Số vụ bạo hành trẻ em trong các gia đình Hàn Quốc gia tăng hàng năm. (Ảnh: Yonhap)
Dư luận Hàn Quốc từng rúng động sau cái chết thương tâm hồi tháng 10/2020 của bé gái 16 tháng tuổi tên Jeong-in do bố mẹ nuôi gây ra. Cũng trong năm 2020, một bé trai 9 tuổi đã bị mẹ kế bạo hành dẫn tới tử vong, sau khi em nhỏ bị người mẹ độc ác nhốt vào trong chiếc vali. Hay trường hợp một bé gái 10 tuổi đã chạy trốn khỏi những kẻ đã đánh đập mình bằng cách chạy tới một cửa hàng tiện lợi để cầu cứu. Còn mới đây, một người phụ nữ bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ trước cáo buộc đánh đập đứa con mới 3 tháng tuổi dẫn tới vỡ xương sọ, xương hông và xương ngực.
Theo thống kê, số vụ trẻ em bị bạo hành ở Hàn Quốc gia tăng hàng năm. Cụ thể, năm 2015 ghi nhận 11.700 vụ việc thì năm 2019, con số này tăng lên thành 30.000 vụ. Trong số này, có 7,8% vụ việc liên quan tới trẻ sơ sinh.
“Trong giai đoạn những năm 2000, cảnh sát Hàn Quốc không xử lý những vụ việc liên quan tới bạo lực gia đình, bởi đây được xem là vấn đề riêng của mỗi cặp vợ chồng. Nhưng giờ, quan điểm đối với nạn bạo lực gia đình đã thay đổi khá nhiều. Song vấn nạn bạo hành trẻ em vẫn chỉ được xem là chuyện trong nhà, chứ không phải là tội ác mà chính phủ hay xã hội cần can thiệp để ngăn chặn”, ông Jung Jae-hoon, Giáo sư nghiên cứu phúc lợi xã hội tại Đại học Nữ Seoul nhận định.
"Chính phủ Hàn Quốc tới nay chưa có một bức tranh toàn diện để ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em. Dù luật bảo vệ trẻ em được tái xem xét và điều chỉnh nhưng vẫn chỉ ở mức nhẹ sau vụ bạo hành làm chấn động dư luận”, ông Jung nói.
Theo đó, sau khi vụ việc bé Jeong-in bị bố mẹ nuôi hành hạ tới chết, các nhà lập pháp Hàn Quốc mới nhanh chóng xem xét lại các bộ luật bảo vệ quyền lợi cho trẻ em.
Những thay đổi mới trong bộ luật bảo vệ trẻ em được Hàn Quốc chú trọng như công tác điều động cảnh sát cơ sở tới hỗ trợ đưa đứa trẻ tránh xa bố mẹ ngay sau khi sự việc bạo hành được phát giác.
Song theo ông Jung, thay đổi này vẫn không có hiệu quả, bởi theo luật, đứa trẻ sẽ lại trở về bên những người đã đánh đập chúng sau 72 giờ được đưa đi “sơ tán”.
Cũng theo ông Jung, các cán bộ xã hội làm công tác bảo vệ quyền lợi trẻ em ở Hàn Quốc thường được luân chuyển làm việc khác sau 2 – 3 năm. Do đó, những người này rất khó tích lũy được kinh nghiệm. Trong khi ở Đức, các cán bộ bảo vệ quyền lợi trẻ em sẽ làm công việc này cho tới khi họ về hưu.
Không chỉ bị cha mẹ ruột bạo hành, ngay cả những em nhỏ được nhận nuôi vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị đánh đập. Do đó, theo bà Chung Sun-wook, một quan chức thuộc tổ chức Korean Society of Child Welfare, quy trình xin nhận con nuôi ở Hàn Quốc cần được làm chặt chẽ hơn so với hiện tại.
“Những cặp đôi muốn nhận con nuôi dường như chưa chuẩn bị tốt tâm lý về khó khăn khi nuôi dạy một đứa trẻ. Họ dường như không lường trước được những hy sinh khi phải nuôi con”, bà Chung cho hay.
Bà Chung cũng nhấn mạnh cần có chương trình giáo dục hướng các cặp vợ chồng suy nghĩ chín chắn hơn thay vì vội vàng để nhận thức rõ “nuôi con rất khó khăn” hay “bạn không nên nhận con nuôi” khi chưa sẵn sàng cả về tâm lý và nguồn lực tài chính.
Song trên thực tế, số trẻ cần được nhận nuôi là khá lớn nên dường như các đơn xin nhận con nuôi ở Hàn Quốc được phê chuẩn gần như 100%.
Theo bà Chung, không thể thay đổi toàn bộ quy trình xin nhận con nuôi chỉ trong một đêm. Do đó, chính phủ Hàn Quốc cần trao thêm trách nhiệm cho các cặp đôi xin nhận con nuôi từ đầu tới cuối theo mức độ cấp quốc gia để đảm bảo quyền lợi cho các em nhỏ.