Thấy cơm là sợ
Dọc đường đi vào ấp 3, xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đâu đâu cũng có thể thấy nông dân đang tất bật thu hoạch vụ lúa đông xuân. Ở vùng đất này, có một chàng thanh niên nổi tiếng bởi sở thích khá "lạ", đó là anh Trần Văn Trọng (SN 1996) được cả huyện biết đến vì suốt 23 năm nhưng chưa từng ăn một hạt cơm.Khi phóng viên Báo Người Lao Động tìm đến nhà anh Trọng vào một buổi trưa đầy nắng, trong căn nhà cấp 4 khá cũ chỉ có bà Đoàn Thị Chín (SN 1969, mẹ anh Trọng) ở nhà đang nấu cơm.
Nói về người con trai kỳ lạ của mình, bà Chín chia sẻ ngay: "Đúng là có chuyện con tôi từ khi sinh đến nay chưa từng ăn một hạt cơm nào. Suốt 23 năm qua, gia đình chúng tôi từ lo lắng đến ngạc nhiên rồi cũng quen về thói quen của cháu".
Bà Chín cho biết gia đình bà sinh được 2 người con, trong đó Trọng là con út. Trên Trọng còn có một chị gái hiện đã có gia đình.
"Vì gia đình khó khăn nên với chứng sợ cơm này tôi phải vất vả khá nhiều. Từ nhỏ đến giờ, quanh năm suốt tháng thức ăn chính của nó chỉ là hủ tiếu, mì tôm, phở, sữa, bánh kẹo, hoa quả. Còn lại, nó không hề ăn cơm", bà Chín tâm sự.
Cũng theo lời kể của bà Chín, việc Trọng không muốn ăn cơm, thậm chí là sợ nhìn thấy hạt cơm có lẽ bắt nguồn từ việc gia đình bà tập cho Trọng ăn dặm bằng cháo ăn liền khi còn nhỏ.
"Khi con tôi bắt đầu được tập cho ăn dặm, lúc đó hai vợ chồng cũng chỉ cho con dùng cháo. Lúc đó nó ăn rất bình thường. Tuy nhiên khi đổi qua cơm để dặm cho con, Trọng bắt đầu khóc và phun ra hết nhằm nhất quyết không ăn. Thực tế, khi ép nó ăn muỗng nào thì chỉ một lúc sau là nó lại phun ra hết. Đến khi tôi nấu cháo với thịt cho ăn thì lại ăn rất nhiều. Nghĩ rằng lúc đầu do con chưa quen nhưng một thời gian dài sau đó, cứ đưa muỗng cơm lên là Trọng lại có biểu hiện như vậy", bà Chín nhớ lại.
Suốt một thời gian dài sau đó, thức ăn chính của Trọng vẫn là nguồn sữa mẹ và cháo. Lúc bấy giờ, gia đình bà Chín mới thực sự lo lắng trước biểu hiện sợ cơm của con mình."Mặc dù đã nhiều lần "lừa", thậm chí là ép nhưng những thức ăn đó nó đều phun ra hết.
Thức ăn chính của Trọng vẫn chỉ là cháo, mì tôm, hủ tiếu được mua ngoài chợ. Ngoài những đồ ăn chính như vậy, gia đình còn mua bánh và sữa về cho ăn để bổ sung thêm chất", bà Chín cho biết. Ngoài việc sợ cơm, Trọng còn rất nhạy bén với những món ăn này. Nhớ lại lần tập cho con trai quen dần với việc ăn cơm, bà Chín kể: "Hôm đó, gia đình có đám giỗ, vợ chồng tôi xay nhuyễn cơm ra như bột rồi trộn với nguyên liệu làm giò, chế biến đưa cho cháu ăn. Thế là, Trọng cầm miếng thức ăn đưa lên mũi ngửi rồi quăng đi. Kể từ đó đến giờ, mỗi khi hai vợ chồng đưa cho thứ gì em nó đều kiểm tra rất kỹ rồi quyết định có ăn hay không".
Không ăn được cơm vì không muốn
Bà Chín cho biết việc cậu con trai không ăn được cơm khiến cuộc sống của gia đình cũng bị đảo lộn đi ít nhiều. Tuy nhiên, việc gia đình lo lắng nhất là sợ Trọng bị thiếu chất, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt. "Nó hầu như không ngồi ăn cơm cùng vợ chồng tôi, nhiều lần hỏi thì nó nói cả nhà không ăn cơm nữa thì con sẽ ngồi ăn. Cứ như vậy, 23 năm trôi qua, trước mỗi bữa ăn tôi sẽ nấu món khác cho Trọng rồi sau đó mới làm thức ăn cho cả nhà".
Bà Chín cho biết thêm ngoài "tật" không ăn cơm của con, gia đình bà không ít lần ngạc nhiên về khả năng ăn thịt, cá của con: "Nếu hôm nào gia đình có làm gà, vịt ăn thì phải dành riêng cho Trọng một phần. Vì những món này nó ăn ngon miệng và ăn rất nhiều". 23 năm không ăn cơm, tuy cuộc sống gia đình rất khó khăn nhưng cơ thể Trọng vẫn phát triển bình thường như bao người khác. Hàng ngày, ngoài thời gian học tập trên lớp, Trọng thường ra phụ giúp bố mẹ. "Dù không ăn được cơm nhưng cơ thể em vẫn phát triển bình thường như bao bạn bè. Trọng cao 1m71 và nặng 65 kg. Học đến hết lớp 12, sau đó Trọng thi đại học và ra trường đi làm kỹ sư vận hành 2 năm ở Cụm Công nghiệp dịch vụ – thương mại Trường Xuân, ấp 4, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đến đầu năm 2019 vừa qua, Trọng lấy vợ và xin việc làm khác ở Bình Dương để đi làm", bà Chín chia sẻ.
"Nó ít khi đau ốm lắm, thỉnh thoảng chỉ bị cảm một vài ngày là hết. Bao lúa 1 giạ nó cũng vác được. Mỗi tội phải cái "tật" sợ cơm", bà Chín cho biết.
Theo những người dân sống tại ấp 3, xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh đánh giá, tuy có kỳ lạ nhưng Trọng là một người con có hiếu, ngoan ngoãn, lễ phép, nhận được nhiều thiện cảm của mọi người xung quanh.
Khi gặp Trọng, thấy tôi hỏi về nguyên nhân, anh cười bẽn lẽn cho biết: "Em cũng không biết vì sao nữa. Chỉ đơn giản nhìn những hạt cơm là em lại không muốn ăn. Mỗi khi nhìn thấy chúng, em có cảm giác buồn nôn và nổi da gà nên nhất định sẽ không ăn. Không chỉ nhìn thấy, mùi của cơm cũng rất khó chịu. Chỉ cần nghĩ đến một ngày em phải ăn những thứ đó là em đã thấy rùng mình".
Trọng chia sẻ thêm, tuy không ăn được cơm nhưng Trọng thấy sức khỏe của mình vẫn rất tốt, ít bệnh nên Trọng nghĩ đó cũng không phải là vấn đề đáng lo lắm. Nhiều lần Trọng cũng thử tập ăn cơm nhưng đều không có kết quả. Kể từ đó, Trọng quyết định sẽ không bao giờ đụng đến cơm.
Chia sẻ về dự định cho tương lai, Trọng cho biết: "Sắp tới em sẽ tiếp tục kiếm công việc làm ổn định để lo cho gia đình. Nếu có điều kiện em cũng mong được đi xuất khẩu lao động để nâng cao tay nghề và có tiền để phụ giúp gia đình".
Theo sohuutritue.net.vn