Người ven Hà Nội than khổ vì điện yếu, điều hòa chạy nhưng không mát

Một số khu vực ngoại thành Hà Nội có điện áp thấp hơn phạm vi hoạt động của điều hòa, khiến thiết bị không làm mát dù vẫn thổi gió.

Chị Hồng Nhiệm (Hoài Đức, Hà Nội), mới phải mua thêm quạt hơi nước để phục vụ nhu cầu làm mát những ngày gần đây dù gia đình đã có điều hòa. "Tôi bật máy lạnh cả tiếng mà mãi vẫn chưa mát, thợ vào kiểm tra nói do khu vực này điện không đủ tải", chị vạt mồ hôi trên trán chia sẻ. "Không riêng mình tôi mà cả chục hộ khác gần đây cũng không thể dùng được điều hòa trong mấy ngày nóng gay gắt này".

Một số gia đình mở điều hòa nhưng thiết bị không làm mát. Ảnh minh họa.

Tình trạng tại khu vực của chị Nhiệm cũng là vấn đề mà không ít hộ dân miền Bắc gặp phải thời gian gần đây, đặc biệt tại khu vực xa trung tâm. Theo anh Trần Minh Hoàng, kỹ sư điện lạnh tại Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc điều hòa chạy nhưng không làm mát hoặc chỉ hơi mát là do điện yếu, tức nguồn điện cung cấp không đáp ứng đủ theo thiết kế của máy lạnh.

Theo anh Hoàng, điều hòa bán tại Việt Nam được sản xuất để chạy với nguồn điện 220V và thường có thể hoạt động trong phạm vi 200 - 230V. Vào ngày hè, đặc biệt trong đợt nắng nóng cao điểm này, nhu cầu sử dụng điện tăng vọt dẫn đến đầy tải và quá tải tại nhiều khu vực. Khi đó, nguồn điện cung cấp cho điều hòa dưới mức 200V nên thiết bị làm mát rất lâu hoặc không thể làm lạnh.

Cụ thể, với các loại điều hòa thế hệ cũ, máy nén (block) sẽ bị khởi động lại liên tục do điện yếu, thậm chí block không chạy được dù có cấp nguồn, dẫn đến hỏng bộ phận này. Khi đó, quạt gió vẫn thổi, quạt trao đổi nhiệt ở dàn nóng (khối ngoài trời) vẫn quay nhưng điều hòa không mát. Còn các loại điều hòa thế hệ mới, phổ biến hiện nay được nhà sản xuất tích hợp tính năng báo lỗi, bảo vệ động cơ. Khi điện cung cấp không đủ thì máy lạnh sẽ không hoạt động.

Một số gia đình phải mua thêm bộ ổn áp để dùng cho điều hòa.

Để khắc phục vấn đề này, anh Hoàng cho biết người dùng nên tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, không bật nhiều điều hòa cùng lúc hoặc không dùng trong khi mở các thiết bị công suất lớn khác, sử dụng dây điện tốt và đủ công suất với máy lạnh. Tại những khu vực có điện không ổn định, người dùng có thể mua thêm ổn áp để đảm bảo nguồn điện phù hợp cho điều hòa.

"Điện yếu chỉ là một trong số những nguyên nhân dẫn đến việc điều hòa chạy nhưng không làm mát trong những ngày nắng nóng này", kỹ sư Phạm Minh Tùng của công ty Panasonic, cho biết. "Khi nhiệt độ ngoài trời trên 43 độ C (46 độ C với dòng cao cấp) thì hầu hết điều hòa dân dụng hiện nay sẽ không hoạt động được do cơ chế bảo vệ quá nhiệt".

Cục nóng nên đặt tại nơi thoáng, tránh mặt trời chiếu trực tiếp.

Theo anh Tùng, người dùng cần lắp đặt cục nóng tại những nơi thoáng, có luồng gió lưu thông, tránh không gian quá hẹp, ngay sát mái tôn hay bị mặt trời chiếu trực tiếp. Ngoài ra, việc lắp đặt cũng cần những người thợ có chuyên môn bởi nếu không thực hiện hút chân không để loại bỏ không khí, hơi ẩm trong hệ thống đường ống khi lắp thì hiệu quả làm lạnh của điều hòa sẽ bị kém đi.

Ngoài ra, khi độ dài đường ống giữa cục nóng và cục lạnh (khối trong nhà) quá ngắn sẽ làm gas bị dư, máy nén bị quá tải dẫn đến hiện tượng máy lạnh chạy rồi ngắt liên tục, ảnh hưởng tới hoạt động làm mát và tuổi thọ của máy nén. "Với lượng gas nạp sẵn, độ dài đường ống tối thiểu cho máy lạnh là 3 mét và tối đa là 7,5 mét", anh Tùng cho hay. "Một số thợ hay gia đình lắp ngắn hơn khuyến cáo để tiết kiệm chi phí ban đầu nhưng thành ra gây tốn kém về sau".

Miền Bắc đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt nhất trong năm. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ cao nhất ở Hà Nội hôm 2/7 xấp xỉ 40 độ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng ghi nhận tình trạng tiêu thụ điện tăng vọt, đồng thời khuyến cáo về nguy cơ đầy tải và quá tải lưới điện cục bộ ở một số khu vực, gây mất an toàn ổn định vận hành hệ thống điện.

Theo sohoa.vnexpress.net

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU