Phương pháp giáo dục này giúp xây dựng nền tảng cơ bản cho trẻ giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi. Bởi đây là giai đoạn trẻ có sự phát triển về mặt não bộ, khả năng tiếp thu và học hỏi kiến thức mạnh nhất, nhanh nhất so với các giai đoạn về sau của con người. Đây chính là 7 lợi ích tuyệt với mà phương pháp giáo dục Montessori mang lại cho trẻ:
|
1. Tập trung vào các giai đoạn phát triển chính
Chương trình giảng dạy theo phương pháp Montessori chủ yếu tập trung vào những cột mốc phát triển quan trọng ở trẻ em từ 3 đến 5 tuổi. Các bé nhỏ hơn sẽ được chú trọng vào việc luyện tập kỹ năng điều khiển các cơ lớn và ngôn ngữ. Trẻ 4 tuổi có thể được cho làm quen với những kỹ năng vận động cũng như hoàn thành các hoạt động thường nhật như nấu ăn, vẽ tranh, làm đồ thủ công mỹ nghệ. Khi được 5 tuổi, trẻ sẽ mở rộng trải nghiệm về cộng đồng thông qua những chuyến dã ngoại.
2. Khuyến khích việc chơi đùa hợp tác
Khi áp dụng phương pháp Montesorri, giáo viên sẽ không đứng lớp mà chính các học sinh mới là người quyết định hoạt động trong ngày sẽ diễn ra như thế nào. Điều này khuyến khích các bé chia sẻ ý kiến và làm việc hợp tác cùng nhau để tìm ra hướng đi. Trẻ em trong lớp học sẽ học được cách tôn trọng mọi người cũng như ý thức xây dựng cộng đồng từ chính những ảnh hưởng từ môi trường sinh hoạt.
|
3. Lấy trẻ làm trung tâm
Theo phương pháp này, học sinh học chương trình được giảng dạy, thiết kế dựa trên nhu cầu và khả năng cụ thể của từng bé. Điều này nhằm cho phép trẻ được khám phá cũng như học tập theo tốc độ, quy luật của riêng mình. Giáo viên không so sánh trẻ hay đưa ra thành tích thi đua giữa trẻ với các trẻ khác, khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc khi đến lớp.
Tất cả mọi thứ trong lớp học luôn được đặt vừa tầm với của trẻ. Bàn ghế, kệ để sách, tủ đồ chơi đều có kích thước phù hợp với các bé nhằm giúp bé ngồi thoải mái, tự lấy bất cứ món đồ nào mình thích. Ngoài ra, trẻ lớn tuổi hơn cũng chơi đùa cùng các em nhỏ, vì vậy việc dạy dỗ học hỏi lẫn nhau còn đến từ những người bạn cùng lớp.
4. Trẻ học được cách tự kỷ luật bản thân
Phương pháp giáo dục này cho phép trẻ tự chọn các hoạt động mà chúng muốn để thực hiện mỗi ngày và thời gian thực hiện từng hoạt động. Song phương pháp giáo dục này vẫn có những quy tắc cơ bản cụ thể mà giáo viên cũng như học sinh phải tuân theo. Môi trường này dần dạy trẻ em rèn luyện tính kỷ luật và trau dồi các kỹ năng quan trọng như tập trung, tự kiểm soát.
5. Môi trường lớp học dạy trẻ về sự ngăn nắp
Tất cả các đồ vật trong lớp học đều có vị trí chính xác trên kệ. Khi hoàn thành một hoạt động, bé sẽ phải đặt các đồ vật trở lại nơi thích hợp. Ý thức về trật tự này giúp tạo điều kiện cho quá trình học tập, tính tự kỷ luật và đáp ứng nhu cầu bẩm sinh của một đứa trẻ về môi trường có trật tự. Khi làm việc hoặc vui chơi trong những khu vực gọn gàng, các con có thể phát huy hết sự sáng tạo và tập trung hoàn toàn vào quá trình học tập.
6. Trẻ được tự do học tập trải nghiệm
Trong lớp học, giáo viên sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn tạo điều kiện cho các bé tự do học tập trải nghiệm chứ không quyết định trẻ phải làm thế nào. Họ cũng đảm bảo các quy tắc cơ bản mà cả lớp học phải tuân theo và khuyến khích học sinh thực hiện nhiệm vụ của mình, song không can thiệp vào tốc độ của lớp học.
|
7. Tạo cho trẻ nguồn cảm hứng sáng tạo
Vì trẻ được tự do chọn các hoạt động cho mình, làm việc theo những quy tắc riêng nên sự sáng tạo trong lớp học luôn được khuyến khích. Các con thường làm việc theo nhiệm vụ vì niềm vui tìm thấy trong cả quá trình hơn là kết quả cuối cùng, do đó cảm hứng sáng tạo sẽ được nảy sinh.
Ngoài ra, việc bé được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau cũng khuyến khích trẻ mở rộng suy nghĩ của bản thân về thế giới và giải quyết các vấn đề theo nhiều cách.
Theo sohuutritue.net.vn