Cẩn thận kẻo mua nhầm bánh kẹo nhái trong giỏ quà tết

(lamchame.vn) - Cứ dịp tết đến, ăn theo sự sôi động của thị trường, các cơ sở sản xuất bánh kẹo nhái lợi dụng tung hoành “sáng tác” mẫu mã theo các thương hiệu lớn để trục lợi. Từ bao bì, logo cho đến trọng lượng hay thành phần nguyên liệu giống đến 90% sản phẩm chính hãng, bảo sao người tiêu dùng không “sập bẫy”!

Vòng xoáy “thật- giả”

Hiện nay trên thị trường, bánh kẹo nhập khẩu rất phong phú và đa dạng xuất xứ từ nhiều nước như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Bỉ…Giá của những sản phẩm nhập khẩu cũng cao hơn giá bánh kẹo trong nước, đặc biệt là các dòng bánh cao cấp.

Lợi dụng tâm lý sính ngoại người tiêu dùng có nhu cầu mua quà biếu tết là những mặt hàng cao cấp này, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng… rồi dán mác “ngoại” để tung ra thị trường tiêu thụ.

Trên thị trường Hà Nội và các tỉnh thành hiện nay, rất nhiều sản phẩm bánh, kẹo có tên na ná với các sản phẩm thật như: bim bim Oishi với Oshi, kẹo Alpeliebe Original với Apellebe OY, kẹo Cheng Gum với Chewing Gum... hoặc các loại vỏ hộp mang mác ngoại với nhãn hiệu Dbent, Danson, Classic, Red Rose... nhưng bên trong là các loại bánh không rõ nguồn gốc.

Mặc dù tình trạng hàng giả tràn lan kéo dài nhưng các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả cũng khó có thể đưa ra biện pháp mạnh tay để giải quyết.

Bánh kẹo nhái có giá rất rẻ, có loại giá chỉ bằng 1/10 so với giá của hàng thật. Nhưng khi được tung ra thị trường, những sản phẩm này ngang nhiên được bán với giá tương đương. Chính vì thu được món hời lớn như vậy, không khó hiểu khi những cơ sở làm hàng nhái vẫn tiếp tục sản xuất mặc dù đã bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”.

Thậm chí, một chủ cơ sở sản xuất bao bì từng nói: “Bây giờ làm giả rất nguy hiểm, nên nhiều cơ sở sản xuất chuyển qua làm nhái cho… lành và cách dễ làm nhất là dựa trên các bao bì hàng thật, các chủ hàng sẽ đặt làm giống hệt mẫu mã bao bì hàng thật về màu sắc, kích cỡ và chỉ thay đổi một vài chữ trên thương hiệu đó”.

Thực tế, hàng nhái bao bì này tiêu thụ ở các thành phố lớn rất dễ bị cơ quan chức năng phát hiện và khó qua mặt được người tiêu dùng sành sỏi. Tuy nhiên, nếu đưa về tiêu thụ ở các làng quê thì lại rất đắt hàng, phần vì giá rẻ, lại giống sản phẩm được quảng cáo trên ti vi, phần vì người tiêu dùng ở phân khúc thị trường này cũng không có nhiều kinh nghiệm để phân biệt hàng thật, hàng nhái. Điều đó lý giải tại sao hàng nhái vẫn có “đất” sống khỏe.

Bên cạnh đó, trên thị trường cũng xuất hiện rất nhiều loại kẹo, bánh, giá rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng. Mặt hàng được đựng la liệt trong những hộp các-tông, rổ, túi hoặc bao lớn, các loại bánh quy, bánh sữa kem không có nhãn phụ, không ghi ngày sử dụng giá chỉ từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, các loại kẹo dẻo, bắp dẻo, rau câu có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, kẹo đậu phộng, kẹo me được chào giá cao hơn, từ 60.000 - 80.000 đồng/kg…

Khi được hỏi xuất xứ các loại bánh kẹo này, hầu hết người bán hàng cho rằng, kẹo được sản xuất tại các cơ sở trong nước, một số nhập khẩu vì không mất chi phí bao bì, đóng gói nên có… giá rẻ. Tuy nhiên, nhiều nhãn bánh mứt là tiếng Trung Quốc không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi thông tin về sản phẩm.

Không những vậy, hiện nay còn có hình thức bán hàng trên thị trường mới, đó là “chợ Facebook”. Đây được coi là một trong những kênh bán hàng được ưa chuộng bởi lượng tiếp cận khách hàng khá lớn. Tuy nhiên, điều đáng nói là bên cạnh những mặt hàng có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì rất nhiều mặt hàng được làm giả, làm nhái và bán ra với giá rất rẻ

Luôn phải là… nhà tiêu dùng thông thái

Nếu mua giỏ quà biếu Tết, không nên mua giỏ quà đã gói sẵn. Người tiêu dùng nên tự chọn các hộp bánh kẹo rời bên ngoài rồi gói thành giỏ quà để đảm bảo an toàn, tránh những sản phẩm kém chất lượng được gói sẵn trong giỏ quà.

Người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc và có mùi khó chịu. Tốt nhất nên lựa chọn bánh kẹo của các thương hiệu uy tín.

Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

Đặc biệt, trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào người dùng nên đọc thật kỹ tên món hàng mình định mua và kiểm tra kỹ vỏ hộp tránh rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

Sở dĩ hàng nhái hàng kém chất lượng vẫn “có đất sống” là bởi tâm lý ham rẻ, chuộng bao bì mẫu mã bắt mắt mà không quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng hoặc hàm lượng dinh dưỡng. Bánh kẹo bị làm giả hầu hết có chất lượng rất kém, không có mùi thơm, cứng và không bùi như hàng chính hãng. Đáng chú ý, những sản phẩm này lại cùng in giống nhau thông tin về thành phần, giá trị dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng trên bao bì sản phẩm nên người tiêu dùng khó phân biệt.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU