Tầm quan trọng của khám thai định kỳ?
Khi có hiện tượng chậm kinh, hoặc khi dùng que thử phát hiện có thai thì hãy đến bệnh viện ngay. Có nhiều người biết có thai nhưng cố đợi đến hai ba tháng mới đi khám. Điều đó hoàn toàn không nên. Rất cần phải khám thai sớm để loại trừ trường hợp thai nằm ngoài tử cung, rất nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời. Bạn sẽ được siêu âm để xác định thai có nằm trong lòng tử cung hay chưa, đã có tim thai chưa? Nếu chưa thấy tim thai lúc mới 5 – 6 tuần tuổi, bạn cũng đừng lo lắng. Đó là vì thai còn quá nhỏ. Bạn sẽ được hẹn lại lần sau, khi thai được 7 – 8 tuần tuổi để xác định tim thai.
Sau khi khám thai lần đầu bác sỹ sẽ hẹn các bạn đi khám các lần tiếp theo. Hãy nhớ làm theo lời dặn của bác sỹ về việc đi khám thai. Những lần khám thai tiếp theo cụ thể như sau:
Khám thai là làm những gì?
Tuỳ thuộc vào tuần thứ mấy của thai kỳ, bác sĩ có thể kiểm tra hoặc hỏi về những vấn đề sau:
- - Tuần mang thai
- - Siêu âm thai
- - Lịch sử kiểm tra sức khoẻ: lần khám thai trước, lần sinh trước (nếu có), sức khoẻ nói chung
- - Các loại thuốc đang sử dụng. Bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng (nếu dùng)
- - Đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu
- - Cân nặng và đưa ra lời khuyên để tăng cân lành mạnh trong thai kỳ
Bác sĩ cũng có thể:
Đo bụng, lắng nghe nhịp tim của thai nhi: Ảnh minh họa |
- Đo bụng, lắng nghe nhịp tim của thai nhi
- - Đề nghị xét nghiệm máu, sàng lọc và làm những xét nghiệm chẩn đoán khác, nói về kết quả xét nghiệm tùy vài tuổi thai và tình trạng sức khỏe của mẹ và bé.
- - Nói về chế độ ăn uống lành mạnh, thực phẩm không nên dùng trong thai kỳ
- - Hỏi về lối sống và sự thay đổi lối sống: bỏ thuốc lá, rượu hoặc những chất kích thích khác
Hơn nữa khi mang thai, các mẹ cũng sẽ được bác sĩ kiểm tra hoặc nói về:
- - Sự phát triển của bé
- - Dấu hiệu chuyển dạ, cơn đau chuyển dạ
- - Các biến chứng hoặc vấn đề khi mang thai và sinh con. Ví dụ: sinh non
Các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần ghi nhớ
Đối với các mẹ bầu, một trong những yêu cầu quan trọng nhất để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh chính là tuân thủ lịch khám thai định kỳ. Sẽ có 8 mốc khám thai định kỳ quan trọng giúp bạn theo dõi sự phát triển của thai nhi và nắm bắt kịp thời những vấn đề trên cơ thể mình.
+ Lần khám thai đầu tiên (6 - 8 tuần)
Thông thường, bạn nên đi khám thai lần đầu sau khi mất kinh khoảng 2 - 4 tuần, tức là thai kỳ đã được 6 - 8 tuần. Lần khám này, bác sĩ sẽ chỉ định và khám xem bạn có thực sự mang thai không. Lúc này, khi đi khám, bác sĩ sẽ cho bạn làm các xét nghiệm sau:
- Kiểm tra cân nặng, chiều cao để tính chỉ số BMI của cơ thể nhằm đánh giá xem bạn có bị thừa cân hay béo phì. Nếu có, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách kiểm soát cân nặng khi mang thai nhằm hạn chế các biến chứng thai kỳ có thể xảy ra.
- Đo huyết áp để biết xem bạn có bị huyết áp cao hay không
- Thử nước tiểu để kiểm tra nồng độ hormone thai kỳ (HCG) để biết chắc bạn đang mang thai, phôi thai đang phát triển bình thường
- Siêu âm kiểm tra vị trí phôi thai và tuổi thai nhằm kịp thời phát hiện các bất thường như thai ngoài tử cung.
- Tính tuổi thai và ngày dự sinh của em bé dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối
Ngoài ra, bạn có thể phải tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra:
- Bệnh giang mai
- HIV/AIDS
- Yếu tố Rh
- Nhóm máu
- Viêm gan B
- Tiểu đường
Trong lần khám thai này, bạn hãy cung cấp cho bác sĩ biết các thông tin liên quan đến thai kỳ như:
- Thông tin về chu kỳ kinh nguyệt (đều hay bất thường).
- Bạn đã từng bị sẩy thai, sinh non, tiền sản giật hoặc bị nhiễm trùng ở lần mang thai trước hay chưa.
- Bạn có đang dùng thuốc để điều trị một bệnh nào đó, nếu có thì hãy mang sổ khám bệnh, đơn thuốc và loại thuốc bạn đang uống theo để bác sĩ biết cụ thể.
Cuối cùng, sau khi khám thai lần đầu xong, bác sĩ sẽ hẹn bạn trở lại khám thai sau khoảng 4 tuần. Đôi khi lịch khám thai cho lần khám tiếp chỉ sau lần khám đầu tiên khoảng 1 -2 tuần, điều này còn phụ thuộc vào sức khỏe của bạn hoặc tình trạng phát triển của thai nhi. Vì vậy, bạn nên chú ý đi khám đúng lịch như bác sĩ đã hẹn.
+ Lần khám thai thứ hai (11 - 14 tuần)
Lần khám thai thứ hai là mốc cực kỳ quan trọng vì đây là khoảng thời gian duy nhất bác sĩ có thể tiến hành đo độ mờ da gáy để dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm gây nên các căn bệnh như down, dị dạng tim,... Siêu âm trong giai đoạn này, bạn sẽ được chỉ định siêu âm 3D hoặc 4D để phát hiện một số dị tật như thai vô sọ, khe hở thành bụng, …
Ngoài ra, ở lần khám thai này, bác sĩ vẫn tiến hành các thăm khám thường quy như kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, thử nước tiểu, thử máu,.. để đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi.
+ Lần khám thai thứ ba (16 tuần)
Ở lần khám thai này, bác sĩ sẽ chỉ định bạn tiến hành kiểm tra:
- Cân nặng của bạn
- Đo huyết áp
- Kiểm tra nhịp đập của thai nhi
- Xét nghiệm nước tiểu
Ảnh minh họa |
Cuối buổi khám, bạn sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc bổ sung vi chất tùy thuộc vào sức khỏe của bạn và sự phát triển của thai nhi
+ Lần khám thai thứ tư (22- 23 tuần)
Mọi chỉ định thai nghén thường được thực hiện trước tuần thứ 28 của thai kỳ, do đó mà mốc khám thai này đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Bởi vì, đây là thời điểm mà các bất thường về hình thái như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng,... được phát hiện qua siêu âm và bác sĩ sẽ tư vấn hướng can thiệp thích hợp nhất cho thai phụ nếu chẳng may phát hiện các dị tật bẩm sinh ở bé.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm lý tưởng để thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật sản phụ khoa thích hợp mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi hoặc không dẫn đến sinh non.
+ Lần khám thai thứ năm (26 tuần)
Ở tuần thứ 26, bạn sẽ được bác sĩ siêu âm để phát hiện ra những bất thường của cả mẹ và bé. Thời điểm này, các mẹ sẽ được tiêm mũi uốn ván lần 1 hoặc lần 2 (mỗi lần cách nhau 5 năm).
+ Lần khám thai thứ sáu (31- 32 tuần)
Tại thời điểm này, thai phụ được siêu âm để phát hiện một số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở tim, động mạch, các bất thường ở não như giãn não thất,... Cũng trong khoảng thời gian này, bạn sẽ được tiêm phòng uốn ván cuống rốn sơ sinh (2 mũi cách nhau 1 tháng) để phòng ngừa bệnh uốn ván cho bé.
Từ tuần thứ 30 trở đi, bạn cũng nên lưu ý một số điều sau:
- Đếm cử động thai: Bình thường là từ 4 lần/giờ
- Tái khám ngay khi thấy các triệu chứng như: đau bụng, ra huyết, ra nước âm đạo, thai máy ít,....
+ Lần khám thai thứ bảy (36 tuần)
Ở thời điểm này, siêu âm màu sẽ được thực hiện nhằm theo dõi Doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kiểm tra nước ối, dây rốn,... đồng thời thai nhi cũng được đo tim thai và chuyển động thai. Ngoài ra, bác sĩ sẽ dự báo cân nặng của bé lúc sinh và sẽ có các tư vấn về dinh dưỡng kịp thời nếu trọng lượng thai nhi không đáp ứng đủ cân nặng chuẩn tại thời điểm tương ứng.
Đây cũng là lần khám để đưa ra tiên lượng về phương pháp sinh: sinh thường hay phải mổ đẻ. Có thể chuẩn bị cho nhập viện, mổ chủ động khi thai đủ trưởng thành (38 tuần) đối với những trường hợp phải sinh mổ như: nhau tiền đạo, ngôi mông con to, khung chậu hẹp, vết mổ lấy thai cũ… Chính vì vậy, ngoài bác sĩ sản, bạn sẽ được bác sĩ gây mê khám.
+ Lần khám thai thứ tám (40 tuần)
Nếu trong giai đoạn này, bạn vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ bác sĩ sẽ thăm khám kết hợp với siêu âm kiểm tra nước ối và tình trạng thai nhi. Việc này nhằm giúp bác sĩ cân nhắc liệu có nên can thiệp để bạn sinh con hay chờ đợi.
Lịch khám thai định kỳ này có thể thay đổi tùy theo sức khỏe và tình trạng thai của từng mẹ bầu. Tuy nhiên, lịch khám này là cơ bản với những xét nghiệm cần thiết. Mẹ cần tuân thủ theo lịch hẹn khám thai của bác sĩ, vì việc khám chỉ chính xác trong giai đoạn nhất định. Hy vọng rằng với những chia sẻ này mẹ bầu sẽ nắm rõ để sẵn sàng đón một thiên thần bé nhỏ xinh đẹp và khỏe mạnh chào đời.
Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.