Nữ nhà văn nổi tiếng kể về những ngày trầm cảm sau sinh: Cả ngày vừa cho con bú vừa khóc, gần 3 tuần gần như không ngủ

Khác với nhiều phụ nữ sau khi sinh không biết mình bị trầm cảm, nữ nhà văn là người biết chắc chắn sẽ rơi vào trầm cảm từ trước lúc sinh. 

Iris Cao (Cao Bích Thủy, sinh năm 1988 tại TP. Hồ Chí Minh), là một nhà văn được nhiều bạn trẻ yêu thích với các tác phẩm thuộc dòng sách tản văn viết về hành trình trải nghiệm và trưởng thành của những bạn trẻ trước những vấp ngã, tổn thương, như Thương nhau để đó, Ai rồi cũng khác, Mỉm cười cho qua, Mình sinh ra đâu phải để buồn, Hôm nay người ta nói chia tay...

Năm 2017, Iris Cao kết hôn với chồng người Mỹ mà cô thường gọi với cái tên thân mật là "anh Minh" và hiện đang sinh sống cùng chồng tại đất nước này. Cặp đôi vừa đón con trai - bé Thỏ - chào đời vào tháng 6 vừa qua, đúng lúc dịch Covid-19 đang bùng phát tại nơi cô sinh sống. Lần đầu làm mẹ với rất nhiều bỡ ngỡ, lại chỉ có 2 vợ chồng tự tay chăm sóc bé Thỏ, không người giúp đỡ nên chính bản thân nữ nhà văn này đã trải qua những ngày tháng bị trầm cảm sau sinh.

Không giống như những bà mẹ khác bị trầm cảm mà không hề biết mình đang trầm cảm, Iris Cao hiểu rõ chuỗi ngày tồi tệ với tâm trạng xuống dốc của mình. Nhưng rồi, may mắn khi có chồng hết sức tâm lý luôn ở bên cạnh, may mắn khi sớm phát hiện ra rồi kịp thời tự thay đổi chính mình, Iris Cao đã nhanh chóng vượt qua những ngày tháng ấy.

Mới đây, cô đã chia sẻ lại tâm trạng của mình về những ngày trầm cảm sau sinh khiến bao bà mẹ đồng cảm, nhờ đó biết bao người cũng hiểu được rõ hơn về nỗi khổ vô hình nhưng đáng sợ mà không ít bà mẹ phải đối mặt sau sinh.

Nữ nhà văn nổi tiếng kể về những ngày trầm cảm sau sinh: Cả ngày vừa ôm con bú vừa khóc, gần 3 tuần gần như không ngủ - Ảnh 1.

Trải qua 1 thai kì đầy vất vả, lại sinh con vào thời điểm dịch bệnh nên Iris Cao biết mình dễ rơi vào trầm cảm sau sinh.

Nghén trọn vẹn 1 thai kì, cơn trầm cảm thực sự ập tới khi sinh Thỏ

Do dịch bệnh chuyển biến xấu nên kế hoạch mẹ mình sang giúp trông em bé bị hoãn. Tất cả các khoá học dành cho cha mẹ mình và chồng mình đăng kí cũng đều bị hủy. Khi mình được 35 tuần thì bệnh viện nơi mình sinh Thỏ công bố ca nhiễm Covid đầu tiên. Trong tâm lí căng thẳng vợ chồng mình thậm chí đã phải bàn đến việc sinh tại nhà để đảm bảo an toàn cho Thỏ nhưng sau khi cân nhắc thì rủi ro khá lớn cho việc sinh tại nhà nên cuối cùng vẫn phải sinh tại bệnh viện.

Phải nói thêm là mình nghén trọn 1 thai kì. 1 ngày ói hơn chục lần là bình thường. Có những hôm anh Minh đi làm, mình mang gối vào toilet nằm vì quá mệt bởi những cơn ói liên tiếp, ói đến độ xước cổ họng chảy máu luôn.

3 tháng đầu của thai kỳ mình xuống hẳn 10kg, lúc đi khám định kỳ bác sĩ còn tưởng rằng y tá cân lộn. Ngoài ra mình còn bị sưng nướu răng do hóc-môn thay đổi. Nói chung là mình tan nát. Lúc đó hầu như tự chịu, không than vãn hay kể với ai cả.

Đến chừng đẻ Thỏ thì cơn trầm cảm mới thực sự ập tới.

Vừa đau vết khâu, vừa mất ngủ, vừa bị thể trạng yếu chưa hồi phục, vừa ăn uống thất thường do không nấu nổi, vừa hoang mang trong việc nuôi 1 đứa nhỏ bé tí, vừa chưa thể thích nghi với việc cuộc sống bị đảo lộn.

Anh Minh đi làm, ngày nào mình cũng ôm Thỏ vừa cho bú vừa khóc và ngóng anh về. Chỉ cần nghe thấy tiếng xe anh quẹo vô là mình mừng hết sức.

Chuỗi ngày con khóc, không biết cách dỗ con, không hiểu con đang gặp khó khăn gì khiến mình gần như không ngủ suốt 3 tuần lễ đầu. Do đau vết khâu nên mình không thể leo lên giường, mình cứ đặt Thỏ trên sofa rồi ngồi kế bên, ngày cũng như đêm. Có những lúc lịm đi nửa tiếng rồi lại bừng tỉnh.

Một mình nuôi con lần đầu nó kinh khủng lắm. Đôi khi muốn đi tắm cũng không được, muốn nằm xuống nhắm mắt 10 phút cũng không được. Muốn ngồi bình tĩnh ăn 1 chén cơm cũng không được.

Nữ nhà văn nổi tiếng kể về những ngày trầm cảm sau sinh: Cả ngày vừa ôm con bú vừa khóc, gần 3 tuần gần như không ngủ - Ảnh 2.

Bà mẹ trẻ gần như không ngủ suốt 3 tuần sau sinh.

Mình quay cuồng trong việc hút sữa, cho con bú, thay tã, giặt đồ. Nhoáng cái là hết ngày, có hôm mình phải chờ anh Minh về mới có thời gian xuống bếp ăn, vừa ăn mà vừa nghẹn ngào.

Hầu như ngày nào mình cũng cảm thấy chông chênh, nước mắt chẳng biết ở đâu không khóc cũng chảy dài thành hàng.

Và tệ hơn là việc mình cảm thấy tâm trạng xuống dốc nhất khi hút sữa, tiếng máy hút cùng vô vàn chất dinh dưỡng cứ thế trôi ra, mệt mỏi và kiệt sức.

Tự vượt qua chuỗi ngày trầm cảm

Mình đã phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề là mình không có sự trợ giúp và Thỏ rất cần mình. Anh Minh rất cần mình.

Mình đến gặp bác sĩ tâm lí, nói chuyện và tìm ra hướng đi cho bản thân.

- Mình luyện cho Thỏ ăn ngủ nề nếp nên mình nắm được những diễn biến sẽ xảy ra trong ngày nên sắp xếp được thời gian cho riêng mình để nấu nướng.

- Nếu mệt mỏi cứ nói, phụ nữ hay bị kiểu cố làm mọi thứ, chẳng chia sẻ nên không ai biết để giúp.

- Hãy cho mình thời gian rời con ra để đi dạo, shopping, hay bất cứ gì mình thích.

- Ăn ngủ điều độ đừng làm đại khái vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và lượng sữa.

May mắn là anh Minh vô cùng tâm lý và thương mình. Mọi bực dọc, khùng điên, khó ở của mình ảnh chịu đựng hết, sau gần 2 tháng mình đã vượt ra trầm cảm, dần dần trở về nhịp sống bình thường. Tuy có đôi lúc tự nhiên tâm trạng vẫn tệ bất chợt nhưng nó không dai dẳng như trước.

Nữ nhà văn nổi tiếng kể về những ngày trầm cảm sau sinh: Cả ngày vừa ôm con bú vừa khóc, gần 3 tuần gần như không ngủ - Ảnh 3.

"Nếu mệt mỏi cứ nói, phụ nữ hay bị kiểu cố làm mọi thứ, chẳng chia sẻ nên không ai biết để giúp".

Từ câu chuyện của chính mình đã trải qua, nữ nhà văn Iris Cao đã phải lên tiếng nhắn nhủ rằng mọi người thực sự nên quan tâm tới những mẹ bị trầm cảm sau sinh và giúp đỡ họ: "Vấn đề trầm cảm sau sinh nó phổ biến lắm mọi người ơi, vậy nên hãy chia sẻ nếu nghĩ mình đang gặp phải, đừng tự chịu 1 mình. Hãy thương những người mẹ sau sinh, một câu hỏi thăm, một lời động viên là liều thuốc kì diệu với họ đó.

Và quan trọng nhất đối với những người xung quanh ngoài việc bên cạnh, giúp đỡ thì hãy để người mẹ tự quyết định phương pháp chăm con. Bú mẹ cũng được, bú bình cũng được, bú sữa công thức cũng được, tắm nắng cũng được, không tắm nắng uống vitamin D cũng được, mang bao tay cũng được, không mang cũng được, tắm sáng cũng được, tắm chiều cũng được, con khóc dỗ ngay cũng được, không dỗ ngay cũng được.

Nữ nhà văn nổi tiếng kể về những ngày trầm cảm sau sinh: Cả ngày vừa ôm con bú vừa khóc, gần 3 tuần gần như không ngủ - Ảnh 4.

"Anh Minh" - chồng Iris Cao vừa cho con bú vừa thư giãn.

Cái gì cũng được hết vì mẹ sẽ là người hiểu con mình nhất. Và mẹ nào cũng sẽ làm điều tốt nhất cho con nên ngoài mẹ (hoặc ba), những người khác tránh can thiệp thô bạo vào quá trình nuôi con cũng là 1 liệu pháp hạn chế trầm cảm cho phụ nữ sau sinh đó. Cho lời khuyên để các mẹ tham khảo thì được nha.

Lúc mình khó khăn tuyệt vọng nhất đã có rất nhiều bà mẹ ở khắp nơi an ủi, tâm sự, giúp đỡ thậm chí gửi quà và đồ cho Thỏ, nên bây giờ mình sẽ làm lại điều đó với những bà mẹ khác. Mình tuyệt đối không tư vấn chuyện tình cảm nhưng về con cái ai cần cứ hỏi, mình biết sẽ sẵn sàng giúp".

 

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang