Không may ăn phải thịt lợn mắc dịch tả có nguy hiểm không?

(lamchame.vn) -Người dân ăn phải lợn bị dịch tả châu Phi thì không bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến lợn có thể mắc thêm các loại bệnh nguy hiểm khác và có nguy cơ đe dọa sức khỏe con người.

Hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT đã có 7 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn, trong đó nhiều nhất là Hưng Yên với hàng trăm hộ đã được phát hiện lợn có dịch.

 

Đối với lợn bị bệnh, nếu bị tiêu hủy sẽ được nhà nước hỗ trợ 38.000 đồng/kg. Thậm chí, Chính phủ cũng đã đồng ý nâng giá hỗ trợ lợn giống bị tiêu hủy cho người chăn nuôi bớt thiệt thòi. Tuy nhiên, nhiều hộ dân có thể không biết chính sách này hoặc cho rằng giá hỗ trợ chưa phù hợp nên khi lợn ốm đã bán chạy ra thị trường. Do đó, nguy cơ thịt lợn bị dịch tả lợn châu Phi có thể xảy ra. Vậy, người tiêu dùng khi ăn phải thịt lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm như thế nào?

Trao đổi với PNVN, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTN), cho biết, việc người dân lo lắng là có cơ sở. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, thì dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. Vì vậy, người tiêu dùng không nên tẩy chay thịt lợn.
Còn theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh nhưng không lây sang người. Vì vậy, nếu người dân có ăn phải thịt lợn bệnh thì cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe

Tuy dịch bệnh này không gây bệnh trên người, nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Đây là những vật chủ trung gian truyền bệnh, khiến lợn có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu khuẩn. Những bệnh này rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người, bởi dù được điều trị khỏi vẫn có thể để lại biến chứng, thậm chí tử vong.

 

Ông Phu cũng cho rằng, người chăn nuôi khi thấy lợn bệnh không nên bán chạy hay giết thịt mà cần báo cho cơ quan chức năng để xác định bệnh. Bởi lợn bệnh lây sang lợn khỏe rất nhanh qua nhiều con đường khác nhau như quần áo, dụng cụ chăn nuôi,… khiến dịch bệnh càng trầm trọng hơn.

“Người chăn nuôi nên chủ động ngăn chặn dịch bằng phương pháp “sinh học” như vôi bột các lối ra vào, chuồng nuôi, kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ sở và mua lợn giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch. Ngoài ra, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh…”, ông Phu khuyến cáo.

Theo https://baomoi.com/an-phai-thit-lon-mac-benh-ta-chau-phi-nguy-hi

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU