9 thói quen có lợi cho sức khỏe bố mẹ cần dạy cho con

(lamchame.vn) - Những thói quen sinh hoạt hàng ngày tuy đơn giản nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Bố mẹ nên hướng dẫn con duy trì các thói quen đó càng sớm càng tốt đề con có sức đề kháng và phát triển khỏe mạnh.

1. Rửa tay

Rửa tay là cách giữ vệ sinh dễ dàng và tốt nhất cho các thành viên trong gia đình, tránh các mầm bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng và bệnh tật. Bạn hãy bắt đầu tập cho bé thói quen này bằng việc giải thích lý do vì sao rửa tay rất quan trọng và dùng những từ ngữ mà trẻ có thể hiểu được. Ví dụ: “Rửa tay sẽ giúp loại bỏ những vi khuẩn có hại khiến con bị bệnh đó”.

Tiếp theo, bạn hãy cho con biết khi nào bắt buộc bé phải rửa tay, ví dụ như sau khi đi vệ sinh, tham gia hoạt động ngoài trời hoặc trước bữa ăn. Cuối cùng, việc hướng dẫn con làm thế nào để rửa tay cũng rất quan trọng, trẻ không chỉ rửa sạch lòng hay mu bàn tay mà còn phải chà rửa kỹ các kẽ tay, ngón tay. Ngoài ra, mỗi lần rửa tay đều nên kéo dài ít nhất 10 – 15 giây.

2. Che miệng khi ho, hắt hơi

Bạn hãy dạy con yêu cách sử dụng khăn giấy khi ho và hắt hơi để không lây lan vi khuẩn. Thật ra, đối với trẻ ở tuổi chập chững tập đi, con vẫn còn nhỏ để nhớ rằng phải che miệng hay xoay sang hướng khác để không bắn nước bọt ảnh hưởng đến người khác, nhưng bạn vẫn có thể nhắc nhở mỗi lần con hắt hơi bằng cách làm mẫu cho trẻ.

3. Bỏ rác đúng nơi quy định

Mỗi ngày, con có thể sử dụng nhiều khăn giấy hoặc thải các loại rác khác. Nếu bố mẹ chỉ gom rác lại và để mặc chúng ở một nơi nào đó, điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan. Trẻ nhỏ thường không quan tâm đến điều này. Do đó, để tránh tình trạng này xảy ra, bạn hãy dạy con bỏ rác vào thùng sau khi sử dụng. Nói cho trẻ biết vì sao nên làm như thế để bé dần hình thành thói quen tốt này không chỉ ở nhà mà cả ở những nơi công cộng.

4. Chăm sóc răng miệng

Trước 8 tuổi, trẻ vẫn cần bố mẹ hỗ trợ việc làm sạch răng. Tuy nhiên, bạn nên tập cho bé thói quen đánh răng 2 lần mỗi ngày. Khi răng của bé đã phát triển và mọc đầy đủ, bạn có thể dạy con dùng chỉ nha khoa. Chỉ này được thiết kế để loại bỏ mảng bám thức ăn tại những khe, kẽ răng, giữa răng và dưới nướu răng mà bàn chải đánh răng không thể chạm tới được. Sử dụng chỉ nha khoa đều đặn sẽ giúp bé giảm thiểu khả năng bị sâu răng tấn công.

Ngoài ra, bạn nên có thói quen đưa con đến nha sĩ thường xuyên để được kiểm tra răng miệng và ngăn ngừa những bệnh răng miệng có thể xảy ra.

5. Sử dụng kem chống nắng

Ánh nắng mặt trời gay gắt có thể làm tăng khả năng bị ung thư da trong tương lai. Do đó, việc sử dụng kem chống nắng là điều cần thiết trước khi trẻ ra ngoài. Mũ che, áo tay dài hoặc áo khoác không có tác dụng phòng ngừa tác hại của các tia bức xạ như nhiều người vẫn nghĩ. Bạn nên cho trẻ dùng sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên.

6. Vận động

Không phải đứa trẻ nào cũng yêu thích việc tập luyện thể thao. Tuy nhiên, việc làm quen với những hoạt động thể thao sẽ giúp ích cho sự phát triển của con sau này và hình thành thói quen thích vận động để giữ cơ thể luôn khỏe mạnh. Hãy cho con có cơ hội học nhiều môn thể thao như bơi lội, cầu lông, bóng rổ, …

Ngoài ra, nếu trẻ bị thừa cân, bạn đừng bao giờ xét nét về ngoại hình của con bằng những câu nói khiến con tổn thương như: “Ăn bánh kẹo nhiều quá, con sẽ to như trái bóng lăn xấu xí đấy”. Thay vào đó, bạn nên cùng con tập luyện để con có cảm giác được khuyến khích.

7. Bảo vệ đầu

Bạn đừng bỏ qua việc dạy cho con biết cách bảo vệ đầu bằng cách đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, đạp xe hoặc bất cứ môn thể thao nào có thể làm tổn thương não. Hãy giải thích với bé vai trò của não bộ và điều gì sẽ xảy ra khi não bị va đập mạnh.

8. Luôn ăn sáng

Luôn cho con ăn đúng giờ vào mỗi bữa sáng. Điều này sẽ giúp trẻ tiếp tục giữ thói quen tốt đó khi lớn lên. Bạn có thể giải thích cho bé biết vì sao ăn sáng lại có lợi như hỗ trợ cho trẻ có đầy đủ năng lượng để học tập hoặc vui chơi, phòng ngừa các bệnh mạn tính có thể xảy ra, giúp con luôn khỏe mạnh.

Các chuyên gia dinh dưỡng đã xác nhận rằng bữa sáng sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh béo phì ở trẻ nhỏ gấp 4 lần. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ dồi dào trong nhiều loại ngũ cốc ăn sáng có thể hỗ trợ trong việc hạn chế khả năng mắc bệnh tiểu đường và tim.

9. Uống nhiều nước lọc

Trẻ nhỏ thường khó thoát khỏi sức hấp dẫn của các loại nước ngọt và trà sữa để tìm đến một chai nước lọc nhạt nhẽo, không có mùi vị. Tuy nhiên, bạn vẫn phải hạn chế trẻ sử dụng các loại thức uống nhiều đường mà không chứa dinh dưỡng, lại có thể gây sâu răng này. Ngoài uống nước, hãy cho bé uống nước ép trái cây để đổi khẩu vị cho con.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU