Phim về kỳ thị kinh nguyệt gây sốt ở Oscar 2019

(lamchame.vn) - “Chị có biết băng vệ sinh không?”. Đáp lại câu hỏi đó, những người phụ nữ từ trẻ đến già trong bộ phim tài liệu “Period. End of Sentence” đều cúi đầu xấu hổ hoặc lắc đầu “Tôi không biết cái đó? Chúng tôi chỉ dùng vải”. Kinh nguyệt bị xem là thứ dơ bẩn, đáng xấu hổ ở nông thôn Ấn Độ.

Khai thác đề tài nhạy cảm của phụ nữ nhưng bộ phim “Period. End of Sentence” lại làm nên lịch sử tại Oscar 2019 khi được vinh danh ở hạng mục Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất. Trước đó, một thành viên ban giám khảo Oscar giấu tên cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng nam giới sẽ không bình chọn cho bộ phim về kinh nguyệt này vì thấy "kỳ kỳ". “Tôi không bỏ phiếu cho ‘Period. End Of Sentence.’. Phim rất tốt, nhưng lại có nội dung về kỳ sinh lý của phụ nữ. Tôi không nghĩ bất kỳ người đàn ông nào bỏ phiếu cho bộ phim này bởi vì nó quá ngớ ngẩn đối với họ”, người này viết trong lá phiếu bình chọn.

Khi bước lên sân khấu nhận giải thưởng danh giá nhất hành tinh, nữ đạo diễn Rayka Zehtabchi phát biểu: “Tôi không khóc vì tôi đang trong chu kỳ, hoặc cái gì đó mang ý nghĩa tương tự. Tôi không thể tin nổi một bộ phim về kinh nguyệt vừa giành giải Oscar”.

Có bối cảnh tại một ngôi làng nhỏ thuộc miền quê hẻo lánh ở Ấn Độ, bộ phim của nữ đạo diễn Rayka Zehtabchi dài 26 phút kể câu chuyện về những người phụ nữ địa phương chống lại định kiến xã hội về chuyện kinh nguyệt của phụ nữ. Số liệu cho thấy 23% nữ sinh ở miền quê Ấn Độ phải bỏ học khi đến tuổi dậy thì, vì các em không có khả năng chi trả cho các sản phẩm vệ sinh, trong khi đó 40% trường học địa phương cũng không có nhà vệ sinh riêng cho nữ để các em có thể thay băng vệ sinh.

Cảnh trong phim cho thấy các cô gái mắc cỡ khi được hỏi về chuyện kinh nguyệt .

Vào “ngày đèn đỏ”, những cô gái đã bước vào tuổi dậy thì không thể đến trường vì bị bạn học nam chê cười; phụ nữ không thể bước chân vào đền thờ vì sợ ô uế chốn linh thiêng… Họ không được tiếp cận với những sản phẩm chuyên dụng vào những ngày nhạy cảm này, phải sử dụng đi sử dụng lại những miếng vải thấm thiếu vệ sinh và an toàn. Chưa kể, họ phải lén lút làm những miếng vải này vào ban đêm vì họ xấu hổ để làm chuyện đó vào ban ngày.

Khi Sneha, một cô gái trong phim, bắt đầu làm công việc sản xuất băng vệ sinh, cô nói dối với cha mình là đang làm tã lót cho trẻ em. Cô nói: "Xấu hổ lắm, tôi còn chẳng thể nói với bạn bè chuyện đó thì làm sao nói với cha tôi được". "Chuyện đó" là từ thường được nhiều người ở Ấn Độ dùng khi nói về kinh nguyệt, băng vệ sinh, sức khỏe phụ nữ, bởi "chuyện đó" vốn bị kỳ thị. Trong kỳ kinh, nhiều phụ nữ bị cấm làm các công việc hằng ngày như đi viếng đền chùa và nấu ăn.

“Period. End of Sentence” là một phần của dự án The Pad Project (Dự án băng vệ sinh) được lập ra với mục đích giúp nữ giới ở những nơi khó khăn có thể tiếp cận các biện pháp vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt của họ. Người đại diện dự án chia sẻ: "Có nhiều cô gái không có tiền mua băng vệ sinh, đồng nghĩa với việc mỗi khi đến kỳ kinh, họ phải dùng những thứ khác thay thế như giẻ bẩn, lá cây, hay là tro. Ngoài nguy cơ nhiễm trùng cao khi đến kỳ kinh, họ còn phải nghỉ học vị sợ bạn nam chê cười, và càng nghỉ học thì khả năng bỏ học hẳn lại càng cao". Do đó, dự án dùng một chiếc máy để sản xuất ra những chiếc băng vệ sinh phân hủy sinh học giá rẻ, vừa cung cấp băng vệ sinh cho nhu cầu của nữ giới địa phương, vừa cải thiện sinh kế.

Rayka Zehtabchi (váy đen) và Melissa Berton (váy xanh) nhận giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar 2019.

Dự án được khởi xướng khi cô giáo Melissa Berton của Trường trung học Oakwood School ở Los Angeles (Mỹ) và một học sinh tham gia hội thảo của Liên Hiệp Quốc về phụ nữ và biết được những khó khăn mà phụ nữ ở nhiều nơi phải chịu vì chuyện kinh nguyệt. Cô kêu gọi một nhóm học sinh đang tham gia các hoạt động vì phụ nữ ở trường cùng mình sáng lập dự án, hợp tác với các nhóm hoạt động gây quỹ để mua chiếc máy sản xuất băng vệ sinh. Không chỉ cung cấp chiếc máy, The Pad Project còn muốn tạo nên một cuộc đối thoại, muốn tất cả mọi người cùng nói về vấn đề này, từ đó bộ phim “Period. End of Sentence” ra mắt.

Quá trình làm phim khiến đạo diễn Rayka Zehtabchi thấy rõ được định kiến về kinh nguyệt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân ở đó như thế nào. Một trong những khoảnh khắc khiến êkip làm phim "nổi điên" nhất là khi họ nói chuyện với những phụ nữ lớn tuổi. Nữ đạo diễn 25 tuổi bức xúc: "Đó là những người đã sống với kinh nguyệt cả đời, là những người lẽ ra phải nói với con gái họ về chuyện kinh nguyệt, thì chính họ cũng không thể nói được vì sao họ lại có kinh nguyệt mỗi tháng, hay thậm chí tại sao họ lại có kinh nguyệt”.

Với bộ phim này, nữ đạo diễn mong muốn: “Đây không chỉ là một bộ phim dành cho phụ nữ mà cũng cho cả nam giới. Họ chiếm 50% dân số, và nam giới cần có những cuộc đối thoại về chuyện này như phụ nữ".

Theo https://tuoitre.vn/https://www.tienphong.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang