Với thời tiết nắng mưa thất thường, gió mùa Đông Bắc đột ngột như những ngày giao mùa thì việc trẻ con bị sổ mũi là chuyện bình thường. Vì lẽ đó, gần đây, trên nhiều trang mạng lan truyền mẹo chữa ho sổ mũi đầu mùa cho trẻ bằng tỏi trộn nước muối sinh lý. Theo Lương y Bùi Hồng Minh - Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội), trong Đông y, tỏi có tính cay, ấm. Hơn nữa, tỏi có chất kháng sinh tự nhiên Allicin có thể diệt vi trùng và vi nấm. Vì thế việc nhỏ tỏi pha nước muối sinh lý khi trẻ bị nghẹt, sổ mũi có thể áp dụng, và có thể có hiệu quả nếu kiên trì sử dụng. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng bởi nếu dùng liên tục sẽ làm ảnh hưởng tới niêm mạc mũi của trẻ. Khi niêm mạc bị tổn thương thì nguy cơ bệnh tái phát và bị nặng hơn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chất nhầy này được coi là hàng rào bảo vệ cho vi khuẩn bụi bẩn không thể xâm nhập vào cơ thể. Nếu lạm dụng nước muối sinh lý có thể ảnh hưởng tới có chế tiết dịch tự nhiên khiến cho trẻ rát mũi, kích ứng, chảy nước mũi. Mỗi ngày chỉ cần nhỏ vài lần, mỗi lần 1 - 2 giọt là được.
Tỏi có thể giúp phòng bệnh cảm cúm vào mùa đông |
Hơn nữa, loại tỏi mà cha mẹ lựa chọn cũng phải là tỏi sạch không ngâm thuốc chống nấm mốc hay những loại tỏi không rõ nguồn gốc. Đặc biệt phải lựa chọn loại nước muối sinh lý an toàn với sức khỏe. Dụng cụ để nhỏ tỏi cũng phải được tiệt trùng sạch sẽ, chỉ dùng tỏi ngay khi mới ép, không để trong tủ lạnh. Tốt nhất chỉ nên lựa chọn đây là phường pháp phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Ngoài tỏi chị em có thể có những bài thuốc khác như nước vo gạo và rau diếp cá, quất xanh hấp mật ong hay hoa hồng bạch hấp mật ong, nước húng chanh với quất. Mỗi bài thuốc có một tác dụng riêng nhưng đều có thể phòng những bệnh liên quan đến tai mữu họng vào những ngày giao mùa.
Hiện nay, trên mạng xã hội lan truyền rất nhiều phương pháp chữa bệnh khác nhau, những người làm cha làm mẹ chăm sóc con cái cần hết sức thận trọng, không nên tùy tiện làm theo phương pháp “truyền miệng” nhau để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con mình.
Theo sohuutritue.net.vn