Sau khi Cục Thú Y thông báo đã phát hiện hơn 250 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi tại hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, các bà nội trợ đã bày tỏ sự lo lắng. Không chỉ hai tỉnh nói trên, mà những người nội trợ từ khắp đất nước cũng băn khoăn việc liệu dịch tả lợn có lây nhiễm sang người hay không.
Dịch tả lợn ở nước ngoài |
Chị Kim Anh (giáo viên ở Thanh Hóa) cho biết sáng 21-2 khi đi chợ, chị không dám mua thịt lợn, chỉ mua cá tôm cho cả nhà. Chị cho biết tuy giá thịt lợn ở chợ quê không có dấu hiệu giảm nhưng nhiều người đã nghe thông tin về dịch tả lợn nên truyền tai nhau tẩy chay khá nhiều. “Những cô giáo dạy cùng trường với tôi đều đã nghe thông tin có dịch tả lợn châu Phi nên bảo nhau không ăn nữa. Bệnh truyền sang người hay không thì chưa rõ, nhưng lợn bệnh thì tốt nhất không ăn”, chị cho hay.
Trong khi đó, chị Cẩm Nhung (quận 10, TP HCM) cho hay tuy dịch tả lợn được phát hiện ở các tỉnh phía Bắc nhưng chị vẫn không dám mua lợn ngoài chợ. “Tôi vào các siêu thị, cửa hàng chuyên bán heo sạch mua. Nghe nói heo ngoài chợ cũng có thể nhập từ phía Bắc vào”, chị kể.
Để giải đáp thắc mắc của các bà nội trợ, Bộ Y tế vừa lên tiếng phủ nhận thông tin khả năng lây lan sang người của dịch tả lợn châu Phi. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch tả lợn không lây lan sang người vì có tác nhân gây bệnh là virus nhưng hoàn toàn khác với bệnh tả ở người. Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Do đó, mọi người không nên quá lo sợ mà tẩy chay thịt lợn.
Bà nội trợ lo lắng trước dịch tả lợn châu Phi |
Theo đó, kể cả khi con người chúng ta phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh sang người.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn. Những bệnh này có thể lây nhiễm sang người, tấn công hệ tiêu hóa, nhiễm độc, viêm màng não.
Giới chuyên môn cũng khuyên người tiêu dùng, đặc biệt những bà nội trợ đi chợ cho gia đình, cần khôn ngoan khi mua thực phẩm để bảo vệ gia đình. Cần chọn loại thịt heo có đóng dấu, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Trong trường hợp những người nuôi lợn khi phát hiện lợn nhà mình mắc dịch tả, không được bán tháo lợn. Ngoài ra, người nuôi cũng không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường do lợn không có thuốc đặc trị, 100% lợn chết khi nhiễm bệnh.
Bà con nông dân khi mua lợn giống cũng cần chú ý tìm hiểu kỹ nguồn gốc, tránh mua phải đàn lợn mang mầm bệnh.