Chợ đầy đủ trên “mạng xã hội”
Hiện nay, cách thức mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cũng khá đa dạng: Người tiêu dùng có thể mua sắm qua các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc qua mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo…
Không phủ nhận một điều rằng mua hàng online nhanh, gọn, không mất thời gian, không mất công di chuyển mà giá cả đôi khi còn rẻ hơn nhiều so với bên ngoài. Tuy nhiên, hình thức mua sắm này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Bởi người tiêu dùng không thể nhìn trực tiếp và cầm sản phẩm để đánh giá về hình dáng, màu sắc và chất lượng của sản phẩm. Vì thế, rủi ro đầu tiên mà người tiêu dùng gặp phải là hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo
Người dùng nên cảnh giác, không nên quá tin vào lời quảng cáo trên mạng xã hội.
Hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta buộc phải trở thành những người tiêu dùng thông thái để bảo vệ chính lợi ích của bản thân mình. Các báo cáo về các hành vi trộm cắp thông tin cá nhân và gian lận thẻ tín dụng đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây, đặc biệt là mùa mua sắm. Cũng dễ hiểu thôi bởi nhiều khi chúng ta thường bị đánh lừa bởi sự hấp dẫn từ các món hàng giảm giá mà bỏ qua các vấn đề về bảo mật. Nói như vậy không có nghĩa là bạn nên hạn chế mua sắm trực tuyến. Như đã nói, phương thức mua sắm này là rất văn minh và cực kỳ tiện lợi. Tuy nhiên, sẽ là tốt hơn nếu bạn có hiểu biết về những trò gian lận phổ biến thông qua thương mại điện tử, cũng như đảm bảo biết cách thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi các mối đe dọa trực tuyến.
Làm gì để không bị lừa khi mua hàng qua mạng
Hầu hết các khách hàng khi tiến hành giao dịch đều phải cung cấp thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email… những thông tin này sẽ bị các đối tượng xấu khai thác để lừa đảo hoặc sử dụng cho các cuộc tấn công, phát tán thông tin độc hại. Chính vì vậy, để tránh bị mất thông tin cá nhân, tránh bị lừa khi mua hàng qua mạng, người mua hàng cần nắm rõ 5 lưu ý sau đây để tránh rủi ro cho cá nhân.
-
- Lựa chọn trang bán hàng uy tín: Điều đầu tiên bạn cần lưu ý là lựa chọn nhà cung cấp hoặc trang thương mại điện tử tốt, có uy tín để giao dịch. Bởi vì trước khi được phép đưa sản phẩm bên sàn giao dịch, nhà cung cấp đã phải làm việc với sàn giao dịch về những vấn đề chất lượng sản phẩm, chính sách giảm giá, phương thức vận chuyển…
-
- Tìm hiểu kỹ thông tin: Người bán phải cung cấp đủ thông tin về giá cả, bảo hành, mô tả sản phẩm, địa chỉ trực tiếp, chính sách đổi trả, hoàn tiền… cho người mua có được sự lựa chọn đa dạng nhất. Để đảm bảo quyền lợi của chính mình, bạn hãy chắc chắn là đã nắm rõ tất cả những thông tin này trước khi thực hiện một giao dịch trực tuyến.
-
- Tìm hiểu thêm về thông tin sản phẩm: Nếu bạn cảm thấy sản phẩm quá “thần kỳ” đến mức khó tin (như các dụng cụ thể dục tại nhà) hay giá khuyến mại quá rẻ, đừng ngần ngại làm một cuộc “điều tra” nho nhỏ với từ khóa là chính sản phẩm bạn đang có ý định mua. Bạn sẽ rất dễ dàng tìm thấy các thông tin về giá và chất lượng sản phẩm từ các nhà cung cấp sản phẩm khác tương tự.
-
- Cẩn thận khi thanh toán: Về nguyên tắc, mua bán trực tuyến là phải thanh toán trực tuyến, thông qua tài khoản ảo trực tuyến hoặc thẻ tín dụng cá nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, bên cạnh thanh toán trực tuyến còn có hình thức thanh toán khi nhận hàng. Nhiều nhà cung cấp cho phép bạn trả tiền khi đã kiểm tra hàng hóa có đúng như mình mong muốn hay không, tuy nhiên, số này không nhiều.
-
- Giữ lại hóa đơn khi đã nhận hàng: Đây sẽ là bằng chứng, chứng cứ để bảo đảm quyền lợi cũng như để giải quyết trong các trường hợp bảo hành, đổi trả, hoàn tiền...
Mr. Go (Tổng hợp)