Tết Đoan Ngọ ba miền Bắc – Trung – Nam khác nhau như thế nào?

(lamchame.vn) - Đoan Ngọ có thể hiểu là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Thế nhưng, phong tục cúng lễ ngày Tết Đoan Ngọ ở mỗi vùng miền trên khắp đất nước lại có những điều khác biệt.

Vào ngày 5/5 Âm lịch - Tết Đoan Ngọ, các gia đình thường chuẩn bị mâm thức ăn nguội để cúng bái tổ tiên rồi sẽ ăn để bảo vệ sức khỏe. Miền Bắc thường sẽ có quả dưa hấu trên bàn cúng; từ Thanh Hóa vào đến Huế thường nấu xôi ăn với thịt vịt. Người dân từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi thường cho trẻ nhỏ vào vườn hái quả ăn, một số ít gia đình nấu xôi chè cúng lễ. Trong khi đó, người nông dân miền Nam thường đúc bánh lọt, bánh tro, nấu chè trôi nước và xôi gấc cúng tổ tiên rồi cả nhà quây quần cùng nhau ăn.

Mâm cỗ ngày Tết Đoan Ngọ ở các vùng miền có sự khác biệt nhất định nhưng chắc chắn không thể thiếu hoa quả và cơm rượu nếp.

Những món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ở khắp 3 miền là rượu nếp (cơm rượu) và hoa quả.

Theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể.

Gạo được chọn để nấu cơm rượu nếp là loại nếp cẩm, hoặc nếp cái hoa vàng, ngon nhất là gạo nếp lứt, hạt nâu vàng, óng ả. Sau đó gạo được nấu, để nguội và ủ lên men để cho ra những hạt cơm chắc mà dẻo, quyện với men rượu đượm hương thảo dược, cay nhẹ nhưng vẫn để lại dư vị ngọt trên đầu lưỡi.

Trong khi đó, hoa quả được chọn để cúng và ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ chủ yếu là các loại quả mùa hè có tính nóng, tươi ngon và có vị chua chua, thơm nức. Đó là những trái mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu,… Đặc biệt là mận, vải. Nếu thiếu đi những thứ hoa quả này thì Tết Đoan Ngọ sẽ mất đi nhiều ý nghĩa của nó.

Tuy nhiên, ngoài 2 loại vật phẩm kể trên, mỗi miền lại có một vài món ăn đặc trưng riêng tuỳ theo phong tục tập quán cũng như nét đặc trưng của thời tiết, địa lý. Ở miền Bắc, người ta hay cúng bánh gio. Đây là loại bánh tương tự như bánh ú của người miền Nam nhưng không có nhân và ăn kèm mật mía.

Để làm được một tấm bánh gio, người ta phải rất tỉ mỉ, kỹ càng từ khâu chọn loại nếp đều hạt, thơm, đến cách gạn nước tro được đốt từ những cây rơm nếp vàng óng, đã được rửa sạch và gói, luộc, rồi cuối cùng mới có thứ bánh thơm nồng. Bánh có vị ngai ngái nồng nồng của nước tro, thanh mát, màu nâu trong trong, chấm cùng mật mía ngọt ngào, thơm nức, giản dị mà khiến người ăn nhớ mãi. Bánh được bán nhiều nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ bởi người ta luôn tin rằng khi ăn bánh gio, bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết.

Riêng người Nùng ở Mường Khương – Lào Cai lại làm bánh khúc để dâng cúng tổ tiên, thần thánh trong dịp Tết giết sâu bọ.

Vịt là món phải có trong mâm cỗ Đoan Ngọ của người miền Trung.  Họ quan niệm, bắt đầu từ mùng 5/5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Trong đó tiết canh vịt là phổ biến nhất.

Người miền Trung – đặc biệt là người gốc Huế, ngoài món thịt vịt thì thường nấu chè kê dịp Tết Đoan Ngọ. Những hạt kê mẩy tròn sau khi được xay cho tróc vỏ, ngâm và đun sôi đến khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng sẽ cho ra nồi chè thơm phức với màu vàng kê quyến rũ.

Chè kê ở Huế rất đặc biệt vì thường ăn kèm với bánh tráng mè. Lúc ăn không cần muỗng mà dùng bánh tráng để xúc. Bởi thế vị giòn của bánh tráng nhanh chóng hòa lẫn với vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của kê và thơm cay thoang thoảng của gừng tươi khiến món ngon càng thêm hấp dẫn. Món ăn có tác dụng bồi bổ khí huyết, cân bằng thể trạng cho những người thường xuyên dùng các đồ ăn, thức uống giải nhiệt.

Bánh ú nước tro là ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam, cũng là một phiên bản khác của bánh gio miền Bắc. Vào những ngày này, đi một vòng qua các khu chợ, ở đâu bạn cũng thấy bánh ú nước tro.

Có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bánh ú nước tro được gói bằng lá bên ngoài, bên trong là bột nếp và nhân đậu xanh. Bánh có màu vàng sẫm, có vị mát lạnh, được nhiều người ưa thích trong những ngày nắng nóng. Khi bóc vỏ ra, chiếc bánh có màu vàng sẫm, trơn láng không dính vào lá. Cắn một miếng, bạn sẽ cảm nhận bột bánh mềm, dẻo, phần nhân bên trong có vị ngọt thanh dễ chịu.

Ngoài ra, vào ngày này, người miền Nam còn ăn chè trôi nước. Đây là phong tục hoàn toàn khác với miền Bắc, nơi thương cúng và ăn chè trôi nước vào ngày 3/3 Âm lịch – Tết Hàn Thực.

Một điểm khác rất nổi bật giữa các vùng miền trong ngày Đoan Ngọ là ở các địa phương ven sông, biển thì tục tắm mùng năm vẫn được duy trì phổ biến. Trong ngày này, mọi người sẽ canh đúng giờ ngọ để đi tắm sông, biển. Nhiều người dân ở đồng bằng sông Cửu Long tin rằng sông nước Mê-kong trong ngày này rất linh thiêng, có thể giúp “tẩy rửa bệnh tật”. Tương tự, nhiều người đi tắm biển lúc đúng 12 giờ trưa cũng tin rằng tắm biển vào giờ này sẽ giết chết sâu bọ trong người.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU