và lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh hoặc lây qua đường hô hấp.

Trẻ mắc bệnh thủy đậu

Giải pháp: Vaccine thủy đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus gây bệnh. Với trẻ 12-18 tháng tuổi, cần được tiêm 1 liều vaccine. Trẻ từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu cũng cần tiêm 1 liều vaccine. Trẻ trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu nên tiêm 2 liều, cách nhau từ 4-8 tuần. Người bị thủy đậu cần phải cách ly và điều trị theo các chỉ dẫn của thầy thuốc để nhanh khỏi và tránh lây bệnh cho người khác.

Đau mắt đỏ

Bệnh do virus gây ra nên rất dễ lây lan qua tiếp xúc, đặc biệt tại các môi trường công sở đông người… Nếu được phát hiện và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi sau 4-5 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc dẫn đến bệnh khó điều trị hơn.

Nhỏ thuốc chữa đau mắc đỏ

Giải pháp: Khi bị bệnh, bạn cần hạn chế tới chỗ đông người để tránh lây cho người khác. Với trẻ nhỏ, nên để trẻ nghỉ học để chăm sóc tại nhà. Khi bị đau mắt đỏ nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh bệnh có diễn tiến lâu dài và khả năng gây biến chứng nguy hiểm.

Viêm nhiễm phụ khoa

Do thời tiết nồm, nên quần áo luôn trong tình trạng ẩm, không khô hoàn toàn, cộng với việc vệ sinh cơ thể chưa đúng cách có thể khiến nữ giới dễ mắc các bệnh phụ khoa.

Phụ nữ dễ bị viêm nhiễm phụ khoa khi thời tiết nồm ẩm

Giải pháp: Vệ sinh cơ thể hàng ngày với nước ấm. Các chị em có thể sử dụng thêm dung dịch vệ sinh phụ nữ dạng dịu nhẹ. Vời đồ lót, bạn cần phơi đồ lót chỗ thoáng, thay quần áo lót thường xuyên, đều đặn, ít nhất 1 lần mỗi ngày.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang