Rachael Taylor-Tuller, chủ sở hữu trang trại bò sữa sản xuất pho mát thủ công ở Olympia, Washington, Mỹ tự hào khi được hai con nhỏ giúp việc hàng ngày. Cô chia sẻ trải nghiệm nuôi con trong trang trại trên Motherly.
Việc vặt là một phần vô cùng quan trọng trong triết lý giáo dục con cái của vợ chồng tôi.
Khi lần đầu lập bảng phân công nhiệm vụ cho các con, tôi tràn đầy hy vọng. Khoảng một tuần trước đó, Matthew và tôi bắt đầu nói về những việc vặt để bọn trẻ làm quen: "Con nghĩ xem, con muốn những công việc của mình sẽ như thế nào?", "Con có muốn theo dõi tiến trình làm việc bằng nhãn dán hoặc tem không?".
Ngày lập bảng chính thức khiến tất cả thành viên đều háo hức. Chúng tôi đã đến cửa hàng thủ công, chọn ra bảng áp phích và tem dán. Tôi để lũ trẻ quyết định tất cả về hình thức của bảng phân công, mong chúng sẽ có nhiều cảm hứng để hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, tôi dành thời gian viết các công việc cụ thể ra bảng.
Các con của Rachael lớn lên cùng nhiều loài động vật. Ảnh: Rachael Taylor-Tuller |
Những đứa trẻ, một 5 tuổi và một 2 tuổi rưỡi, được sinh ra trong trang trại gia đình. Chúng lớn lên giữa các loài động vật. Chúng bò trong bếp bên cạnh một chú heo con vừa mất mẹ, âu yếm với những chú dê con mới sinh trên giường thay vì thú nhồi bông. Chúng đã chứng kiến sự sinh nở và cả cái chết, cả hai việc đều khiến chúng tò mò như nhau.
"Cho dê con bú đi!" Isadora hét lên. Banzai nhìn theo chị và cũng hét lên những câu tương tự.
Đối với hai con của tôi, trang trại và công việc nhà nông không phải là niềm đam mê mới như cách bố mẹ chúng nhìn nhận. Đó chính là cuộc sống của chúng.
Là nông dân, chủ sở hữu của một trang trại bò sữa làm pho mát thủ công, Matthew và tôi dành phần lớn thời gian trong ngày để làm việc. Trừ lúc vào phòng làm phô mai, chúng tôi thực hiện hầu hết công việc bên cạnh bọn trẻ.
Isadora (5 tuổi) đủ khả năng làm những nhiệm vụ quan trọng giúp bố mẹ. Con bé có thể cho dê con bú sữa, chuẩn bị các công đoạn để vắt sữa, lấy cỏ khô cho ngựa và lạc đà không bướu ăn, chở thức ăn cho lợn trong xe cút kít nhỏ của mình, dọn chuồng và không gian xung quanh.
Banzai (2 tuổi rưỡi) ở ngay bên cạnh chị, học hỏi và trưởng thành từng bước một. Thằng bé nhặt những sợi dây còn sót lại trên mặt đất, mang đến cho ngựa từng đống cỏ khô theo kích cỡ phù hợp với bàn tay của mình và nhổ cỏ dại (chúng tôi vẫn đang dạy nó cách xác định cỏ dại).
Trang trại sữa bò giúp vợ chồng Rachael dạy con nhiều bài học ý nghĩa. Ảnh: Rachael Taylor-Tuller |
Có lúc, Matthew và tôi lùi lại một bước và tự hỏi: "Có phải chúng ta đang cướp đi tuổi thơ kỳ diệu của lũ trẻ bằng cách yêu cầu chúng làm những công việc trong trang trại?".
Trong một tuần, chúng tôi theo dõi sát sao để tìm kiếm manh mối, để xác định liệu mình có khiến những tâm hồn bé bỏng bị ảnh hưởng bởi những yêu cầu liên quan đến lao động chân tay. Tuy nhiên, trái ngược với những gì chúng tôi lo sợ, hai đứa trẻ hưởng lợi nhiều hơn từ việc đó.
Trang trại đang giúp định hình lũ trẻ thành những cá nhân mạnh mẽ, có định hướng. Chúng quan tâm đến trang trại này không phải vì đó là nơi mình sống, hay vì đó là nơi tạo ra nguồn thức ăn dành cho mình, mà vì chúng coi đó là trang trại của mình.
Khi đi dạo quanh trang trại, chúng không đơn thuần xem đó chỉ là sân chơi, chúng cảm thấy trách nhiệm gắn chặt với nó. Chúng quan sát mọi thứ và thường chạy đến báo cho bố mẹ:
"Lũ dê con ra khỏi đồng cỏ và đang ăn khu vườn của chúng ta rồi!".
"Một con công vừa mới sinh con!".
"Những con lợn tè vào chậu nước của chúng!".
Ngay lập tức, chúng sẽ bắt đầu đưa ra giải pháp cho vấn đề vừa gặp phải.
Trang trại đã giúp bọn trẻ biết rằng ý kiến của mình được coi trọng, và bản thân chúng cũng được coi trọng.
Nhưng chuyện gì đã xảy ra với bảng phân công nhiệm vụ? Thực tế, nó đã rơi xuống phía sau tủ lạnh và không bao giờ được nhìn thấy nữa.
Tôi đã rất cố gắng để truyền cảm hứng cho bọn trẻ bằng một tấm bảng phân công mà quên mất sự thật rằng trang trại này vốn đã trao quyền cho chúng đóng góp vào việc chung của gia đình.
Hàng ngày, các con tôi ở cạnh bố mẹ, nhìn thấy tấm gương về sự chăm chỉ và quyết tâm. Trong quá trình đó, chúng tự học hỏi về sức mạnh của cơ thể và sự rắn rỏi trong tinh thần.
Banzai học cách vắt sữa bò. Ảnh: Rachael Taylor-Tuller |
Công việc hàng ngày đối với chúng dần trở nên dễ dàng. Chúng tôi phải làm mẫu ít hơn. Chúng tôi không cần nhắc con về các bước để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng bắt đầu hiểu vai trò của mình trong một công việc cụ thể và làm rất thuần thục.
Theo tôi, việc vặt không làm mất đi sự kỳ diệu của tuổi thơ, ngược lại nó khiến tuổi thơ kỳ diệu hơn. Các công việc nhỏ quanh trang trại đã cho những đứa trẻ này một mục đích, và tinh thần trách nhiệm được hình thành bây giờ sẽ theo chúng trong nhiều năm tới.
Theo sohuutritue.net.vn