Trẻ có bị lác do liếc nhìn ánh điện?
Chị Nguyễn Phương Thảo (30 tuổi, Tuyên Quang) chia sẻ, từ khi sinh ra, mắt bé bé Trần Thị Nhung (6 tuổi) con gái chị Thảo hoàn toàn bình thường. Tới khoảng 3 tháng tuổi, mắt phải nhìn hơn lệch sang một bên. Ban đầu, chị Thảo nghĩ đơn giản con nhìn hướng theo ánh sáng điện và không có vấn đề gì đáng lo ngại.
“Tuy nhiên, con càng lớn thì tôi thấy mắt cháu càng nhìn lệch. Ở trong làng, mọi người gọi vậy là bị lé và cũng chẳng ai đi điều trị. Gần đây, con tôi nói mắt phải mờ không nhìn rõ, địa phương có chương trình khám mắt miễn phí nên tôi đưa cháu đi khám. Các bác sĩ nói con gái tôi bị lác và mắt trái đang bị nhược thị nếu như không điều trị cho cháu thì mắt dần không nhìn rõ”, chị Thảo tâm sự.
Nhiều trẻ sơ sinh bị lác được phát hiện từ sơ sinh nhưng khi có nhược thị mới được đưa đến viện để khám (Ảnh minh họa).
Chị Thảo cho biết thêm trường hợp của bé Nhung được bác sĩ tư vấn cần phải mổ sớm để cân bằng điều tiết hai mắt, tránh nguy cơ nhược thị không thể cải thiện sau này.
Trường hợp của bé Lê Hà Anh (7 tuổi, Tuyên Quang) cũng bị lác mắt trái từ nhỏ. Mẹ bé Hà Anh cho rằng nguyên nhân con bị lác rất có thể do hay liếc lên nhìn bóng điện.
Trẻ cần đi khám sớm
PGS.TS Nguyễn Đức Anh, giảng viên cao cấp khoa mắt Trường Đại học y Hà Nội, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện mắt Hà Nội 2 cho hay, trẻ bị lác rất cần và khám điều trị sớm. Trẻ bị lác không điều trị kịp thời sẽ bị nhược thị. Cha mẹ cần lưu ý đối với mắt lác khi con nhìn sẽ không thẳng, lệch vào trong hay lệch ra ngoài thì nên cho con đi khám sớm.
Nếu trẻ được phát hiện sớm lắc chỉ cần đeo kính sẽ hết lác mà không cần tới can thiệp phẫu thuật. Trong trường hợp trẻ lác có nhược thị thì cần phải điều trị tốt nhược thị thì phẫu thuật kết quả mới tốt được.
Lác nếu kèm hược thị điều trị sẽ khó khăn hơn, phát hiện muộn thì việc phẫu thuật cũng chỉ giúp làm cho hay mắt cân bằng, thị lực của trẻ vẫn kém. Việc phát hiện sớm và điều trị nhược thị cho trẻ rất quan trọng để tái tạo lại sự phối hợp giữa hai mắt.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Anh, mọi người vẫn có quan niệm sai lầm con sinh ra mà nhìn về phía có ánh điện sẽ gây ra lác. Thực tế là có rất nhiều yếu tố thuận lợi gây ra lác nhưng liếc bóng điện thì không phải là nguyên nhân gây bệnh.
“Trẻ bị lác có thể là do bẩm sinh ngay từ khi sinh ra. Có những trường hợp trẻ mắc phải lác là do trẻ có sốt gây ra liệt thần kinh một số bộ phận trong cơ thể trong đó có mắt. Hoặc trẻ có thể bị chấn thương gây chèn ép, viêm cũng là một yếu tố gây ra lác mắt ở trẻ nhỏ”, PGS.TS Đức Anh nói.
PGS.TS Đức Anh khuyến cáo, hiện nay, việc khám để phát hiện các vấn đề về mắt ở trẻ em vẫn chưa được quan tâm. Nhiều trường hợp trẻ em mù màu (trẻ vẫn nhìn được màu nhưng nhìn màu sai lệch đi) nhưng cha mẹ không hay biết. Hoặc có trường hợp trẻ mở hai mắt mà chỉ nhìn được bằng một mắt. Đặc biệt, nếu trẻ gặp những vấn đề về mắt như lác mắt, sụp mí mắt, đục thể tinh thể, cha mẹ cần phải phát hiện sớm để đưa trẻ đi điều trị tránh nhược thị.
Bác sĩ Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam cho biết với mong muốn trẻ có đôi mắt sáng để tiếp tục vui chơi, học tập và hoà nhập cộng đồng, chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” năm 2018 sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để địa phương phối hợp cùng các bệnh viện phẫu thuật cho trẻ mắc các bệnh lý về mắt.
Được biết, trong 3 ngày 27, 28 và 29/7, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phối hợp cùng Quỹ bảo trợ Trẻ em tỉnh Tuyên Quang khám sàng lọc và phẫu thuật mắt miễn phí cho gần 100 trẻ em ở Tuyên Quang có hoàn cảnh khó khăn.
Theo emdep.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.