Nghĩa trang hoang lạnh của hàng vạn hài nhi xấu số
Những ngày đầu tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn), chúng tôi tìm về thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Nghĩa trang Đồi Cốc nằm hiu quạnh ngay sát cánh đồng của xã Thanh Xuân, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km nhưng ít ai biết rằng đây là nơi an nghỉ của hàng vạn hài nhi xấu số, chưa kịp chào đời vì lý do nào đó.
Dạo quanh nghĩa trang, chúng tôi cùng nhiều người không khỏi rùng mình, xót xa khi những ngôi mộ trắng cứ thế nằm sát nhau thẳng hàng dài, rất nhiều tiểu, quách được xếp cao như bức tường. Hơn thế nữa trong những ngôi mộ đó chứa đựng hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn thai nhi chưa từng có cơ hội được làm người, được thấy ánh mặt trời nhưng đã bị tước đoạt mạng sống.
Nghĩa trang thôn Đồi Cốc là mái nhà nhỏ từ hơn 10 năm nay của những sinh linh bé bỏng. Sau khi được thu nhặt từ những phòng khám, cơ sở y tế,… các em được tắm rửa, khâm liệm và đặt trong tủ lạnh trong ngôi nhà ngay giữa nghĩa trang. Nhiều năm rồi, xót thương những kiếp thai nhi bị bỏ rơi khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời, người dân vẫn lặng lẽ đưa các em về nơi đây. Cho đến tận bây giờ, chốn hoang vu này đã trở thành nẻo về ai oán của hơn 120.000 thai nhi.
Từng căn mộ nhỏ nằm san sát nhau chạy dọc nghĩa trang, trên bia đều ghi tên, ngày mất của các bé. Có mộ chứa đến 10.000 sinh linh, đặc biệt, ngôi mộ lớn dưới chân bức tượng chính chứa đến 30.000 hài nhi. Những bông hoa héo úa, những hình nộm siêu nhân, búp bê được đặt cạnh mộ khiến ai ai khi nhìn thấy cũng không thôi xót xa.
Cứ mỗi lần có những đoàn tình nguyện hay người dân đến, nghĩa trang lại nghi ngút hương khói, cuốn nhật ký thấm đẫm nước mắt đau khổ lại thêm nhiều trang được ghi kín chữ. Cuốn sổ không chỉ ghi lại những ân hận của các bậc làm cha, làm mẹ vì nông nổi thời trẻ mà còn là tình cảm những người xa lạ, những tấm lòng gửi tới các thiên thần nhí.
Là người hơn 10 năm gắn bó với những sinh linh xấu số, chưa được làm người, bà Nguyễn Thị Nhiệm không khỏi đau đáu mỗi khi nghĩ tới các em. Bao năm qua, ròng rã không kể ngày nắng hay mưa, đông hay hè, mỗi ngày hai lần bà tới gõ cửa các phòng khám, cơ sở y tế có dịch vụ nạo phá thai để xin xác hài nhi bị cha mẹ bỏ rơi, mang về nghĩa trang Đồi Cốc để chôn cất.
Dù quá xót xa nhưng theo bà Nhiệm, số hài nhi được đưa về nghĩa trang ngày càng nhiều và chưa có dấu hiệu dừng lại. Những ngôi mộ cứ thế mọc lên san sát.
“Có những hôm nửa đêm, rạng sáng, thậm chí là đang ngồi ăn cơm… chỉ cần nhận được cuộc điện thoại có thai nhi bị bỏ rơi, cần hỗ trợ tôi hoặc những người thân của mình lại lên đường. Mỗi khi phải tự tay đưa các cháu vào nằm lọt thỏm trong những chiếc tiểu sành, tôi vô cùng đau xót. Tôi chỉ mong một ngày nào đó, sẽ không còn những cháu bé tội nghiệp bị tước đi quyền sống của mình”, bà Nhiệm tâm sự.
Nơi cưu mang những cô gái “trót” bụng mang dạ chửa
Cách nghĩa trang không xa là một căn nhà tình thương do vợ chồng bà Nhiệm xây dựng từ khoản tiền ủng hộ, nơi đây là mái nhà của những thai phụ lầm lỡ. Có những phụ nữ trẻ tuổi mang con đến đây nhờ nuôi, cũng có những người tới đây sinh sống một thời gian trước khi sinh con. Tất cả đều mang chung nỗi mặc cảm lầm lỗi, nông nổi của tuổi trẻ…
Khi thấy chúng tôi ,những người phụ nữ trẻ trót lầm lỗi thấy mặc cảm, đứng nép mình phía trang ngôi nhà. Họ luôn đóng kín cửa và ngại tiếp xúc với bên ngoài. Những cuộc tình vụng dại trót để lại hậu quả, những người mẹ tìm đến nơi này như sự bấu víu cuối cùng. Phần vì sợ gia đình, phần vì hàng xóm người thân bàn tán dị nghị, họ bụng mang dạ chửa đến sống với nhau.
“Tết vừa rồi, có 2 người phụ nữ mang con 8 tháng tuổi đến gửi tôi trông để về quê, ở quê gia đình chưa biết họ đã có con. Nghĩ cũng thương vì đã nhiều năm nay họ không về quê thăm bố mẹ, vậy là tôi đồng ý giúp. Trông trẻ đã quen hơi mẹ khó khăn vô cùng, các cháu khóc thâu đêm. Lúc ấy tất cả thành viên trong gia đình phải thay nhau trông các cháu”, bà Nhiệm kể.
Phần nhiều thai phụ sau khi sinh con xong đều mang về, nhưng cũng có những trường hợp để con lại rồi bỏ đi biệt tích. Có người để lại bức thư nhắn nhủ rằng 1 tuần sau sẽ đến đón hài nhi, nhưng đợi mãi đợi hoài chẳng thấy quay lại… Và những đứa trẻ đó, chúng lớn lên không biết mặt cha mặt mẹ, vẫn luôn miệng xưng con và gọi bà Nhiệm là “mẹ”.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, bà Nhiệm cười hiền bảo: “Khi vẫn còn các cháu nhỏ bị bỏ rơi, khi còn sức khỏe là tôi vẫn đi đưa các cháu về án táng. Để các cháu nằm ngoài kia một mình lạnh lẽo lắm”.
Căn nhà tình thương, khu nghĩa trang hài nhi khuất bóng dần, nhưng những hình ảnh đó cứ thế mãi ám ảnh chúng tôi. Ở nơi đó, dãy nấm mồ nhỏ vẫn nép mình dưới tình thương của những con người vô danh thầm lặng, những đứa trẻ, những người phụ nữ chót mang lầm lỡ được cưu mang. Từ trong thâm tâm, chúng tôi mong rằng sẽ không có những thai nhi bị tước đoạt mạng sống, để các em có thể thấy ánh mặt trời, nơi đó có tình yêu thương của con người với con người.
Theo saostar.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.