Con trai biểu tình đòi hủy bỏ ngày Valentine
Cứ gần dịp Valentine hàng năm (1,2 thập kỷ qua), kiểu gì cũng có một nhóm các anh đàn ông kéo nhau ra khu Shibuya, Tokyo để biểu tình phản đối Valentine. Họ tự xưng là Kakumei-teki himote doumei, tạm dịch là 'Liên minh đàn ông kém hấp dẫn', nhóm này do một anh tên là Takayuki Akimoto dẫn dắt.
Theo anh Akimoto, người trong nhóm đều tự nguyện tham gia, bất kể F.A hay đã có gấu, có anh ghét Valentine thật, lại có anh chỉ đi cùng cho vui. Tuy nhiên, họ luôn tuần hành trong ôn hòa, thậm chí đón nhận những ánh nhìn tò mò, thích thú của mọi người xung quanh.
Vào ngày thứ 7 vừa qua, họ lại tụ vạ ở Shibuya, gào thét những khẩu hiệu như "Tiêu diệt Valentine đê!" hay "Đập tan chủ nghĩa lãng mạn!", thậm chí cả "Đừng để các công ty bánh kẹo chocolate thao túng bạn"...
Nhóm biểu tình kêu gọi đập tan Valentine. |
Ngoài những anh em đã quen mặt nhau, năm nay liên minh này có thêm 1 người phụ nữ, có vẻ cô này cũng rất hận việc yêu đương.
Cứ như vậy trong 12 năm qua, thậm chí có lần nhóm này còn biểu tình phản đối Giáng sinh, cũng là dịp hẹn hò đặc biệt của thanh niên Nhật Bản.
Trên thực tế, Valentine là ngày lễ nhân văn. Tuy nhiên, lại vô tình gây áp lực cho những người tự ý thức được họ... xấu, kém hấp dẫn.
Akimoto chia sẻ rằng: "Đừng đánh giá bất kỳ ai thông qua số chocolate mà họ nhận được vào ngày Valentine... Thật sai trái khi cười nhạo những ai kém hấp dẫn".
Thật ra, Akimoto và những người bạn trong "Liên minh" không hề tỏ thái độ cực đoan về các cuộc tuần hành phản đối, nhưng họ tin tưởng nhất định vào những giá trị tinh thần mà nó tạo ra. Nhóm nghĩ mình có đóng góp vào xu hướng tặng chocolate cho bạn bè, người thân vào dịp Valentine như một cách thể hiện tình yêu và sự quan tâm, thay vì chỉ tặng riêng cho người yêu.
Con gái ám ảnh vì phải tặng quà
Các cô gái Nhật Bản đang cố gắng chống lại giri choco - truyền thống buộc phái đẹp nước này phải chi hàng nghìn yen để mua chocolate tặng đồng nghiệp nam vào ngày Valentine.
Tuy là Lễ Tình nhân, theo một truyền thống có tên là giri choco (chocolate lịch sự/nghĩa vụ), không chỉ chồng hay người yêu của các cô gái được nhận quà, mà ngay cả những người con trai trong gia đình (cha, anh em trai…) hoặc cấp trên, đồng nghiệp, bạn trai bình thường cũng được tặng chocolate.
Với ý nghĩa ban đầu là món quà thể hiện sự biết ơn, quý trọng nhưng nhiều phụ nữ Nhật Bản cho rằng họ đang bị ép buộc mua quà tặng đồng nghiệp để tạo mối quan hệ tốt tại nơi làm việc và giri choco chính là biểu hiện của bất bình đẳng giới.
Thay vì được hiểu theo nghĩa là "chocolate lịch sự", nhiều cô gái gọi giri choco là "nghĩa vụ", hay thậm chí là "nỗi ám ảnh chocolate tập thể" trong ngày Valentine.
"Chúng tôi luôn phải lo nghĩ không biết nên mua chocolate bao nhiêu tiền và người mà mình sẽ rút thăm để tặng quà là đồng nghiệp nào", một nữ nhân viên văn phòng nói với Japan Today.
Phụ nữ Nhật Bản rất ghét Valentine vì áp lực tặng quà tốn kém. |
Lịch sử ngày Valentine
Trước đây, ngày Valentine chỉ là ngày lễ ở Bắc Mỹ và châu Âu, nhưng ngày nay nó đã trở nên phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.Ngày Valentine 14-2 hàng năm (Valentine's Day) còn được gọi là “Ngày lễ tình yêu” hay “Ngày lễ tình nhân”. Được đặt tên theo thánh Valentine, đây là ngày mà cả thế giới tôn vinh tình yêu đôi lứa. Họ bày tỏ tình yêu của mình bằng cách gửi cho nhau thiệp Valentine, hoa hồng, sôcôla và một số loại quà tặng đặc biệt khác mang nhiều ý nghĩa.
Tuy nhiên, với những người FA, những người bị áp lực quà tặng ngày Valentine… thì đây là ngày không mấy vui vẻ. Qua cuộc biểu tình của các chàng trai Nhật và sự ám ảnh tài chính, quà tặng của các cô gái Nhật, mọi người đang có cái nhìn khác về ngày 14/2. Ngoài quan tâm, tặng quà tới nửa kia thì các bạn hãy dành chút thời gian cho những người chưa có nửa kia xung quanh mình.
Theo sohuutritue.net.vn