Dọc dải làng quê miền Trung, người ta gọi những đụn rơm bằng những tên gọi khác nhau. Có nơi gọi là cọc rơm, nơi thì gọi là cây rơm và tên gọi quen nhất vẫn là nọc rơm. Rơm là phụ phẩm từ cây lúa sau khi đã tuốt sạch thóc, được phơi khô vun thành đống. Ngày nắng, rơm khô ngan ngát thơm lan toả khắp đường quê. Người ta phơi rơm như những tấm thảm vàng trải đều trên sân nhà, lối đi. Rơm khô là nguồn thức ăn chính, là vật dụng ủ ấm của trâu, bò trong những ngày tháng mùa đông giá rét…
Hình ảnh những nọc rơm nơi miền Trung nghèo khó |
Làng như nhuộm màu xám - màu xám từ những nọc rơm mà hầu như nhà nào trong làng cũng có. Lúc mới vun, những nọc rơm đều có một màu vàng óng rất đẹp, nhưng theo thời gian, trải qua những ngày nắng hay sau vài trận mưa, nọc rơm nào cũng phủ màu xám. Những người già vốn lo xa, nhưng nếu trong nhà có nhiều nọc rơm thì nỗi lo cũng vơi đi. Mùa mưa dai dẳng, nếu chẳng có nọc rơm, người làng chẳng biết xoay xở thế nào để có nguồn thức ăn cho đàn bò cầm cự.
Rơm được nhiều người tận dụng lại sau ngày mùa |
Nọc rơm từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong chăn nuôi của người dân quê. Nhưng ngay cả những người sống ở làng, đôi lúc ngẫm lại, cũng cảm thấy ngạc nhiên: không biết từ đâu, không biết từ khi nào, người làng tìm cách trữ rơm bằng những nọc rơm như thế. Có lẽ, người ở làng vốn quen tích góp. Có lẽ, người ở làng vốn lo xa. Và những nọc rơm như nói thay tính cách của họ.
Trong ký ức nhiều người đây chính là hình ảnh quê nhà |
Nọc rơm - nơi chứa chất những buồn vui theo những vụ lúa lúc được lúc mất. Nọc rơm - nơi gắn liền với tuổi thơ trong trẻo. Trong miền ký ức của không ít người xa quê, có hình dáng của nọc rơm, có màu của rơm và mùi của rơm. Và mỗi khi mùa mưa đến, nỗi nhớ ấy càng da diết hơn. Nọc rơm mùa mưa tuy không còn mùi thơm mới như lúc đưa về từ cánh đồng mà thay vào đó là một chút ẩm mục riêng sau những trận mưa. Giữa phố thị ồn ào, bất chợt lại thèm được một lần đón nhận cái mùi rơm rạ ấy. Nỗi nhớ làng, quê hương cứ thế mà quay về.
Theo sohuutritue.net.vn