Black Friday bắt nguồn từ đâu?
Vào những năm 1960, các nhân viên cảnh sát Philadelphia đã đưa ra cụm từ "Black Friday" để mô tả tình trạng lộn xộn chung và quá tải trên những con đường, khi người dân đổ xô ra đường để mua sắm sau dịp nghỉ lễ Tạ ơn. Hơn nữa, cũng vào thời điểm đó, trận bóng đá Hải quân Mỹ được tổ chức hằng năm cũng kéo theo một lượng lớn người dân xuống đường. Tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng vào kéo dài trong ngày này trở thành nỗi kinh hoàng. Chẳng bao lâu cái tên “Thứ Sáu Đen Tối” được ra đời.
Mặc dù tình trạng kẹt đường diễn ra rất khó chịu, nhưng vẫn không làm chùn bước người dân ùa xuống phố để giải trí và mua sắm. Sau lễ Tạ ơn, nhu cầu ra ngoài mua sắm sau một thời gian dài ở nhà quây quần cùng gia đình ngày một tăng cao. Đặc biệt, thời gian này lại cận kề với Giáng Sinh - mùa lễ hội lớn nhất trong năm của Mỹ - lại càng kích “cầu” tiêu dùng lên đỉnh điểm.
Cụm từ Black Friday liên tục được cảnh sát Philadelphia sử dụng trong các bài báo nói về vấn nạn ùn tắt giao thông, với sự nỗ lực để ngăn chặn đám đông và khuyến khích người tiêu dùng mua sắm tại nhà. Các nhà bán lẻ Philadelphia cảm thấy cái tên này quá “hắc ám”, không hề phù hợp với không khí mua sắm nhộn nhịp trong ngày này. Vì vậy, đã có một thời gian họ cố gắng đổi tên thành “Big Friday” nhằm mang lại sự tích cực, may mắn hơn cho lễ hội mua sắm lớn nhất năm. Nhưng theo các bạn biết đấy, nỗ lực này bất thành.
Chẳng bao lâu sau, Black Friday bắt đầu lan rộng ra ngoài Philly khi các chủ cửa hàng trên toàn quốc nhìn ra doanh thu lớn tại Philly trong ngày Black Friday. Từ đó, những người kinh doanh tìm hiểu và nhận ra rằng, việc sale dồn dập với quy mô và số lượng lớn chỉ trong một ngày sẽ có khả năng “dụ dỗ” được khách hàng cao nhất.
Hài hước là, khởi nguồn từ nỗ lực của cảnh sát Philadelphia để khuyến khích mọi người không đi mua sắm, cuối cùng bị phản tác dụng, và cho ra một kết quả hoàn toàn trái ngược: Black Friday hiện là sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm tại Mỹ và Anh.
Black Friday không chỉ dừng lại ở việc bán hàng, giờ đây nó đã trở thành truyền thống và văn hóa mua sắm |
Black Friday: Nét văn hóa mua sắm thời hiện đại
Barbara Kahn, giáo sư tiếp thị tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania và là tác giả của Cuộc Cách Mạng Mua Sắm cho biết: “Black Friday ban đầu bắt đầu lúc 5 giờ sáng ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn. Nhưng ngày nay, Black Friday đang ngày một bắt đầu sớm hơn và kéo dài hơn”
Thương hiệu Rag & Bone đã khởi động Black Friday năm nay vào thứ Ba tuần này, tức trước 48 giờ trước Lễ Tạ Ơn. Cũng trong tuần, Best Buy thì gửi email nhắc nhở và chào mời cho khách hàng mỗi ngày. Amazon thì có lẽ cho rằng một Black Friday vẫn chưa đủ, nên đã “nhanh nhảu” tự tạo nên chương trình “Black Friday Deals Week” diễn ra mỗi thứ sáu hằng tuần.
Các cửa hàng đã cố gắng thu hút khách không chỉ bằng chương trình giảm giá mà còn “hơn thua” nhau trong từng giờ mở của. Cửa phải được mở trước các đối thủ cạnh tranh của họ thì mới đạt được doanh thu tối ưu. Hartjen – chuyên gia nghiên cứu thị trường bán lẻ tại RetailNext – chia sẻ: “Trước khi internet xuất hiện và thay đổi bản chất của việc mua sắm, thì các chi nhánh cửa hàng phải đảm bảo đầy đủ hàng trữ, nhân viên, không gian thì mới có thể đáp ứng chất lượng cho ngày hội giảm giá Black Friday được. Đều này tạo nên một áp lực rất lớn đến nhà bán hàng vì chi phí hàng tồn kho, chi phí nhân viên và cơ sở hạ tầng tăng vọt. Nhưng trong những năm gần đây, thương mại điện tử đã làm cho Black Friday dễ dàng hơn - cho cả nhà bán lẻ lẫn người mua sắm”.
Năm nay, Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ dự kiến mua sắm cuối tuần có thể đạt đỉnh điểm vào thứ Sáu ngày 23/11, với ước tính 116 triệu người tham gia. Black Friday không chỉ dừng lại ở việc bán hàng, giờ đây nó đã trở thành truyền thống và văn hóa.
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.