Sản phụ chủ quan bị áp xe tuyến vú sau sinh ai ngờ hậu quả phải cắt cụt tứ chi do hoại tử nặng

(lamchame.vn) - Áp xe tuyến vú là triệu chứng thường thấy ở các bà mẹ sau sinh. Điều này có tác động lớn tới sức khỏe – tinh thần của người mẹ và chất lượng của dòng sữa cho trẻ bú. Mới đây 1 sản phụ bị áp xe tuyến vú nặng dẫn đến nhiễm trùng, các bác sĩ chỉ định cắt cụt tứ chi để bảo toàn mạng sống.

Bệnh nhân là chị  Dương Thị Thắm (26 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) hiện đang  điều trị tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM. Chị Thắm trong thời gian thai nghén không có tiền sử bệnh hiểm nghèo, chị khỏe mạnh và sinh ra 1 bé trai vô cùng kháu khỉnh. Tuy nhiên khi bé được 15 ngày tuổi thì chị bị tắc tuyến sữa, sốt cao và đau tấy. Gia đình đưa sản phụ nhập viện điều trị tại BV Quốc tế ở Bình Dương.

7 tiếng sau khi nằm viện, các bác sĩ tại đây đề nghị gia đình chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn là   BV Chợ Rẫy vì tình trạng của bệnh nhân có chiều hướng nặng hơn. Ngày 3/12/2018, chị Thắm nhập viện BV Chợ Rẫy với tình trạng lơ mơ, đang sốc, tình hình nhiễm trùng rất nặng, bị áp xe vú.

Niềm hạnh phúc của người mẹ trẻ khi đón thành viên mới của gia đình

Để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành hỗ trợ cho bệnh nhân được thở máy, lọc máu ở khoa Hồi sức tích cực.  Nhưng đến ngày thứ 11 nằm viện thì  tay, chân bệnh nhân có dấu hiệu bầm tím, hoại tử dần dần. Các bác sĩ nói rằng chỉ còn 1 cách duy nhất là cắt cụt tứ chi, loại bỏ phần hoại tử, dùng thuốc khống chế tình trạng nhiễm trùng mới có thể giữ được mạng sống.

Đây thật sự là quyết định khó khăn của gia đình, nhưng chính bệnh nhân đã yêu cầu được phẫu thuật để có thể về với con. Sức mạnh của tình mẫu tử đã khiến chị Thắm vượt qua được đại phẫu thuật, hiện các mỏm cụt đã khô, chỉ còn vết thương đùi bên phải hơi rỉ dịch nhưng có thể kiểm soát được.

Chưa đầy 1 tháng sau đó, chị đã phải cắt cụt tứ chi để bảo toàn mạng sống

Theo các bác sĩ thì bệnh nhân Thắm bị tắc tuyến sữa. Sữa bị ứ lại không thông trong khi đó, sữa ngọt, nhiều chất nên dễ bị vi khuẩn tấn công vào vú và gây biến chứng nặng nề như vậy. Sữa vốn được tạo ra ở nang sữa theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa ở phía sau quầng vú. Khi trẻ tác động bằng việc mút thì sữa sẽ chảy ra ngoài. Tuy nhiên nếu vì lý do nào đó dòng chảy sữa bị bít lại, thì sữa sẽ ứ lại , lâu dần  dần tạo thành hòn cục. Trong lúc đó, sữa vẫn tiếp tục được sản sinh dẫn đến chỗ bị tắc ngày 1 ùn ứ nặng hơn. Nếu mẹ không biết cách thì sẽ dẫn đến áp xe tuyến vú 1 cách nhanh chóng.

Khi bị tắc tuyến sữa, tiếp đó là áp xe tuyến vú thì người mẹ thường sẽ có biểu hiện sốt, ngực căng cứng , đau nhức và không tiết sữa nữa. Nếu để lâu sẽ bị nhiễm trùng cơ hội. Vì vậy theo các bác sĩ những bà mẹ bỉm sữa không nên coi nhẹ việc bị tắc tuyến sữa, cần phải có phương án ngay khi phát hiện ra tắc tuyến sữa để có can thiệp kịp thời. Tránh biến chứng nặng, khó có thể cứu chữa.

Mẹ có thể massage tuyến vú thường xuyên, kiểm tra dòng chảy của sữa cùng như chườm nóng để khai thông dòng chảy. Ngoài ra mẹ cũng cần phải vệ sinh đầu núm vú thường xuyên để việc tiết sữa diễn ra dễ dàng hơn. Nếu áp dụng mọi cách mà vẫn không có tác dụng thì nhất định mẹ phải đến cơ sở y tế để có những can thiệp kịp thời. 

Chính tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp người phụ nữ ấy vượt qua được cuộc đại phẫu thuật

Nguy hiểm đã qua nhưng nỗi đau thì chẳng gì có thể bù đắp nổi. Còn chưa đến đầy tháng con mà chị Thắm đã trở thành người tàn phế, ước ao được ôm con vào lòng hiện tại cũng là điều quá xa vời với người mẹ này.

 

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang