Đón năm mới trong Hoàng cung Huế

(lamchame.vn) - Nhiều gia đình ở Huế đã chọn Hoàng cung là điểm du xuân đầu tiên. Đây là địa điểm rất lý tưởng để vừa tham quan nơi ở và làm việc của triều đại phong kiến cuối cùng của đất nước, được trải nghiệm các hoạt động vui Xuân…

Chọn Hoàng cung Huế làm điểm du xuân những ngày đầu năm mới, du khách được trải nghiệm các hoạt động vui Xuân ở Hoàng cung Huế, trong đó điểm nhấn là không gian tái hiện các trò chơi cung đình ngày Tết. Không gian vui Xuân đón Tết tập trung ở khu vực sân Điện Thái Hòa với các trò chơi vốn là thú tiêu khiển trong Hoàng cung triều Nguyễn xưa như: Bài vụ, đổ xăm hường, đầu hồ, đối thơ, và trình diễn thư pháp…

Du khách đến thăm Hoàng cung Huế

Du khách cũng được “đổi món” bằng nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ở nhiều khung giờ khác nhau, như: Lễ đổi gác, trình tấu tiểu nhạc, các trò chơi cung đình, trình tấu đại nhạc, múa lân sư rồng, trình tấu tiểu nhạc, trình diễn võ thuật cổ truyền… Ngoài ra, sau một thời gian tạm ngưng để điều chỉnh, dịp này Trung tâm thực tế ảo với chủ đề “Đi tìm Hoàng cung đã mất” cũng được đưa vào hoạt động, phục vụ miễn phí cho du khách.

Lễ đổi gác

Trong số các trò chơi vừa kể trên, đổ xăm hường là trò chơi gieo con xúc xắc để giành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa. Muốn chiến thắng, người chơi phải gieo xúc xắc để giành đủ các thẻ bài với các học vị: Tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên.

Trò đổ xăm hường

Thú chơi tao nhã, nhẹ nhàng này lại thêm một lần tô thắm tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa. Hoặc như chơi bài vụ, với chiếc vụ hình bát giác có 8 con vật; người chơi đặt cược theo con vật yêu thích, nếu chiếc vụ dừng lại và con vật nào nằm mặt trên thì chiến thắng. Các trò chơi này ban đầu từ cung đình nhà Nguyễn nhưng sau đó đã được người trong triều đưa ra dân gian và trở thành thú tiêu khiển trong Tết xưa của người dân Cố đô.

Theo sử sách, mùng một tết, trống ở điện Thái Hòa đánh từ canh năm. Lá cờ rồng cỡ lớn và nhiều loại cờ khánh, hỉ với nhiều màu sắc cắm rợp sân Đại Triều, Ngọ Môn, Kỳ Đài. Sau lễ khánh hạ (mừng tuổi vua), vua ban yến tiệc đầu năm cho các hoàng tử, hoàng thân và các quan từ ngũ phẩm (quan văn), tứ phẩm (quan võ) trở lên tại điện Cần Chánh hoặc nhà Tả Vu, Hữu Vu. Ngày mùng hai tết, vua lại ban yến tiệc tiếp cho các quan từ ngũ phẩm trở xuống, quan trấn, quan tổng.

Lễ dựng nêu

Ngày nay, Tết trong Hoàng cung không còn những buổi yến tiệc mừng năm mới, nhưng không vì thế mà không gian di tích này trở trầm lắng, u tịch và cách biệt. Thực ra, không khí đón Tết trong Hoàng cung bắt đầu từ lễ dựng nêu từ ngày 23 tháng Chạp để thu hút du khách thập phương. Lễ dựng nêu được tái hiện tại di tích Thế Miếu (Hoàng Cung Huế) và Điện Long An với nhiều nghi lễ cung đình xưa.

Gói bánh chưng, bánh tét

Sau khi dựng nêu, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (di tích Điện Long An), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn tổ chức chương trình "Hương xưa bánh Tết" với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ngoài chương trình gói bánh Tết xưa còn có không gian nghệ thuật với biểu diễn ca Huế, trình diễn thư pháp, tái hiện các trò chơi dân gian và cung đình. Khán giả được trải nghiệm và thưởng thức bánh, mứt, trà truyền thống của người Huế.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang