Những năm Kỷ Hợi đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc

(lamchame.vn) - Các sử liệu đã ghi lại các sự kiện quan trọng diễn ra vào các năm Kỷ Hợi trong lịch sử dân tộc ta. Như Bác Hồ đã kêu gọi: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, bởi vậy, hiểu được lịch sử đã diễn ra, chúng ta càng tự hào hơn về cha ông ta, những người dựng nước và giữ nước để thế hệ con cháu hướng đến một tương lai huy hoàng, tươi sáng!

Những năm Kỷ Hợi của buổi đầu lịch sử dân tộc
Năm Kỷ Hợi 39: Năm này, Hai Bà Trưng đang chuẩn bị cùng Thi Sách chiêu mộ nghĩa binh chuẩn bị nổi lên chống chính quyền đô hộ Đông Hán. Chẳng may Thi Sách bị giết. Tháng 9 năm 39, Trưng Trắc và Trưng Nhị tập hợp các tướng lĩnh cùng nhau làm Hội thề ở cửa sông Hát thuộc huyện Mê Linh thời đó. Thiên Nam ngữ lục ghi lời thề của Trưng Trắc như sau: “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kêu oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.

Cầu Trường Tiền khi còn mang tên là cầu Thành Thái, hoàn thành năm 1899. Ảnh tư liệu.

Năm Kỷ Hợi 99: Các nhà khảo cổ đã phát hiện gạch xây những ngôi mộ ở thành cổ Cổ Loa có khắc Vĩnh Nguyên thập nhất trị, tức năm Vĩnh Nguyên thứ 11 thời Đông Hán (năm 99). Đây có thể là mộ của tướng sĩ nhà Đông Hán đóng quân tại Kiến thành (hình con kén) do Mã Viện đắp.

Năm Kỷ Hợi 159: Năm này diễn là năm thứ ba cuộc khởi nghĩa của Chu Đạt. Ông là người ở Cư Phong (nay là Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Năm 160 thì khởi nghĩa Chu Đạt bị nhà Đông Hán đàn áp.

Năm Kỷ Hợi 219, 279: Nước ta lúc đó tiếp tục bị nhà Đông Hán (226 TCN-220) đô hộ, sau đó bị nhà Đông Ngô (229-280) đô hộ.

Năm Kỷ Hợi 399: Năm này, Phạm Hồ Đạt (Jaya Bhadravarman I), vua nước Lâm Ấp mang quân đánh quận Nhật Nam, bắt Thái thú Quế Nguyên; sau đó đánh vào quận Cửu Đức, bắt sống Thái thú Tào Bính. Thái thú quận Giao Chỉ là Đỗ Viện đem quân ra đánh Phạm Hồ Đạt. Hồ Đạt thua, bỏ chạy về nước. Đỗ Viện được nhà Đông Tấn (317–420) phong làm Thứ sử Giao châu.

Năm Kỷ Hợi 459, 519: Nước ta lúc đó đang bị nhà Lưu Tống (420-479), sau đó là nhà Lương (502-557) đô hộ.

Năm Kỷ Hợi 579: Nước ta lúc đó độc lập với quốc hiệu Vạn Xuân. Năm này, nước ta được cai trị bởi Hậu Lý Nam Đế, tức Lý Phật Tử. Tình hình đất nước ổn định. Nhưng đến năm 602, nhà Tùy đã tấn công và tiêu diệt nước Vạn Xuân.

Năm Kỷ Hợi 639: Lúc này, ở Trung Hoa, nhà Đường thay nhà Tùy. Năm 639 Đường Thái Tông có sự thay đổi trong địa giới các châu: xóa bỏ huyện Trương Ảnh trong Diễn Châu (Nghệ An ngày nay). Diễn Châu chỉ còn lại các huyện An Nhân, Phù Diễn, Trương Ảnh, Tây Nguyên. Nhà Đường cũng xóa bỏ Minh châu và các huyện Vạn An, Minh Hoằng, Minh Định lập thành huyện Việt Thường như thời Tùy, cho thuộc vào Hoan Châu (Hà Tĩnh ngày nay).

Năm Kỷ Hợi 699: Nước ta lúc đó đang bị nhà Võ Chu do Võ Tắc Thiên làm hoàng đế (690-705) đô hộ.

Năm Kỷ Hợi 759: Năm này, quân Chà Và cướp phá Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay) bị Kinh lược sứ nhà Đường Trương Bá Nghi tiêu diệt. Năm 797, quân Chà Và lại cướp phá Ái Châu, xây cả thành, lập nước, nhưng bị quan đô hộ là Trương Châu đánh đuổi, san phẳng thành trì.

Năm Kỷ Hợi 819: Năm này, người Tày - Nùng ở Tả, Hữu Giang (phía Tây Bắc của Giao Châu) nổi dậy chống nhà Đường. Quan cai trị Lý Tượng Cổ (tông thất nhà Đường) sai thứ sử Hoan Châu là Dương Thanh vốn là người có gốc bản xứ mang 3.000 quân đi dẹp. Dương Thanh thừa cơ nổi dậy chiếm được Phủ Đô hộ, giết được Lý Tượng Cổ.

Năm Kỷ Hợi 879: Năm này Hoàng Sào tiến công Quảng Châu, thủ phủ của Lĩnh Nam Đông Đạo [năm 862, nhà Đường đã chia đất Lĩnh Nam thành Đông Đạo và Tây Đạo] giết chết tiết độ sứ Lý Điều, rồi tiến binh về phía tây chiếm lấy Quế châu khống chế Lĩnh Nam tự xưng là nghĩa quân đô thống. Sau sự kiện này Lĩnh Nam nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Hoàng Sào, nhà Đường mất quyền cai trị ở Lĩnh Nam.

Những năm Kỷ Hợi của thời đại các quốc gia phong kiến tự chủ
Năm Kỷ Hợi 939: Sau chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử năm 938, vào năm 939, Ngô Quyền xưng vương đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), mở đầu thời kỳ độc lập và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Năm Kỷ Hợi 999: Năm này, vua Lê Đại Hành nhà Tiền Lê thân chinh đi đánh 49 động ở Hà Động (Thạch Thành - Thanh Hóa). Sử cũ cũng ghi nhận thành Vijaya (Đồ Bàn) từng là kinh đô của vương quốc Chăm Pa trong 5 năm thế kỷ, từ năm 999 đến năm 1471. Vào năm 999, vua Sri Vijaya Yangkupu dời kinh đô từ Indrapura tại Quảng Nam về Vijaya tại Bình Định.

Năm Kỷ Hợi 1059: Vua Lý Thánh Tông nhà Lý cho định quân hiệu với các tên gọi là: Ngự Long, Vũ Thắng, Long Dực, Thần Điện, Bổng Thánh, Bảo Thắng, Hùng Lược và Vạn Tiệp. Mỗi loại quân hiệu này đều chia làm tả hữu. Cấm quân thì đều phải thích lên trán ba chữ thiên tử quân. Vua cũng bắt đầu áp dụng kiểu mẫu triều phục cho bá quan.

Chợ hoa ngày giáp Tết ở phố Hàng Khoai, gần chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Hình ảnh trích từ cuốn sách ảnh về miền Bắc Việt Nam năm 1959, được xuất bản năm 1960 tại Hungary. Tác giả của ấn phẩm này là ký giả lão thành, nhà ngoại giao và sưu tầm văn hóa Patkó Imre và nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh nổi tiếng Rév Miklós.

Cũng năm này, vua Lý Thánh Tông đem quân đánh các động Tư Lẫm, Cổ Vạn, Chiêm Lăng thuộc Khâm Châu của Tống, giết viên quản câu Lý Duy Tân. Vua Tống phái người tra xét, biết được nguồn cơn là do Tiêu Chú khiêu khích trước nên ra chiếu chỉ ngăn cấm. Bọn Tiêu Chú sau đó vẫn chưa chịu thôi, nên vua Lý Thánh Tông lại hội binh với phò mà Thân Thiệu Thái đánh châu Tây Bình, động Vĩnh Bình thuộc Ung Châu, chém tướng nước Tống là Tống Sĩ Nghiêu, bắt sống tướng Dương Bảo Tài. Thế quân Đại Việt đã mạnh lại có danh nghĩa chính đáng, khiến vua Tống phải xuống nước hòng tránh một cuộc chiến tranh lớn.

Bọn quan chức hiếu chiến ngoài biên là Tiêu Cố, Tiêu Chú đều bị cách chức. Quân Đại Việt vẫn chưa chịu lui, Tống Nhân Tông miễn cưỡng phải phái quân đánh ứng chiến. Nhưng rồi các quan tướng Tống được phái đi lại chủ động bàn hòa với quân Đại Việt. Vua Lý Thánh Tông bấy giờ mới bằng lòng rút quân đi.

Năm Kỷ Hợi 1119: Năm này, vua Lý Nhân Tông tự làm tướng đánh động Ma Sa (Đà Bắc - Hòa Bình), phá tan, bắt được bọn động trưởng Ngụy Bàng vài trăm người, lấy được vàng lụa trâu dê không kể xiết.

Năm Kỷ Hợi 1179: Tháng 6 năm 1179, Tô Hiến Thành mất, vua Lý Cao Tông thương tiếc cho nghỉ chầu triều 7 ngày, ăn chay 3 ngày.

Năm Kỷ Hợi 1239: Năm này, nhà Trần chọn đinh tráng làm binh, định làm 3 bậc thượng, trung, hạ. Vua Trần Thái Tông cũng ấn định cứ 7 năm tổ chức một lần thi Hội. Cùng năm này, mùa thu, nhà Trần đã công bố thể lệ tổ chức thi các khoa thông tam giáo (Nho, Phật, Lão), khích lệ sự đoàn kết, thống nhất. Ngoài ra, Nhập nội Thái phó Phùng Tá Chu được vua Trần Thái Tông sai về hương Tức Mặc (Nam Định) xây dựng nhà cửa, cung điện để vua lúc thư nhàn về thăm.

Năm Kỷ Hợi 1299: Năm này, một sứ bộ của ta sang Nguyên do Đặng Nhữ Lâm cầm đầu đã bí mật làm một số việc rất quan trọng. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Nhà vua sai Đặng Nhữ Lâm sang giao hảo với nhà Nguyên, khi Nhữ Lâm đến kinh đô nhà Nguyên, bí mật làm những việc sau này: − Vẽ đồ bản cung điện và vườn tược. − Đem riêng trong mình bản đồ địa dư và sách đã bị cấm. − Ghi chép vào sổ riêng những núi rừng và tình hình quân sự ở Bắc phương”. Cũng năm này, khi vua Trần Anh Tông đủ trưởng thành, vua Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu trên núi Yên Tử (Quảng Ninh). Người lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau đổi là Trúc Lâm Đại sĩ. Theo sách Trúc Lâm tôn chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm thì Yên Tử sơn là nơi có một vị trí quân sự quan trọng, là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc và Trần Nhân Tông khoác áo cà sa đến đây tu hành là để làm nhiệm vụ của một người “lính biên phòng”.

Năm Kỷ Hợi 1359: Năm này mưa to, nước lớn, trôi cả nhà cửa của dân, thóc lúa bị ngập. Vua Trần Dụ Tông đã xuống chiếu miễn cho cả nước một nửa tô thuế năm ấy. Vua đồng thời xuống chiếu cho các nhà giàu dâng thóc để phát chẩn cho dân nghèo, đổi lại sẽ ban tước theo thứ bậc khác nhau cho họ.

Năm Kỷ Hợi 1419: Bình Định Vương Lê Lợi đánh lấy đồn Nga Lạc (Thanh Hóa) giết tướng giặc Minh là Nguyễn Sao.

Năm Kỷ Hợi 1479: Hai xứ Bồn Man và Lão Qua (thuộc vùng thượng Lào) sang quấy nhiễu nước ta. Vua Lê Thánh Tông nhà Hậu Lê sai quân đánh dẹp, được toàn thắng. Cũng năm này, giặc cướp từ biên giới nhà Minh hay lấn qua cướp phá của người Việt. Vua Lê Thánh Tông cho 800 quân đánh đuổi giặc cướp rồi đuổi theo sang tận huyện Mông Tự (Vân Nam) dựng doanh trại ở đó. Các quan địa phương nhà Minh phải đến thương thảo, quân Đại Việt mới rút trở về. Năm này vua cũng đã ra chỉ dụ cho Ngô Sĩ Liên, một sử quan làm việc trong Sử quán biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Ngô Sĩ Liên hoàn thành việc biên soạn bộ sử ngay trong năm này, bao gồm 15 quyển, ghi lại lịch sử Việt Nam từ thời đại truyền thuyết Kinh Dương Vương năm 2879 TCN đến năm 1427 khi nhà Hậu Lê được thành lập.

Năm Kỷ Hợi 1539: Đầu năm này, Nguyễn Kim sai Trịnh Kiểm đánh chiếm huyện Lôi Dương (Thanh Hóa). Đất nhà Mạc bắt đầu bị chia cắt. Cũng thời điểm này, Trịnh Kiểm được phong làm Quận công.

Năm Kỷ Hợi 1599: Năm này, Trịnh Tùng tự lập làm Đô nguyên soái, Tổng quốc chính, Thương phụ, Bình An vương. Vua Lê Thế Tông bất đắc dĩ ban thêm cho ngọc toàn, tiết mao và hoàng việt (ba thứ này đều tượng trưng đặc quyền của vua chúa), và cho Trịnh Tùng được mở phủ Chúa, đặt quan thuộc. Thời kỳ vua Lê - chúa Trịnh bắt đầu. Cũng năm này, vua Lê Thế Tông mất. Trịnh Tùng bèn lập hoàng tử Lê Duy Tân mới mười một tuổi lên làm vua, tức vua Lê Kính Tông.

Năm Kỷ Hợi 1659: Toà Thánh thiết lập hai giáo phận đầu tiên ở Việt Nam: Giáo phận Đàng Trong và Giáo phận Đàng Ngoài.

Năm Kỷ Hợi 1719: Từ năm 1719, tại Đàng Ngoài, chúa Trịnh Cương bắt các xã làm lại sổ ruộng đất. Tại ĐàngTrong, Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm đã hoàn thành bộ truyện lịch sử chương hồi có tên Nam Triều công nghiệp diễn chí, kể về chuyện từ chúa Nguyễn Hoàng vào khai phá vùng đất Thuận, Quảng, cho đến đời Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Tần. Năm này, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An và đặt tên cho chiếc cầu do thương nhân Nhật Bản góp tiền lại xây là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là “cầu đón khách phương xa”. Từ năm 1719 đến năm 1786, Pierre Poivre, một giáo sĩ kiêm thương nhân người Pháp, đã nhiều lần qua lại quần đảo Hoàng Sa và sau này ghi lại trong tác phẩm Mô Tả Xứ Đàng Trong 1749 rằng “… Tôi nghe nói hàng năm nhà vua (chúa Nguyễn) thường cho vài chiếc thuyền ra Hoàng Sa để tìm kiếm những báu vật tự nhiên cho bộ sưu tập của mình…”.

Năm Kỷ Hợi 1779: Chúa Nguyễn Ánh duyệt xem bản đồ, chia toàn miền Nam lúc bấy giờ ra thành một trấn (Hà Tiên) và 4 dinh (Trấn Biên, Phiên Trấn, Trường Đồn, Long Hồ). Tất cả các dinh trấn này đều chịu sự cai quản của phủ Gia Định.
Năm Kỷ Hợi 1839: Năm này nổi lên việc thi hành phép quân điền tại Bình Định. Vua Minh Mệnh lệnh Võ Xuân Cẩn (Thượng thư bộ Hình) và Doãn Uẩn (Tham tri bộ Hộ) đi Bình Định thi hành phép quân điền. Cộng chung toàn tỉnh, trước khi quân điền có 5.000 mẫu công điền và 71.000 mẫu tư điền; sau khi quân điền có 40.009,7 mẫu công điền, 34.369,1 mẫu tư điền. Năm này, việc quản lý nhà nước đầu tiên được triển khai trong ngành Than theo cơ chế “tô nhượng” khi Tổng đốc Hải An (nay là Quảng Ninh) là Tôn Thất Bật dâng sớ lên Vua Minh Mệnh xin thuê người lập mỏ, khai thác than ở núi Yên Lãng (nay là Yên Thọ). Cũng năm này, vua Minh Mệnh sai các quan Ngự sử Nguyễn Văn Chấn, Vũ Viện chia nhau xem xét các mỏ đồng nơi nào khí mạch hơi vượng hơn trước thì tăng thuế lên, chưa nhiều lắm thì vẫn theo ngạch cũ, các mỏ lấp kín nơi nào lại khí mạch thịnh vượng lại khai lấy. Năm đó mỏ đồng Tụ Long nằm trong 8 mỏ bị tăng ngạch thuế, từ 40 lạng bạc tăng lên gấp đôi thành 80 lạng bạc.

Vua Minh Mệnh rất quan tâm đến tàu thuyền của phương Tây. Sách Quốc triều chánh biên toát yếu của Quốc Sử quán triều Nguyễn có ghi lại: “Tháng 4 năm Kỷ Hợi (1839), ngài ngự chơi cầu Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy máy hơi” . Tháng 10, Vua Minh Mệnh lệnh chế thêm một chiếc tàu máy lớn, phí tổn hơn 11.000 quan tiền. Vua truyền bộ Hộ rằng: “Ta muốn công tượng nước ta đều biết tập nghề máy móc, vậy nên không kể phí tổn” . Trước sự lớn mạnh của đất nước, năm này vua Minh Mệnh đã cho đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam và cho xây chùa Giác Hoàng trong thành nội.

Những năm Kỷ Hợi thời kỳ cận đại và hiện đại
Năm Kỷ Hợi 1899: Ngày 2-2, Nguyễn Phúc Bửu Lân lên ngôi vua niên hiệu Thành Thái. Năm này, vua cho dời chợ Đông Ba ở bên ngoài cửa Chính Đông ra vị trí như hiện nay. Ngoài ra, cầu Trường Tiền được khâm sứ Trung Kỳ Levécque giao cho hãng Eiffel của nước Pháp thiết kế và thi công, đã hoàn thành trong năm này.

Năm này, Pháp khởi công xây cầu thép Long Biên bắc qua sông Hồng. Phòng nông nghiệp Nam Kỳ của Pháp đã nhờ sự can thiệp của Lãnh sự quán Pháp ở Colombo (Sri Lanka) và thông qua công ty W & B đã đặt mua 10.000 hạt cao su. Bên cạnh đó, Công ty Vận tải đường biển của Pháp xây cất bến tàu tại Sở Canh Tân tàu biển (khu vực Bến Nhà Rồng). Tháng 11, Toàn quyền Paul Doumer ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và hai trạm hành chính ở Tánh Linh (nay thuộc tỉnh Bình Thuận) và trên cao nguyên Lang Biang. Tháng 12, kỹ sư Anbert Butin đã đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng nhà máy xi măng Hải Phòng với công suất 20.000 tấn/năm.

Năm Kỷ Hợi 1959: Vào ngày 19-5, tuyến vận tải quân sự chiến lược 559 (sau là Đường Hồ Chí Minh) được thành lập. Tháng 8, nhân dân nhiều xã của huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) cùng trung đội vũ trang tập trung của tỉnh nổi dậy khởi nghĩa diệt ác, trừ gian, giành chính quyền. Tháng 12, Quốc hội thông qua bản Hiến pháp 1959 thay thế Hiến pháp năm 1946.

Cầu Trường Tiền khi còn mang tên là cầu Thành Thái, hoàn thành năm 1899. Ảnh tư liệu.

Năm Kỷ Hợi 2019: Diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm quan trọng. Đó là: Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2019); Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 – 3-3-2019), 30 năm “Ngày Biên phòng toàn dân” (3-3-1989 – 3-3-2019); Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 – 19-5-2019); Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019); Kỷ niệm 30 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 -22-12-2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2019). Ngoài ra, thời đại 4.0 bùng nổ mạnh mẽ sẽ là lực đẩy để đẩy nước phát triển nhanh hơn. Những tín hiệu đáng mừng, như: Tỉnh Bạc Liêu dự kiến tháng 3-2019 sẽ khởi công 4 dự án điện gió ở huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải, tổng công suất là 302MW với tổng số vốn đăng ký trên 16.400 tỷ đồng; sẽ khởi công tuyến cao tốc hơn 21 nghìn tỷ đồng qua tỉnh Khánh Hòa, Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương ở Lâm Đồng có tổng vốn đầu tư 65.000 tỷ đồng sẽ được khởi công xây dựng, Hà Nội cũng sẽ có hơn 100 dự án khởi công mới...

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang